Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở Đà Nẵng những năm qua, cùng với quá trình hội nhập mạnh mẽ của một đô thị đầu mối giao lưu quốc tế và hình ảnh một Đà Nẵng năng động, thân thiện, mến khách được quảng bá rộng rãi đã làm gia tăng lượng khách du lịch cũng như người lao động nước ngoài đến Đà Nẵng.
Sự gia tăng nhanh chóng đó đặt ra bài toán khó giải, khi công tác quản lý Nhà nước chưa theo kịp với thực tiễn. Vì vậy, cần cấp thiết có lời giải cho bài toán này.
Khu phố An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có nhiều nhà hàng, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người nước ngoài. Ảnh: NGỌC HÀ |
Bài 1: Bùng nổ dịch vụ du lịch có yếu tố nước ngoài
Tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, các dịch vụ phục vụ du lịch như hàng quán, siêu thị, cửa hàng đặc sản, chăm sóc sắc đẹp (spa)… do người nước ngoài (NNN) đứng tên hoặc người Việt Nam đứng tên có sử dụng lao động NNN hoạt động khá sầm uất.
Trên tuyến đường được mệnh danh là “phố Hàn” Dương Đình Nghệ (quận Sơn Trà), không khó để bắt gặp những quán xá, siêu thị, cơ sở chăm sóc sắc đẹp dành cho khách du lịch, đặc biệt khách Hàn Quốc. Bắt chuyện với một chủ cửa hàng bán túi xách người Hàn Quốc, anh cho biết 10 năm qua, anh đã đi khắp các nước Đông Nam Á.
5 tháng gần đây, anh chọn Đà Nẵng mở cửa hàng này vì lượng khách Hàn đến Đà Nẵng khá đông, người lao động từ Hàn sang cũng nhiều nên thuận tiện trong việc kinh doanh. Ngoài địa điểm này, anh và bạn còn mở một cửa hàng bên đường Nguyễn Thái Học (quận Hải Châu).
Cách đó không xa là một loạt spa, tiệm hớt tóc… cũng do người Hàn Quốc làm chủ. Chúng tôi đến Spa H. vào giờ trưa nên khá vắng vẻ. Theo nhân viên của spa, khách đông nhất là vào buổi chiều, chủ yếu khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Chủ của cơ sở là người Hàn Quốc, mà tụi em cũng đâu khi nào nói chuyện với họ, mọi việc đều thông qua quản lý người Việt. Những hôm khách đông thì quản lý kêu thêm nhân viên làm việc theo giờ về phụ. Lương cơ bản cộng thêm tiền tip thì khoảng 7 triệu đồng/nhân viên/tháng, vẫn cao hơn so với đi làm nghề nuôi dạy trẻ.
Trong cơ sở này, nhiều người tốt nghiệp đại học như em lắm. Từ ngày mấy cơ sở phục vụ khách du lịch mọc lên nhiều, tụi em rủ nhau đi làm hết”, cô gái quê Quảng Trị chia sẻ.
Khu phố An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cũng được biết đến là “phố Tây” của Đà Nẵng bởi khá đông NNN lưu trú. Các tuyến đường trung tâm khu phố như: Ngô Thì Sỹ, Hoàng Kế Viêm, Lê Lộ, các tuyến đường An Thượng 4, 6, 14, 29, 34… có nhiều nhà hàng, dịch vụ phục vụ NNN. Đặc biệt, Night Market (trên đường An Thượng 4), khá đông NNN đến ăn uống.
Nơi đây có hơn 10 gian hàng ẩm thực, đồ uống mang phong vị nhiều nước trên thế giới: ẩm thực Việt Nam dân dã, đậm đà đến các món ăn Pháp, Mỹ, Nhật, Ý, Mexico… Theo những người kinh doanh ở đây, Night Market do vợ chồng người Nhật (chồng người Nhật, vợ Việt Nam) làm chủ, họ cho thuê lại với giá tầm 5 triệu đồng/tháng/gian hàng. Night Market chỉ phục vụ vào buổi tối cho khách du lịch và NNN hiện sinh sống tại đây.
Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong những năm qua tăng mạnh, kéo theo loại hình dịch vụ dành cho người nước ngoài tăng theo. Ảnh: NHẬT HẠ |
Sự tăng mạnh của lượng khách nước ngoài, đặc biệt khách Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã hình thành những cửa hàng, cơ sở nằm trong hệ thống tour khép kín và chỉ hoạt động khi có khách đoàn và giá cả thường rất cao.
Tầm hơn 10 giờ sáng, theo “mách nước” của những người trong nghề, chúng tôi đến cửa hàng chủ là người Hàn Quốc bày bán những mặt hàng Việt Nam như hạt điều, trái cây sấy khô… trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà).
Nhìn từ bên ngoài, cửa hàng chỉ để vỏn vẹn bảng tên, nếu không biết trước, khó lòng đoán được nơi đây kinh doanh mặt hàng gì. Khi chúng tôi đẩy mạnh cửa bước vào, các nhân viên cửa hàng ngạc nhiên khi thấy… khách Việt xuất hiện.
Tương tự, L., nhân viên bán hàng của một cửa hàng chuyên đón các đoàn khách tour của thị trường Trung Quốc trên đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) cũng cho biết, cửa hàng vẫn có bảng niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo đúng quy định. Tuy nhiên, nếu so giá thành của cùng một sản phẩm trong cửa hàng bán cho khách tour với sản phẩm bán ngoài thị trường thì có giá cao hơn.
Thống kê cho thấy, các dịch vụ về du lịch như hàng quán, siêu thị, cửa hàng đặc sản, spa… do NNN làm chủ hiện đang nở rộ. Theo số liệu của UBND quận Sơn Trà, trên địa bàn quận, NNN thuê nhà trong khu dân cư và căn hộ cao cấp, căn hộ trong khu phức hợp là hơn 600 căn; nhà hàng, cơ sở spa, gym, yoga, massage, cửa hiệu, cửa hàng đặc sản… do NNN đứng tên hoặc người Việt Nam đứng tên có sử dụng NNN làm việc, lao động là 50 cơ sở. Tính đến hết tháng 11, tổng số NNN đến tạm trú trên địa bàn quận là gần 773.000 người (tăng 321% so với cùng kỳ 2017).
Tương tự, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, trên địa bàn quận, NNN thuê nhà trong khu dân cư và căn hộ cao cấp, căn hộ trong khu phức hợp là gần 300 căn. Trong năm 2018 có 752.085 lượt NNN và 3.029 lượt người Việt Nam ở nước ngoài đến lưu trú, tạm trú trên địa bàn quận với các mục đích du lịch, học tập, thương mại, hội nghị (so với cùng kỳ năm 2017, tăng 420.693 người (126,9%); trong đó, tập trung chủ yếu khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, còn lại các quốc tịch khác.
Số lượng NNN đến Đà Nẵng theo hình thức lao động cũng tăng so với năm 2017. Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, tính đến ngày 15-11-2018, trên địa bàn thành phố có 735 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động là NNN với 1.936 người (tăng 24% so với năm 2017, năm 2017 có 1.557 lao động), quốc tịch nhiều nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, sở này cấp giấy phép lao động 1.303 người và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 633 người.
Có thể nói, các dịch vụ du lịch mọc lên như nấm, kể cả do NNN đứng tên đã tạo công ăn, việc làm cho một bộ phận lao động địa phương. Tuy nhiên, mặt trái mà nó mang đến cũng không hề ít…
NGỌC HÀ – NHẬT HẠ