Bắc An sạch từ nhà ra ngõ

.

Qua đoạn đường ADB5 rẽ vào thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước con đường liên thôn khang trang, sạch sẽ và lãng mạn bởi những vạt hoa đầy màu sắc. Đây là thành quả của những người dân thôn Bắc An trong việc chung tay thực hiện xây dựng tuyến đường hoa theo mô hình của các làng quê ở Hà Tĩnh.

Con đường liên thôn khang trang, sạch sẽ, đầy sức sống của thôn Bắc An.
Con đường liên thôn khang trang, sạch sẽ, đầy sức sống của thôn Bắc An.

Trong câu chuyện cùng các lão nông tại đây, chúng tôi được biết, con đường liên thôn Bắc An dẫu nằm ở vị trí thuận lợi như gần kênh mương thủy lợi, nối với các trục đường chính nhưng lại trở thành bất lợi khi dọc lối vào thôn, cỏ lên xanh um, tươi tốt. Mỗi sáng chủ nhật, cả thôn phải hô hào nhau ra dọn dẹp nhưng cũng chỉ mới dọn sạch cỏ chứ chưa thể thu gom, quét sạch đường.

Trước tình hình đó, người dân trong thôn bàn nhau xây dựng tuyến đường hoa theo mô hình của các làng quê ở Hà Tĩnh. Vậy là cả làng chung tay vào xới đất nhặt cỏ, trồng hoa. Đến hiện tại, hai bên đường, những đóa mười giờ, cúc vạn thọ, quỳnh anh, mắt nhung, mỏ cắt... thi nhau khoe sắc, điểm tô cho bức tranh làng quê thêm tươi mới, đầy sức sống. Kinh phí trồng vườn hoa được bà con trong thôn đóng góp từ việc bán lúa, rau, gà. Dù vậy, ai nấy đều sẵn lòng.

Để tiết kiệm chi phí, người dân thôn Bắc An xin gạch vỉa hè cũ không sử dụng từ chương trình cải tạo các tuyến đường nhân Tuần lễ Cấp cao APEC của thành phố về bọc móng mương thủy lợi, sau đó đổ đất phù sa đắp vào cho mương cao ngang với mặt đường chính. Từng bước, mỗi mảnh đất trống, lối đi ven đường làng đều được chính tay người dân sửa soạn cho đẹp, cho sạch. Những người con Bắc An xa quê lâu ngày trở lại thấy quê hương đổi khác lấy làm vui sướng. Họ cùng nhau đóng góp để thôn xây dựng thêm khu công viên xanh, sân bóng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, pa-nô vừa trang trí, vừa tuyên truyền nội dung xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh cho người dân...

Nhìn cảnh quan tươi mới của đường làng, ông Nguyễn Văn An, một nông dân thôn Bắc An, phấn khởi kể: “Trước đây, ngay phía trước hội trường thôn là một vũng nước lớn. Người dân mạnh ai nấy đổ rác, cành cây khô vào đó gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan. Rồi ngay đầu thôn, công ty môi trường đô thị cũng để thùng chứa rác lớn nhưng người dân nông thôn vẫn có thói quen bạ đâu vứt đó. Rác không để gọn gàng vào thùng mà tràn ra hết phía ngoài rất nhếch nhác.

Anh Trình trưởng thôn đã vận động dân trong thôn đóng góp mua đất về lấp vũng nước. Giải quyết được bài toán rác thải ngập trong vũng. Sau đó, chúng tôi xây trụ bê-tông sạch sẽ để thùng rác lên trên, mua tôn về làm khung bao quanh. Trên tấm tôn ghi dòng chữ: “Tất cả vì môi trường xanh, sạch, đẹp. Hãy bỏ rác đúng nơi quy định”. Mỗi cuộc họp thôn, vấn đề giữ gìn môi trường, cảnh quan được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thấy thôn xóm mỗi ngày một khang trang, khách đến ai cũng khen khiến người dân phấn khởi. Rồi ai cũng đồng tình làm theo”.

Không chỉ đổ rác đúng nơi quy định, người dân thôn Bắc An còn quyết tâm đạt được tiêu chí “sạch từ nhà ra ngõ”, trong đó mỗi hộ gia đình đều có ý thức phân loại rác thải. Ngoài loại phân xanh có thể tiêu hủy tại hố rác gia đình, còn các loại khác phải để riêng, tập kết đúng nơi quy định. Người dân cũng thống nhất, ai không chấp hành tốt sẽ đưa vào tiêu chí bình xét hộ gia đình văn hóa hằng năm... Nhờ quyết tâm ấy mà thôn Bắc An được chọn là “thôn kiểu mẫu nông thôn mới”, tuyến đường kiểu mẫu...

Sự đổi thay của thôn Bắc An hôm nay không thể không kể đến vai trò của Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nguyễn Văn Trình. Hơn 10 năm làm Bí thư chi bộ, ông đóng góp tích cực trong các hoạt động, phong trào của thôn; luôn gương mẫu đi đầu trong công tác đóng góp kinh phí và vận động người dân chung tay xây dựng thôn xóm sạch đẹp, văn minh... Không chỉ giỏi trong công tác vận động, ông còn rất tháo vát tạo nguồn kinh phí cho hoạt động chung của thôn. Ví như trong năm qua, ông đứng ra thuê máy gặt, máy lồng chung cho cả thôn.

Thông thường, người ta tính giá 180.000 đồng/sào, ông đã thương thuyết với chủ máy trích lại 10.000 đồng/sào cho bà con. Nguồn tiền trích lại đó ông nhập vào công quỹ để có tiền mua thêm cây cảnh, hoa. Ngoài việc vận động người dân chung tay chăm sóc tuyến đường hoa, những lúc rảnh rỗi vào mỗi sáng sớm, ông Trình lại ra đường tưới nước, tỉa cành lá. Theo ông Trình, muốn thuyết phục được người dân thì không phải đứng đó “chỉ tay 5 ngón” mà phải ra làm cùng với họ, làm trước họ để họ làm theo.

Trong số các thôn của xã Hòa Tiến, thôn Bắc An có dân số ít nhất, với 86 hộ dân, 315 nhân khẩu. Song, đây lại là thôn huy động người dân đóng góp công sức, tiền của nhiều nhất để xây dựng các công trình công cộng.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.