Ngư dân vững tâm vươn khơi

.

Từ mồng 10 tháng Giêng đến nay, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân quận Sơn Trà đã vươn khơi sau hơn 2 tuần ăn Tết đủ đầy nhờ những chuyến đánh bắt trúng đậm cá ngừ, thu, chim... trước Tết. UBND quận và thành phố tiếp tục có những chính sách, hỗ trợ để khuyến khích để ngư dân vững tâm bám biển.

Một tàu cá của ngư dân quận Sơn Trà chuẩn bị rời cảng cá và âu thuyền Thọ Quang để vươn khơi, đánh bắt chuyến biển đầu Xuân Kỷ Hợi.
Một tàu cá của ngư dân quận Sơn Trà chuẩn bị rời cảng cá và âu thuyền Thọ Quang để vươn khơi, đánh bắt chuyến biển đầu Xuân Kỷ Hợi.

Ngư dân Huỳnh Quốc Việt (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90729 TS thu được lợi nhuận 800 triệu đồng sau 3 chuyến ra khơi đánh bắt được 20 tấn cá các loại vào những ngày giáp Tết và chia cho mỗi bạn thuyền 30 triệu đồng/người để ăn Tết. Ông cũng tất bật chuẩn bị ra khơi đánh bắt ngay từ đầu xuân. Những năm qua, bên cạnh tích cực vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, ngư dân Huỳnh Quốc Việt đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cuối năm 2018, tàu cá của ông Việt vừa được hỗ trợ lắp đặt thêm hệ thống định vị và quản lý tàu cá. “Chúng tôi mong thành phố sớm có quyết định phê duyệt hỗ trợ bảo hiểm thân tàu để ngư dân dễ dàng mua bảo hiểm, yên tâm hơn khi vươn khơi đánh bắt vào mùa gió to, sóng mạnh”, ông Việt nói.

Còn ngư dân Đặng Văn Mày (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90882 TS cho hay: “Chính phủ và thành phố hỗ trợ cho ngư dân rất lớn, ngay cả bản thân tôi cũng được hỗ trợ và sử dụng đồng vốn hỗ trợ hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngư dân mong muốn thành phố hỗ trợ đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu có chiều dài dưới 15m vì đã đóng nhiều năm rồi; đồng thời hỗ trợ ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu cá để các chuyến đi biển an toàn hơn và mang lại hiệu quả kinh tế hơn”.

Theo UBND quận Sơn Trà, hiện nay, cơ cấu tàu thuyền và ngành nghề khai thác của ngư dân trên địa bàn quận đã chuyển dịch tích cực theo hướng vươn khơi, năng lực khai thác hải sản xa bờ được nâng cao, số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ tiếp tục tăng, góp phần tăng sản lượng khai thác chung toàn quận. Trong những năm qua, quận đã triển khai và khuyến khích ngư dân đăng ký để nhận được những hỗ trợ từ các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố về hỗ trợ kinh phí đóng mới tàu cá và đăng ký khai thác ở vùng biển xa. Đồng thời, quận Sơn Trà triển khai thực hiện chương trình khuyến ngư của quận và thành phố với nhiều hộ ngư dân được hỗ trợ máy định vị tích hợp hải đồ màu, máy định vị kết hợp dò cá đứng, đóng hầm bảo quản sản phẩm, thiết bị lạnh, hệ thống pin năng lượng mặt trời...

Trong năm 2019, quận Sơn Trà tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh phát triển khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần thủy sản. Theo đó, quận tiếp tục vận động ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá công suất từ 400CV trở lên vươn khơi khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền, biển đảo quốc gia; thực hiện tốt các chương trình khuyến ngư, khuyến nông để ứng dụng khoa học công nghê, đầu tư trang thiết bị nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khai thác hải sản của Trung ương và thành phố, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Quận phối hợp với các sở, ngành của thành phố trong việc triển khai dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang và Quy hoạch trung tâm nghề cá lớn thành phố Đà Nẵng theo hướng hiện đại.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, các chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ và thành phố đã thúc đẩy phát triển thủy sản, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống của người dân quận Sơn Trà. Tuy nhiên, hiện nay, một số chính sách hỗ trợ của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP có phần hạn chế sự hỗ trợ đối với ngư dân, đặc biệt là chính sách vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá bị dừng; chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu giảm còn 50% (không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư cụ trên tàu); chính sách hỗ trợ sau đầu tư chỉ áp dụng đối với tàu đóng mới vỏ thép, vỏ composite, nhưng ngư dân của quận vẫn chưa mặn mà đối với việc đầu tư các phương tiện này...  “Để tiếp tục hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, quận Sơn Trà kiến nghị UBND thành phố sớm xem xét hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu đối với tàu có công suất từ 90CV trở lên (ngoài mức hỗ trợ theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ) và các chính sách hỗ trợ về đóng mới tàu cá phù hợp với điều kiện của ngư dân sau khi dừng thực hiện Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố; đồng thời sớm triển khai đầu tư dự án cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn thành phố Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu của ngư dân”, ông Nguyễn Thành Nam kiến nghị.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.