Vượt qua mặc cảm

.

Nhiều phụ nữ khuyết tật đã vượt qua mặc cảm, tự làm chủ cuộc sống bằng ý chí và niềm tin. Đó là chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật quận Thanh Khê; chị Lê Đào Bích Hiền (trú tại 123 Cù Chính Lan, quận Thanh Khê); chị Lê Thị Diệu Anh (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) và rất nhiều người khác nữa.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, tâm sự: “Cuộc sống không phải ai cũng hoàn hảo. Bản thân tôi là người khuyết tật, bị liệt chân trái từ khi lên hai tuổi, việc đi đứng vô vàn khó khăn, nhưng tôi đã cố gắng đi học cho bằng bạn bè”. Vì điều kiện gia đình khó khăn, đông con nên học xong THCS, chị Hạnh nghỉ học, đi học nghề may mưu sinh để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Năm 2007, chị được một tổ chức phi chính phủ tài trợ mổ chân miễn phí.

Hiện nay, tuy đôi chân vẫn chưa đi lại được như bình thường nhưng chị đã không cần chống nạng. Chị cũng tự tin, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. “Dù không lành lặn như bao người khác, nhưng chúng tôi không nguôi hy vọng vào cuộc sống, vẫn rất lạc quan yêu đời. Bởi chúng tôi cũng là những con người có ước mơ, mong được hạnh phúc và không vì những khiếm khuyết cơ thể mà làm giảm sự vươn lên hòa nhập với đời”, chị Hạnh chia sẻ thêm.

Cùng cảnh ngộ, chị Lê Đào Bích Hiền đã vượt qua tự ti, mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình. “Tôi sinh ra cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, rồi sau một lần sốt cao, ba mẹ đưa tôi đến bác sĩ khám mới biết tôi bị sốt bại liệt, hai chân và một tay teo cơ dần khiến tôi không thể đi lại được”, chị Hiền nói. Lúc nhỏ, chị Hiền di chuyển bằng hai ghế nhựa nhưng vẫn phụ ba mẹ trông ba đứa em.

Năm 16 tuổi, Hiền tham gia các CLB dành cho người khuyết tật (NKT), được giao lưu với những người đồng cảnh ngộ, chị cảm thấy tự tin và yêu đời hơn. Hiện chị đã có chồng và hai con, cuộc sống khá ổn định. Chị Hiền chia sẻ: “Chúng tôi muốn chứng minh cho xã hội thấy mình là người có ích. Tôi đã rất khó khăn để vượt qua tự ti, mặc cảm, vì vậy ngoài việc chăm lo gia đình, cuộc sống, tôi cũng tham gia nhiều hoạt động vận động chị em khuyết tật tích cực hòa nhập cộng đồng, thể hiện năng lực và tiếng nói của mình với xã hội”.

Thực tế, nhiều phụ nữ khuyết tật có tâm lý trốn tránh, tự ti, mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân nên sống khép kín, không dám bước ra ngoài. Ngược lại, không ít chị em dù khiếm khuyết về hình thể nhưng không lấy đó làm rào cản cho sự hòa nhập của bản thân. Chị Lê Thị Diệu Anh cũng là trường hợp tương tự.

Năm 15 tuổi, Diệu Anh được một tổ chức phi chính phủ cho đi học nghề và chị cũng đi làm từ đó. Hiện, chị sống cùng chồng và một con trai 6 tuổi. Công việc mỗi ngày của chị là vừa chăm con vừa nhận đồ của các công ty về may gia công tại nhà. Chồng làm công việc giao hàng, thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Không những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, Diệu Anh còn tích cực tham gia Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố.

Ở đây, chị cùng các anh, chị em trong chi hội vận động thanh niên khuyết tật tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức dành cho NKT; phổ biến các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT; đồng thời, tạo ra nhiều sân chơi để thanh niên khuyết tật gặp gỡ, chia sẻ, giúp nhau vượt qua khó khăn. Diệu Anh bày tỏ: “Mình muốn nhắn nhủ với các bạn cùng chung hoàn cảnh là hãy luôn vui vẻ và có niềm tin, đừng bao giờ tự ti về bản thân, hãy chứng minh mình “tàn nhưng không phế””.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.