Với Đinh Thị Ngọc Ánh (21 tuổi, quê ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), năm nay là cái Tết đầu tiên Ánh được vui chơi, chạy nhảy với bạn bè, thỏa niềm ước ao rất đỗi bình thường nhưng lại quá khó khăn với cô khi suốt 10 năm ròng rã phải chiến đấu với bệnh tật.
Bây giờ Ánh có thể bước đi tự tin và không còn đau đớn trên đôi chân của mình. |
Sinh ra trong một gia đình lao động tự do ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Ánh vừa xinh xắn, ngoan hiền lại học giỏi nên được ba mẹ rất mực cưng chiều. Năm học lớp 6, Ánh phát hiện có một cục u ở chân. Cục u sưng tấy liên tục khiến cô không thể đi lại. Được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh Ninh Bình, bác sĩ nói Ánh cần phải phẫu thuật mới có thể chữa khỏi. Thế nhưng, dù đã phẫu thuật lấy bỏ khối u, vết thương vẫn cứ chảy dịch vàng, không khép miệng. Nhìn con gái bé nhỏ đau đớn, kiên cường chống chọi bệnh tật, cha mẹ thương cô vô cùng. Gia đình đã dùng tất cả tiền tiết kiệm, bán cả ruộng vườn đồng hành với con đi khắp các bệnh viện từ Bắc vào Nam để chữa bệnh. 4 năm ròng rã điều trị tại Hà Nội, rồi lại 4 năm điều trị tại TP. Hồ Chí Minh, trải qua 15 bệnh viện lớn nhỏ, vượt qua 6 lần trên bàn mổ, chi phí một năm chữa bệnh cho Ánh cũng phải đến cả trăm triệu đồng. “Các bác sĩ đều nói bệnh này mãn tính rồi nên không sao, cứ kiêng khem là khỏi. Ấy vậy nhưng nước vàng cứ chảy từ khối u ở chân và khi em đi nhanh thì chân còn bị chảy máu nữa”, Ánh tâm sự.
Dẫu khó khăn trong việc đi lại nhưng Ánh luôn có ý thức học tập tốt. Năm học lớp 8 tại Trường THCS Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Ánh đoạt giải khuyến khích môn Sinh học cấp huyện. Sau khi tốt nghiệp THPT, Ánh đậu vào ngành Quản trị kinh doanh ở một trường cao đẳng nhưng việc học phải bỏ dở vì bệnh tái phát liên tục. Sau đó, Ánh học thêm 6 tháng tiếng Nhật để tự trang bị kiến thức rồi đi xin việc.
Vào Đà Nẵng tìm việc, may mắn là sau lần phỏng vấn đầu tiên, Ánh được nhận vào làm ngay tại một công ty kinh doanh bất động sản, nhưng Ánh phải vào Bệnh viện Đà Nẵng khám do chân đau nhức. Sau khi thăm khám tỉ mỉ, các bác sĩ khoa Bỏng-Tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng đã đề nghị Ánh nhập viện và làm các xét nghiệm cần thiết để điều trị. Bác sĩ Đỗ Tuấn Ngọc, người trực tiếp phẫu thuật cho Ánh cho biết, Ánh là một cô gái rất đặc biệt và kiên cường. Câu đầu tiên Ánh hỏi bác sĩ là Bệnh viện Đà Nẵng có thể điều trị cho em được không? Bác sĩ Ngọc biết rằng vết thương ở gan bàn chân của Ánh đã bị quá lâu, điều trị và phẫu thuật nhiều lần không khỏi, có thể tiến triển thành ác tính nên nếu phẫu thuật phải đối mặt với nhiều rủi ro, như vết thương có thể không lành, vạt da hoại tử làm tổn thương lan rộng hơn và nguy cơ phải cắt cụt bàn chân. Sau khi giải thích kỹ về phương pháp điều trị, được sự đồng ý của Ánh và gia đình, bác sĩ Ngọc cùng ê-kíp đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ rộng tổn thương, gửi giải phẫu bệnh, nạo xương viêm, chuyển vạt da che phủ tổn khuyết, bảo vệ nguyên vẹn bàn chân cho bệnh nhân. Đến bây giờ, sau hơn 2 tháng phẫu thuật, bàn chân của Ánh đã lành hẳn và cô có thể đi lại bình thường. “Ca phẫu thuật này là niềm hy vọng cuối cùng của em và cha mẹ. Kết quả phẫu thuật thành công ngoài mong đợi của em. Các bác sĩ đã cho em cuộc đời thứ hai. Nếu không, em không biết sẽ phải đối mặt với nỗi đau bệnh tật đến khi nào nữa”, Ánh chia sẻ.
Trải qua hành trình rất dài không kể xiết bao khó nhọc nhưng tất cả đã là quá khứ. Bây giờ, cô gái xinh đẹp đã có thể mặc nhưng bộ váy mà mình yêu thích, mang đôi giày thật xinh thật cao, tự tin bước về phía trước trên chính đôi chân của mình. Một mùa xuân mới lại về và với Ánh, đây thực sự là mùa xuân đầy ý nghĩa khi cô bé đã tìm lại được bước chân mình.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ