Chính trị - Xã hội

Nhiều giải pháp chống tái nghèo

08:57, 29/12/2018 (GMT+7)

Cuối năm 2018, Đà Nẵng giảm số hộ nghèo về mốc 2.300 hộ - về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu của đề án Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao chống tình trạng tái nghèo để chương trình giảm nghèo có tính bền vững.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn (trái) trao xe nước mía giúp một hộ nghèo ở phường Hòa Hải có phương kế sinh nhai ổn định cuộc sống.
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn (trái) trao xe nước mía giúp một hộ nghèo ở phường Hòa Hải có phương kế sinh nhai ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Sơn Trà cho biết, ngay khi thực hiện công tác giảm nghèo, địa phương đã tính đến việc giảm nghèo bền vững, vì nếu chạy theo thành tích, sau này chống tái nghèo sẽ khó khăn gấp nhiều lần. Trong năm 2018, quận xóa 6.771 hộ nghèo, đạt 102,59% so với kế hoạch.

Đây không những là con số cao nhất trong những năm qua, mà còn là năm công tác giảm nghèo có tính ổn định nhất khi quận chú trọng đến sự bền vững của chương trình. Đã có tổng cộng gần 22 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn giúp các hộ nghèo thoát nghèo; quan trọng hơn là nguồn lực này được hỗ trợ đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, giới thiệu việc làm đạt kết quả tốt với việc có thêm 1.605 việc làm mới, giúp các hộ nghèo có thu nhập ổn định. Trong trường hợp hộ nghèo gặp khó khăn đột xuất, quận vẫn có nguồn kinh phí dự phòng giúp tránh tái nghèo.

Tương tự, tại quận Hải Châu, liên tục trong 3 năm gần đây, công tác giảm nghèo vượt kế hoạch và bảo đảm tính ổn định. Từ năm 2016 đến 2018, toàn quận giảm đến 2.144 hộ nghèo, về đích trước 2 năm. Điều quan trọng nhất là các hộ thoát nghèo đều có nguồn thu nhập ổn định, thông qua sự giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể. Các hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... luôn theo dõi từng trường hợp hộ nghèo được phân công quản lý và tạo nguồn dự phòng từ quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ các hộ gặp khó khăn đột xuất hoặc ốm đau tai nạn nhằm ngăn tái nghèo ngay khi khởi phát.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) cho biết: “Năm 2017, địa phương xóa 90 hộ nghèo (đạt 100% KH); đến nay không có trường hợp tái nghèo. Năm 2018 xóa được 75 hộ nghèo (đạt 100% KH), tất cả số hộ này cũng không tái nghèo. Cơ sở để địa phương làm được điều này là ngoài các hỗ trợ chung của thành phố như: miễn, giảm học phí cho con hộ nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện..., địa phương rất chú trọng tạo việc làm thông qua hỗ trợ phương tiện sinh kế.

Theo đề án Giảm nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020, những hộ dù đã được hỗ trợ thoát nghèo nhưng trong 2 năm còn lại của đề án vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế... đến hết chu kỳ của đề án. Đây chính là điều rất thuận lợi để các hộ vừa thoát nghèo có thể yên tâm tập trung làm ăn, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo các cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý không muốn... thoát nghèo, hoặc thoát nghèo rồi vẫn muốn quay trở lại hộ nghèo để được hưởng ưu đãi. Vấn đề này đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng lưu ý với quận Hải Châu, nhân dịp địa phương tổ chức hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến trong xây dựng khối đại đoàn kết và tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của quận: “Chúng ta đã hoàn thành xuất sắc công tác giảm nghèo khi về đích trước 2 năm; tuy nhiên điều quan trọng là bảo đảm công các chống tái nghèo. Ở đây có cả việc “chống” tâm lý của một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo để hưởng các chế độ ưu đãi của Trung ương và địa phương”.

Bài và ảnh: THANH VÂN

.