Chính trị - Xã hội

Khắc phục nhanh bất cập thoát nước và sạt lở

15:00, 11/12/2018 (GMT+7)

Đến chiều 11-12, mặc dù tình trạng ngập nước do mưa lớn 2 ngày qua đã giảm, nhưng theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, Đà Nẵng tiếp tục có mưa, đặc biệt sẽ có mưa to và mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường đang di chuyển xuống phía nam, vì thế việc khắc phục nhanh các bất cập thoát nước và sạt lở tại các công trình là cấp thiết để giảm ngập úng và bảo đảm vận hành an toàn các công trình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo sớm giải tỏa, di dời 59 hộ dân ở thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên chịu ảnh hưởng bởi vùng đệm thoát lũ của kênh thoát lũ Hòa Liên. 	   Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo sớm giải tỏa, di dời 59 hộ dân ở thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên chịu ảnh hưởng bởi vùng đệm thoát lũ của kênh thoát lũ Hòa Liên. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phải có giải pháp thoát nước, không để nhà dân bị ngập úng

Sáng 11-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đi kiểm tra các điểm ngập úng và chỉ đạo khắc phục bất cập thoát nước và sạt lở tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Sau khi trò chuyện với các hộ dân bị ngập úng nặng nề tại tổ 123 và tổ 124, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) do khu đô thị Phước Lý trổ 2 cống thoát nước xuống khu dân cư để chảy ra hồ điều tiết, Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung (đơn vị chủ đầu tư) phải phân lưu hướng thoát nước, giao UBND quận Liên Chiểu phối hợp với chủ đầu tư triển khai khơi thông hướng thoát nước từ khu dân cư ra hồ điều tiết để giảm ngập úng.

Tại vị trí sạt lở mái kênh thoát nước từ hồ điều tiết Trung Nghĩa ra kênh Phú Lộc, đại diện Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải cho biết, vị trí sạt lở này đã xuất hiện từ năm 2016, ban đầu chỉ sạt lở với diện tích rất nhỏ, nhưng càng về sau thì rộng dần. 

Đến chiều và tối 11-12, vị trí sạt lở đã lan rộng ra với chiều dài 24m, rộng 7m. Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng yêu cầu Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải phải tập trung khắc phục tạm khu vực sạt lở và gia cố mái kênh bằng các rọ đá, để bảo đảm vận hành an toàn tuyến kênh thoát nước quan trọng này trong những ngày đến.

Tại khu vực tổ 27, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) có 56 hộ dân với 200 nhân khẩu, do không giải tỏa toàn bộ nhà dân để thi công vai kênh Đa Cô nên nước lớn từ kênh chảy ngược vào và gây ngập sâu cho khu dân cư từ 0,5-1,5m, phải sơ tán toàn bộ người dân đến nơi trú an toàn vào chiều 10-12. 

Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng giao UBND quận Liên Chiểu rà soát lại tình hình ngập úng ở khu vực này và hồ sơ giải tỏa trước đây; nếu thấy cần thiết phải giải tỏa thì họp dân để bàn và thống nhất chủ trương, rồi trình thành phố về việc giải tỏa, di dời và bố trí tái định cư.

Đến kiểm tra tình hình ngập úng tại khu vực 59 hộ dân ở vùng đệm thoát lũ của kênh thoát lũ Hòa Liên đoạn qua thôn Quan Nam 3 cùng khu vực chậm giải tỏa ở thôn Quan Nam 6, Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Xây dựng và Công ty CP Trung Nam (đơn vị thi công kênh thoát lũ) phối hợp thực hiện các giải pháp giảm ngập úng cho các hộ dân. Sở Xây dựng và Văn phòng UBND thành phố phối hợp trình UBND thành phố xem xét chủ trương giải tỏa, bố trí tái định cư đối với 59 hộ dân nói trên. UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, di dời các hộ dân còn lại ở thôn Quan Nam 6.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng làm việc với các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng rà soát việc thực hiện hoặc bổ sung phương án thoát nước tạm tại các khu vực đang thi công công trình trên địa bàn thành phố, không để nhà dân bị ngập úng như trong những ngày qua.

Tiếp tục khắc phục hậu quả

Sáng 11-12, các khu vực trong nội thành đều đã hết ngập úng. Tại nhiều khu vực huyện Hòa Vang, tình trạng ngập úng cục bộ gần như không còn sau khi nước các sông Yên, Cầu Đỏ và Túy Loan hạ thấp. Chỉ còn khu vực thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong là còn bị ngập sâu một số đường thôn có cao trình thấp hơn bờ sông Túy Loan. UBND xã Hòa Phong đã huy động xe múc đào tuyến mương thoát nước tạm ra sông Túy Loan để giải quyết ngập úng.

Trong khi đó, các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai việc khắc phục các điểm hư hỏng do mưa lớn. Tại bán đảo Sơn Trà, các đơn vị quản lý đường huy động lực lượng dọn dẹp đất đá rơi vãi, các điểm sạt lở được căng dây báo hiệu cho các phương tiện giao thông; đồng thời cào xúc, dọn dẹp cây ngã đổ, xử lý các điểm sạt lở. Trong ngày, việc sạt lở tại tuyến quốc lộ 14B và các tuyến đường khác cũng được khắc phục.

Đoàn viên, thanh niên Thành Đoàn Đà Nẵng ra quân vệ sinh môi trường biển. Ảnh THANH TÌNH
Đoàn viên, thanh niên Thành Đoàn Đà Nẵng ra quân vệ sinh môi trường biển. Ảnh THANH TÌNH

Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cũng đã hoàn thành khắc phục các điểm sạt lở, thông tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân tại Km 770+950, cung cầu đường Hải Vân 3 (địa phận Đà Nẵng). Trước đó, do mưa lớn kéo dài khiến vị trí này sạt lở đất trên 200 m³ và sạt lở trong đêm khiến khu vực đèo Hải Vân bị phong tỏa hoàn toàn.

Rất may, lúc xảy ra sạt lở, nhân viên tuần đường phát hiện và dừng tàu số hiệu 2416 kịp thời. Theo ông Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, có toàn bộ 9 điểm sạt lở tại Hải Vân và Hải Vân Nam. Công ty đã điều động 100 công nhân cùng máy xúc đến hiện trường hốt dọn đất đá ngay trong đêm. Đến 4 giờ sáng 11-12 đã thông tuyến.

Tập trung khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra
 
Ban Thường vụ Thành ủy vừa có Công văn số 2723-CV/TU ngày 10-12-2018 chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố, các quận, huyện ủy tập trung khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra trong các ngày 9 và 10-12. 
 
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng huy động lực lượng vũ trang, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết; bảo đảm cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu, bảo đảm cung cấp điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc; tiếp tục rà soát các điểm ngập nặng để triển khai các biện pháp nạo vét, khơi thông, thoát nước; điều tiết giao thông, cảnh báo khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. 
 
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả, báo cáo kết quả về Thường trực Thành ủy để theo dõi, chỉ đạo.
 
Trước đó, các đợt mưa lớn trong hai ngày 9 và 10-12 vừa qua đã gây ra tình trạng ngập sâu tại nhiều tuyến đường, công trình, nhà ở, gây thiệt hại cơ sở vật chất, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và mỹ quan đô thị, nhất là khu vực trung tâm thành phố.
     
S.TRUNG
Ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường sau mưa lũ
 
Ngày 11-12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có văn bản yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường nhằm bảo đảm sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân sau đợt ngập nước trong các ngày vừa qua.
 
Trước mắt, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng chịu trách nhiệm chủ động tổ chức thu gom, dọn vệ sinh rác thải đô thị, bảo đảm không có tình trạng tồn lưu rác trên các tuyến đường, trong khu dân cư nhằm tránh phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ.
 
Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp huy động học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia cùng nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường.
 
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phối hợp với các trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện tiến hành vệ sinh y tế, dịch tễ, phun thuốc phòng dịch.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải khẩn trương triển khai công tác khắc phục sạt lở bờ biển... (NGỌC PHÚ)
 
* Sáng 11-12, các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đã ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tại đường Trường Sơn, người dân, lực lượng công an, dân quân thường trực cùng phương tiện ô-tô, xe múc ra quân dọn dẹp gạt bùn đất hai bên đường qua thôn Thạch Nham Đông. Tại xã Hòa Ninh, 8 thôn cũng đã đồng loạt ra quân thu dọn rác, lá cây trên toàn địa bàn… Các xã còn lại như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Liên đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh tại một số điểm nước đã rút. Đoàn viên Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát cơ động Công an thành phố, Công an Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cũng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các bãi biển Đà Nẵng, các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa. Đoàn viên Công an quận Liên Chiểu, Thanh Khê phối hợp với các lực lượng khác dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực biển Nguyễn Tất Thành, Xuân Thiều… (NGỌC PHÚ)
 
* Sáng 11-12, gần 100 người gồm nhân viên đội cứu hộ bãi biển, trật tự, bãi biển, nhân viên văn phòng của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng và nhân viên môi trường, Quận Đoàn Sơn Trà… đã tập trung ở bãi biển Mỹ Khê để thu gom rác thải do mưa lớn tấp vào trong mấy ngày qua. Theo đó, đã có khoảng hơn 5 tấn rác chủ yếu là củi mục, túi ni-lông, rác thải nhỏ… được thu gom, dọn sạch các bãi biển. (THU HÀ)
 
* Ngày 11-12, Thành Đoàn Đà Nẵng huy động tất cả các cơ sở Đoàn trực thuộc ra quân dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước; đồng thời tham gia chốt chặn cảnh báo các tuyến đường ngập lụt và hỗ trợ người dân, phương tiện vào nơi an toàn. (THANH TÌNH)
 
* Sở GD&ĐT cho biết, các trường bị ảnh hưởng vì ngập nước đã hoàn tất công tác vệ sinh môi trường trong ngày 11-12. Tại huyện Hòa Vang, Trường tiểu học Hòa Liên 2 nằm ở vùng trũng nên bị ngập khá nhiều. Theo Ban giám hiệu nhà trường, không chỉ dọn vệ sinh môi trường, quét bùn non, nhà trường còn đề nghị ngành y tế huyện phối hợp phun hóa chất phòng bệnh.
 
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ cho biết, mưa lớn khiến Trường mầm non Sao Mai sập 10m tường rào (tại cơ sở 2 ); Trường THCS Trần Quý Cáp sập 20m tường rào; Trường tiểu học Ngô Quyền hỏng toàn bộ mái che khu bể bơi di động. Các trường mầm non Hoa Ngọc Lan, Hương Sen, Hướng Dương và Trường tiểu học Diên Hồng bị thấm dột một số phòng. (NGỌC PHÚ)
 
Các vườn rau bị thiệt hại do mưa, ngập
 
Theo ghi nhận của phóng viên tại các vùng rau như Túy Loan (huyện Hòa Vang), làng rau La Hường (quận Cẩm Lệ), Hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh dịch vụ hoa cây cảnh Vân Dương (xã Hòa Liên)… do ảnh hưởng của mưa liên tục trong những ngày qua đã gây ra những thiệt hại lớn về hoa màu của bà con nông dân. Tại vườn rau Túy Loan, những luống rau bị mưa, bùn phủ dập nát; một số loại như bí, khổ qua… mới xuống giống được ít ngày cũng bị hư hại. 
 
Sau trận mưa lớn kéo dài những ngày qua, làng rau La Hường cũng bị thiệt hại nặng nề. Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã rau La Hường cho hay, ước tính HTX thiệt hại khoảng 10 hecta, trong đó có 0,7 hecta bị sạt lở, thiệt hại ước khoảng trên 350 triệu đồng cả tiền công và vốn các xã viên đã đầu tư vào vườn rau. Thiệt hại chủ yếu tập trung các loại rau ăn lá, các loại quả như ớt, súp lơ, bí, đậu... Trước mắt, HTX đề xuất với các cấp hỗ trợ về các giống cây để khi trời nắng các thành viên trong HTX gieo trồng cho kịp phục vụ dịp đông xuân.
 
Ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên cho hay, cả xã có khoảng 9 hecta hoa màu; trong đó HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ hoa cây cảnh Vân Dương chiếm khoảng 3 hecta. Theo thống kê sơ bộ ban đầu chủ yếu là thiệt hại về rau, màu ở Trung Sơn; riêng vùng hoa Vân Dương không bị ngập, nhưng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ông Phạm Hiền, Giám đốc HTX hoa cây cảnh Vân Dương thông tin, sau hai trận  mưa lớn có khoảng 15.000 chậu cây nhỏ bị ngã, đổ chủ yếu là các loại hoa ngắn ngày như hoa bướm, mồng gà… là những loại hoa mới trồng từ 7-10 ngày.
 
Báo cáo sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, ước tính thiệt hại về nông, lâm nghiệp khoảng 2,9 tỷ đồng; trong đó diện tích mạ bị thiệt hại là 3,4 ha; diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại khoảng 70,7 ha; số lượng hoa, cây cảnh các loại khoảng 283.470 cây; diện tích cây trồng hằng năm khoảng 17,8 ha; diện tích đất bị xói lở, vùi lấp khoảng 1,5 ha. Thiệt hại về chăn nuôi khoảng 184,2 triệu đồng, trong đó, gia súc bị cuốn trôi 1 con; gia cầm bị chết và cuốn trôi khoảng 1.178 con...
 
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trước mắt huyện cũng sẽ cố gắng để hỗ trợ bà con giống rau, màu để kịp cho vụ sản xuất tới để ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân sau thiên tai. (THU HÀ)
 
Cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt sở đất
 
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, trong ngày 12-12 và những ngày tới do ảnh hưởng đợt không khí lạnh mới, tại thành phố Đà Nẵng có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to; nhiệt độ thấp nhất từ 18-21oC; gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4; vùng biển có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại huyện Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn. (NAM TRÂN)
Điều tra nguyên nhân vụ tai nạn điện làm 1 người tử vong
 
Ngày 11-12, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, vào khoảng 19 giờ ngày 10-12, tại đường Yên Thế (quận Cẩm Lệ) đã xảy ra vụ tai nạn điện làm 1 người chết, 1 người bị thương. Nạn nhân là anh Trương Vũ H. (31 tuổi, ngụ phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) tử vong tại chỗ, vợ là chị Trần Huệ T. (28 tuổi) bị thương.
 
Sau khi nhận được tin báo, Điện lực Liên Chiểu - đơn vị quản lý điện địa bàn đã nhanh chóng cắt điện và triển khai nhân viên cùng các phương tiện xe cẩu, xe gàu đến hiện trường để phối hợp Công an kiểm tra, xử lý.
 
Tại hiện trường, có 1 sợi cáp điện màu đen dài khoảng 20 mét móc nối từ trụ điện nằm ngang qua đường Yên Thế - Bắc Sơn (đường 7,5m). Sau khi kiểm tra, đơn vị xác định sợi dây điện được đấu nối vào nguồn điện chiếu sáng. Đại diện Công ty Quản lý điện chiếu sáng có mặt tại hiện trường xác nhận, đây là sợi dây điện chiếu sáng được cấp cho Công ty Hạ tầng ưu tiên quản lý thi công công trình. Trước đó, công ty này có xin phép cung cấp điện chiếu sáng vào đợt Tết Nguyên đán 2018, tuy nhiên, sau đó đã tự ngắt điện bằng cách cắt dây, nhưng không tháo điểm đấu nối, chừa lại đoạn dây điện nêu trên. Sợi dây này, khi hệ thống chiếu sáng tắt thì không có điện. 
 
Theo thông tin tại hiện trường, ban ngày có người đã kéo băng ngang đường để cảnh báo khu vực ngập nước. Buổi tối, khi hệ thống chiếu sáng hoạt động, sợi dây dẫn điện, gây nên sự việc thương tâm làm 1 người chết và 1 người bị thương. Hiện, Điện lực Đà Nẵng tiếp tục phối hợp Công an để điều tra, làm rõ sự việc.
 
* Ngày 11-12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có Công văn số 9628/UBND-QLĐTư  yêu cầu Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ban đầu và biện pháp khắc phục hậu quả vụ việc trên, báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND thành phố trước 10 giờ ngày 12-12. Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Công thương kiểm tra, xử lý các nội dung liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước, báo cáo về UBND thành phố.
 
DIỆP NHƯ - NGỌC PHÚ
Cứu 2 bố con mắc kẹt trong ô-tô
 
Sáng 11-12, Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cho biết, lúc 21 giờ ngày 10-12, Công an phường và Đội cứu hộ, cứu nạn Công an quận Thanh Khê giải cứu thành công 2 bố con bị mắc kẹt trong ô-tô.
 
Thời điểm trên, anh Nguyễn Quý L. (SN 1988, trú quận Hải Châu) điều khiển ô-tô 4 chỗ chở theo con trai Nguyễn Hoàng T. (SN 2016) lưu thông theo hướng từ quận Thanh Khê về quận Hải Châu thì xe bị chết máy do đường ngập nặng. Nhận tin báo, lực lượng cứu nạn đến hiện trường đưa 2 bố con anh Linh ra ngoài an toàn và cẩu ô-tô ra khỏi khu vực ngập nước để xử lý.
 
NGỌC PHÚ

                     HOÀNG HIỆP - THÀNH LÂN

.