Chính trị - Xã hội

Nỗi lo ô nhiễm "trắng"

14:04, 20/12/2018 (GMT+7)

Sau trận ngập nặng do mưa lớn vừa qua, các bãi biển Đà Nẵng bị ô nhiễm “trắng” bởi có rất nhiều rác thải nhựa và nilon từ trong đường phố trôi ra và sóng biển tấp vào. Trước đó, nhiều vật, mảnh rác thải nhựa và nilon vứt bừa bãi đã gây tắc nghẽn, chậm thoát nước ở nội đô.

Rất nhiều rác thải nhựa, nilon ở bãi biển sau khi khu vực nội đô bị ngập nước nặng do mưa lớn lịch sử. 					             Ảnh: H.HIỆP
Rất nhiều rác thải nhựa, nilon ở bãi biển sau khi khu vực nội đô bị ngập nước nặng do mưa lớn lịch sử. Ảnh: H.HIỆP

Ô nhiễm “trắng” là khái niệm mà giới chuyên môn đề cập về vấn đề ô nhiễm môi trường do vấn nạn sử dụng các loại rác thải nhựa và nilon rồi vứt bừa bãi ra môi trường. Trong 3 năm qua, Đà Nẵng có nhiều hoạt động tuyên truyền hạn chế sử dụng rác thải nhựa và nilon, nhưng vấn nạn sử dụng và vứt bừa bãi ra môi trường vẫn bức xúc.

Trong những ngày đường Hàm Nghi chìm trong biển nước (nhất là 2 ngày 9 và 10-12) do mưa lớn, người đi đường không khỏi rùng mình khi nhìn thấy nhiều bao nilon, hộp xốp đựng thức ăn, chai nhựa, các loại ly và chén đĩa nhựa sử dụng một lần… nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhiều xe cộ chạy qua cán vào các bao đựng rác làm rác thải bung ra và trôi đi khắp nơi, tấp về một góc hồ Vĩnh Trung (Thanh Khê). Theo đó, nhiều vật, mảnh rác thải nhựa và nilon gây tắc nghẽn cống và làm chậm thoát nước. Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải cho rằng: “Người dân vứt rác thải bừa bãi, nhất là các loại rác khó phân hủy như rác thải nhựa và nilon bị nước cuốn trôi và mắc kẹt trong cống, gây tắc nghẽn thoát nước. Đây cũng là một nguyên nhân làm nước không thoát được, tràn lên gây ngập đường và chậm rút. Công ty phải bố trí nhiều công nhân túc trực các điểm ngập nước để vệ sinh, thu nhặt rác, thông cống…”.

Rác thải nhựa và nilon trôi theo dòng nước ngập trong thành phố và ra biển rất nhiều. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đề cập thực trạng bức xúc này khi đến kiểm tra thực tế điểm ngập nước tại ngã ba đường Võ Nguyên Giáp- Nguyễn Đức Thuận vào trưa 9-12: “Từ sáng đến giờ mà rác trôi hoài không hết, nhất là mấy loại rác thải nhựa và nilon. Số rác này trôi hết ra biển gây ô nhiễm biển”. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cần tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn tình trạng vứt rác bừa bãi.

Do rác thải chảy theo dòng nước rất nhiều nên sau trận ngập lớn, trên các bãi biển du lịch của thành phố có đầy rác thải nhựa và nilon. Đặc biệt, ở hai bên cửa xả nước ra biển ở đối diện đường Tôn Thất Đạm (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) có hàng tạ rác thải nhựa và nilon tấp vào. Nhiều người dân ở phường Xuân Hà cho rằng, số rác thải nhựa và nilon này không phải từ nơi khác trôi về mà chính ngay trong các đường phố trôi ra cửa xả, gặp sóng biển đẩy vào nên tấp qua hai bên cửa xả. Trên các bãi biển, bên cạnh các loại rác thải nhựa và bao nilon từ trong đường phố trôi ra, có rất nhiều rác thải từ biển tấp vào, trong đó có nhiều chai nhựa và chai thủy tinh có nhãn hiệu ngoại quốc.

Trước vấn nạn rác thải nhựa và nilon đang được sử dụng và vứt bừa bãi ra môi trường quá nhiều, đòi hỏi thành phố phải có biện pháp xử lý căn cơ. Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố đã có tờ trình đề nghị và kỳ họp thứ 9 của HĐND thành phố thông qua nghị quyết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó khuyến khích, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố không dùng túi nilon khó phân hủy; khuyến khích, vận động tất cả các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố không dùng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần để đựng thức ăn, đồ uống cho khách hàng…

HOÀNG HIỆP

.