Triển khai trạm BTS thân thiện môi trường

.

Việc các trạm thu phát sóng di động (BTS) được xây dựng lộn xộn, thiếu quy hoạch không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân. Để giải quyết tình trạng này, một số nhà mạng đã triển khai các trạm BTS thân thiện với môi trường.

Một trạm BTS “ngụy trang” bồn nước được MobiFone lắp đặt tại đường Trần Quý Cáp (quận Hải Châu).
Một trạm BTS “ngụy trang” bồn nước được MobiFone lắp đặt tại đường Trần Quý Cáp (quận Hải Châu).

MobiFone là một trong những nhà mạng tiên phong lắp đặt thí điểm các trạm BTS kiểu mới với những điểm khác biệt so với các trạm BTS truyền thống tại thành phố. Theo đó, ở khu vực Công viên Châu Á, trạm BTS được “ngụy trang” trên thân cột đèn chiếu sáng; tại khách sạn Furama Resort lại “biến hình” dưới dạng cây dừa. Ở một số tòa nhà cao tầng, trạm BTS được “ngụy trang” ở tủ nóng điều hòa, bồn nước…

Trong khi đó, Viettel Đà Nẵng đã triển khai 52 trạm BTS thân thiện môi trường ẩn dưới thân cột có các biển thông tin công cộng, phục vụ người dân, du khách tra cứu thông tin khi cần thiết. Các trạm BTS mới được đánh giá là cải thiện cảnh quan không gian đô thị bởi so với các trạm BTS cũ, trạm BTS mới có kiến trúc đẹp đồng thời rất an toàn hơn trong mùa mưa bão.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2018, sở tổ chức công bố quy hoạch mạng lưới BTS trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2020, thành phố có 200 trạm BTS sử dụng chung trụ ăng-ten tại các quận nội thành và khu vực tập trung đông dân cư. Giai đoạn 2020-2025, thực hiện ngừng cấp phép xây dựng đối với trạm BTS loại 1 (trạm BTS cồng kềnh trên công trình xây dựng có sẵn hoặc trên nền đất tự nhiên) tại khu vực nông thôn có điểm dân cư đông đúc; đồng thời, chuyển đổi các trạm BTS cồng kềnh hiện tại sang loại trạm thân thiện môi trường, ngụy trang.

Đến năm 2030, chuyển đổi 100% các trạm BTS loại 1 tại các quận nội thành, các điểm dân cư đông đúc. Cũng theo quy hoạch, thành phố sẽ xác lập các vùng cấm lắp đặt trạm BTS (khu di tích văn hóa - lịch sử, khu chiến lược quốc phòng-an ninh…). Đối với các quận trung tâm, khu vực đông dân, khu vực tiếp giáp biển, thành phố chỉ cho phép phát triển trạm BTS thân thiện môi trường.

Ông Cao Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Mạng lưới Mobifone miền Trung cho hay tại trung tâm thành phố không dễ tìm địa điểm đặt trạm BTS  bảo đảm đủ yêu cầu phát sóng mạnh, an toàn cho người dân, hài hòa cảnh quan đô thị. Do đó, Mobifone đã nghiên cứu và lên kế hoạch triển khai các nhóm cơ sở hạ tầng BTS ngụy trang.

Cụ thể, sẽ có 90 điểm BTS ngụy trang với cột đèn chiếu sáng hoặc cột điện (trên tuyến đường Bạch Đằng, tuyến đường ven biển, tuyến đường bán đảo Sơn Trà và các vị trí phải di dời hoặc hạ độ cao theo yêu cầu của thành phố); có 71 cột BTS thân thiện tại các công viên, khu đất công, khu du lịch…

Các trạm này được làm bằng thép, thiết kế gồm các hạng mục: phần lắp đặt ăng-ten theo tiêu chuẩn mới nhỏ, gọn; trên thân cột có hệ thống giá đỡ treo các biển thông tin che các tủ thiết bị bên trong; bên dưới là bốt du lịch tích hợp bản đồ địa lý, bản đồ các tuyến xe buýt. Chân trạm còn tích hợp bồn hoa, bảo đảm thẩm mỹ và phù hợp với cảnh quan khu vực. Ngoài ra, sẽ có 17 cột đơn cho các khu công nghiệp, 3 cột tích hợp với cột quảng cáo (đường Trần Hưng Đạo), 26 điểm ngụy trang cột BTS tại nhà cao tầng…

Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm 2018, sở đã cấp giấy xác nhận thỏa thuận vị trí đối với 65 vị trí trạm BTS thân thiện môi trường, cấp phép 6 trạm BTS cồng kềnh xã hội hóa; hạ độ cao 11 trạm BTS cồng kềnh. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai công nghệ 4G tại khoảng 1.150 vị trí trạm BTS, chiếm khoảng 80% vị trí trạm.

Bài và ảnh: PHONG LAN
 

;
;
.
.
.
.
.