Hành động vì môi trường

.

Năm mới đến, chẳng mấy ai trong chúng ta lại không cảm nhận về sự chuyển mình của đất trời, đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vô cùng  tươi đẹp đến lạ thường.

Mỗi sáng tinh mơ, nhiều người dân của thành phố bên bờ Biển Đông này lại tản bộ ra các bãi biển để đón mặt trời lên và hít thở khí trời trong lành; hay đi dọc hai bên bờ sông Hàn để ngắm nhìn con nước trong xanh lững lờ trôi về biển cả.

Đà Nẵng mình đẹp là vậy, thơ mộng là vậy đó!

Tôi bỗng chợt nhớ lại hồi cuối năm 2018.

Cái câu chuyện “Ông tha mà bà không tha/Làm cho cái lụt hai ba tháng mười” mà truyền nhân để lại theo như quy luật của đất trời từ ngàn đời nay, đã không xảy ra.

Cả mấy tháng liền, Đà Nẵng và nhiều địa phương miền Trung phải hứng chịu “cơn khát nước” và chống hạn giữa mùa mưa bão.

Thế nhưng, sau đó chỉ mười ngày, khi bình minh chưa ló dạng, mọi người vẫn còn say trong giấc nồng, thì đã xảy ra một cơn mưa như trút nước đến kinh hoàng, làm cho nhiều phố phường Đà Nẵng ngập chìm trong biển nước mênh mông.

Nhiều đường phố biến thành những… con sông. Hàng trăm căn nhà của người dân chìm sâu trong nước.

Nhưng cái ngập này, lại không chỉ do hệ thống thoát nước của thành phố quá tải bởi lượng mưa lớn chưa từng có trong một thời gian ngắn.

Mà than ôi! Người ta thấy, trên các con đường, ngõ hẻm ngập nước, tại những hố ga, miệng cống… ngập tràn không biết cơ man nào những chiếc bao nilon, các chất thải nhựa khác, làm che lấp các dòng thoát nước, hay lềnh bềnh trên mặt nước, và nằm ngổn ngang trên mặt đường...

Để khắc phục, nhiều lực lượng khác nhau đã phải dầm mưa để đi thu dọn và khơi thông dòng chảy. Nhưng để có thời gian thu gom hết được số rác thải nhựa và các chất rắn khác mà do sự thiếu ý thức của con người thải ra hằng ngày, thì phần lớn chúng đã bị cuốn trôi theo dòng nước hung hãn chảy ra dòng sông Hàn và hòa vào biển cả.

Cái hiện thực đó làm cho tôi nhớ lại câu chuyện hồi giữa năm 2018 đã gây đau nhói hàng triệu con tim trên khắp hành tinh, khi Bộ Tài nguyên Biển và Bờ biển Thái Lan (DMCR) dù đã nỗ lực chăm sóc và hồi phục sức khỏe cho con cá voi hoa tiêu bị dạt vào bờ biển miền Nam nước này, nhưng họ bất lực không thể cứu sống nó. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của con cá voi hoa tiêu là vì nó đã nuốt hơn 80 túi nhựa, và nó đã trở thành nạn nhân mới nhất cho vấn nạn ô nhiễm môi trường biển.

Còn các nhà khoa học thì cảnh báo rằng, rác thải nhựa từ lâu được biết đến là nguồn sản sinh ra những hóa chất độc hại thấm vào đất và nước, gây hại cho sức khỏe con người.

Những nghiên cứu cho thấy kể từ năm 1950, hơn 9 tỷ tấn nhựa được sản xuất và thải ra đại dương. Đến năm 2025, cứ 3 tấn cá ngoài đại dương sẽ có 1 tấn rác nhựa. Nếu nhân loại không có các hành động ngăn ngừa kịp thời thì với cái đà này, đến năm 2050, lượng rác nhựa trên thế giới thải ra biển sẽ lên tới 12 tỷ tấn, nhiều hơn cả số cá trên các đại dương cộng lại.

Trong công trình nghiên cứu công bố mới đây, các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học và công nghệ nghiên cứu đại dương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã tiến hành thu thập các mẫu nước và trầm tích ở các vùng nước sâu 2.500-11.000 mét và 5.500-11.000 mét từ rãnh Mariana ở phía nam. Kết quả cho thấy tỷ lệ các hạt nhựa siêu nhỏ ở tầng đáy là 2,06-13,5 hạt/lít, cao hơn gấp nhiều lần so với vùng nước dưới bề mặt biển.

Một con số thật vô cùng khủng khiếp!

Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày xưa đi chợ, mẹ tôi đều xách theo chiếc làn để đựng tất cả những món hàng mua được. Trong từng món hàng đó được gói bằng lá chuối, lá sen và cả những chiếc bao giấy làm rất khéo léo xinh xinh.

Còn bây giờ, những người nội trợ ra chợ, hay đi đến các trung tâm mua sắm… phần lớn là với hai bàn tay không, vì tất cả các món hàng mua đều được người bán chu cấp các loại bao nilon lớn nhỏ. Đó là cái tiện lợi cho người mua, người bán.

Hay trong các nhà hàng, quán xá, các loại thức uống dùng chai nhựa, uống hút cũng nhiều vô kể.
Cứ thế, đã có không biết bao nhiêu triệu chiếc bao nilon, chai nhựa, uống hút nhựa… của Đà Nẵng mình phải vứt bỏ đi mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm?

Song, cái điều đáng nói hơn nữa là khi ý thức của mọi người không cao sẽ bỏ chúng ra khắp mọi nơi, mọi chốn…

Và cái cảnh đầy rác trong những ngày mưa vừa qua ở Đà Nẵng mình cũng là một ví dụ rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ!

Đà Nẵng mình, trong hành trình đi đến một thành phố xanh-sạch-đẹp là ước vọng lớn lao, cháy bỏng của người dân nơi đây cũng như bạn bè gần xa.

Những năm qua, chúng ta đã bằng nhiều cách để làm cho khát vọng đó từng bước trở thành hiện thực. Nhưng trên thực tế, nỗ lực đó chưa đủ để tất cả mọi người cùng hành động, nhằm làm cho môi trường sống của Đà Nẵng chúng ta được như mong muốn.

Hơn thế, Đà Nẵng còn là thành phố ở bên bờ Biển Đông, những chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa, nếu chúng ta không có các giải pháp để hạn chế, thậm chí quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng, cũng như thu gom, quản lý nó thì dòng sông Hàn, thì biển cả sẽ là nơi chứa đựng và hậu quả mà nó gây ra sẽ không sao kể xiết.

Vậy đó, thiên nhiên là thế, cuộc sống là thế!

Và tôi có một ước ao, cũng như những nhà quản lý, cùng những ai thấy được mối hiểm họa về môi trường, là hãy cùng nhau cứu lấy chính mình, thế hệ con cháu của mình trước khi quá muộn.
Nhỏ thôi, nhưng sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn lao, khi hãy nói không với bao nilon, khi hãy có trách nhiệm với các chất thải từ ngay mỗi người, mỗi gia đình, không để cho nó vương vãi khắp phố phường Đà Nẵng.

Coi việc làm đó như một chồi xuân giàu sức sống, để cho màu xanh của đất, màu xanh của trời, màu xanh của sông Hàn và rộng lớn hơn là màu xanh trong lành của đại dương mênh mông… luôn ngự trị trong cuộc sống của chúng ta!

Tuyết Minh

;
;
.
.
.
.
.