40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 – 7-1-2019)

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; thể hiện tinh thần quốc tế cao cả

.

(Tiếp theo và hết)

Việt Nam phản công quân xâm lược

Ngày 15-6-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về chống lại cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và tình hình căng thẳng ở biên giới phía Bắc, trong đó quyết định phát động chiến tranh nhân dân, kiên quyết phản công và tiến công địch một cách chủ động, liên tục bằng mọi lực lượng, với các quy mô nhỏ, vừa và lớn, đánh địch cả trong và ngoài biên giới, tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch.

Sau cuộc nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia ở Quân khu Đông ngày 26-5-1978, quân Pôn Pốt vừa ráo riết thanh trừng nội bộ, vừa phải đối phó với lực lượng cách mạng Campuchia vẫn đang tiếp tục hoạt động ở nhiều nơi. Để hỗ trợ cho lực lượng cách mạng Campuchia tồn tại và phát triển, tạo thế cho hoạt động của ta vào mùa khô 1979, từ ngày 14-6 đến 30-9-1978, ta sử dụng Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và 2 sư đoàn (thuộc Quân khu 7), 2 sư đoàn (thuộc Quân khu 5) mở tiếp đợt tiến công lớn trên các hướng đường 1, đường 7, vùng giáp biên giới Tây Ninh và đường 19 kéo dài nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tiến tới làm suy yếu một bước lực lượng quân Pôn Pốt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh chung với các tướng lĩnh Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước năm 1990. (Từ trái sang phải: Thiếu tướng Phạm Bân – Phó Tư lệnh Mặt trận 579; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Trung tướng Trần Quang; Thiếu tướng Lê Huẩn - Phó Tư lệnh Chính trị; Thiếu tướng Phan Thanh Dư – Tham mưu trưởng). Ảnh: Xuân Quang
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh chung với các tướng lĩnh Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước năm 1990. (Từ trái sang phải: Thiếu tướng Phạm Bân – Phó Tư lệnh Mặt trận 579; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Trung tướng Trần Quang; Thiếu tướng Lê Huẩn - Phó Tư lệnh Chính trị; Thiếu tướng Phan Thanh Dư – Tham mưu trưởng). Ảnh: Xuân Quang

Do bị bất ngờ hoàn toàn về thời gian, quy mô và phương thức hoạt động của ta, quân Pôn Pốt rơi vào thế bị động, ngay ngày đầu đã bị ta đánh thiệt hại và tê liệt một số sư đoàn. Cuộc tiến công của ta đã hỗ trợ kịp thời cho lực lượng cách mạng Campuchia ở Quân khu Đông, buộc quân Pôn Pốt bị động đối phó trên cả 2 mặt trận biên giới và nội địa. Ở nhiều khu vực quan trọng, lực lượng nổi dậy đã lập được căn cứ, dựa vào dân để phát triển lực lượng. Phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia trong đợt tiến công này, ta loại khỏi vòng chiến đấu 6 sư đoàn, làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng chủ lực quân Pôn Pốt, đẩy lùi hầu hết quân Pôn Pốt ra khỏi đất Việt Nam.

Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11-1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển được 15 tiểu đoàn, 5 khung tiểu đoàn, 24 đội công tác, xây dựng được các tổ chức Đảng, chuẩn bị thành lập mặt trận và bộ máy lãnh đạo. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 2-12-1978, tại vùng giải phóng thuộc xã Chơng Th’nu, huyện Snuol, tỉnh Kratié (Campuchia), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt nhân dân Campuchia, công bố cương lĩnh cách mạng 11 điểm, trong đó nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân; khẳng định tăng cường tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới; kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia.

Phát hiện quân Pôn Pốt có ý định tập trung 5 sư đoàn và 4 trung đoàn tiến công đánh chiếm Tây Ninh, sau đó sẽ mở rộng địa bàn đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam, ngày 6 và 7 tháng 12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công - tiến công chiến lược tiêu diệt quân địch, hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân.

Phát hiện sự chuẩn bị của ta, quân Pôn Pốt tập trung phần lớn lực lượng chủ lực bố trí dọc biên giới với Việt Nam, toàn bộ phía sau hầu như trống rỗng. Ngày 23-12-1978, quân Pôn Pốt huy động 10 trong số 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.
Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 26-12-1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt bị phá vỡ.

Đến ngày 31-12-1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Ngày 2-1-1979, ba cụm quân chủ lực của Pôn Pốt, mỗi cụm 5 sư đoàn, án ngữ các trục đường tiến về Phnôm Pênh (đường 1, đường 7 và đường 2) cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Ngày 5 và 6-1-1979, trên tất cả các hướng, quân Pôn Pốt không cản được Quân tình nguyện Việt Nam truy kích và tiến sát Thủ đô Phnôm Pênh. Ngày 6-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Thủ đô Phnôm Pênh. Sau 2 ngày tổng công kích, ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.

Ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Việt Nam cùng nhiều nước đã công nhận nước Cộng hòa nhân dân Campuchia. Đến ngày 17-1-1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng; phần lớn lực lượng Pôn Pốt bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia.

Từ ngày 23-12-1978 đến 17-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pôn Pốt, diệt 12.000 tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44.000 tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự của quân Pôn Pốt; đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở.

Trong thời gian gần hai năm chiến tranh, quân Pôn Pốt giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, 400.000 người dân mất nhà cửa, trên 3.000 nhà bị bỏ hoang; nhiều nhà thờ, trường học, chùa chiền bị chúng đốt phá...

Ngày 18-2-1979, tại Thủ đô Phnôm Pênh, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước. Thực hiện những cam kết ghi trong hiệp ước, sau ngày chiến thắng, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng

Thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc có ý nghĩa rất to lớn đối với Việt Nam: Một lần nữa khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.

Đối với Campuchia, chiến thắng ngày 7-1-1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn đối với vận mệnh đất nước là xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia; cứu nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, hồi sinh đất nước và dân tộc.

Đối với quốc tế, thắng lợi vĩ đại ngày 7-1-1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Với thắng lợi này, quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước. Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.

S.T

(Theo Đề cương tuyên truyền 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam,
do Ban Tuyên giáo Thành ủy cung cấp)

;
;
Tin liên quan
    .
.
.
.
.
.