Khám sức khỏe tài xế: Vẫn còn bỏ ngỏ

.

Khoảng 13 giờ ngày 26-1, tại Km941+100 quốc lộ 1A, qua kiểm tra nhanh, Tổ tuần tra kiểm soát Cảnh sát giao thông (CSGT) cửa ô Hòa Phước phát hiện Phan Văn Ng. (34 tuổi, trú tại thành phố Đà Nẵng), phụ xe của xe đầu kéo BKS 92-109 kéo rơ-mooc BKS 92R 003 dương tính với ma túy.

Ngay sau đó, phụ xe Phan Văn Ng. được chuyển cho Công an huyện Hòa Vang xử lý theo quy định. Sự việc này thêm lần nữa báo động tình trạng tài xế và phụ xe sử dụng chất kích thích, nhất là trong bối cảnh vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng ở tỉnh Long An làm chết nhiều người khi tài xế dương tính với ma túy.

Cảnh sát giao thông thành phố lập biên bản xử phạt trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Cảnh sát giao thông thành phố lập biên bản xử phạt trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Không phải đến bây giờ chuyện giới tài xế sử dụng chất kích thích, cũng như việc quản lý sức khỏe của tài xế mới được nêu lên, mà từ trước đó rất lâu, cơ quan chức năng đã có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Tuy vậy, qua rất nhiều lần ra “tối hậu thư” về thời hạn cuối phải tổng kiểm tra sức khỏe lái xe nhưng do đủ lý do việc này cứ lần lữa không thể thực hiện được.

Gần 5 năm trước, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định “chốt” ngày 30-4-2014 là hạn cuối các doanh nghiệp (DN) vận tải phải hoàn tất việc kiểm tra sức khỏe tài xế để báo về các sở GTVT địa phương nhằm tổng hợp báo cáo cho Tổng cục Đường bộ trước ngày 1-5-2014.

Thời điểm đó, chủ trương này nhận được sự ủng hộ của hầu hết các DN vận tải trên địa bàn thành phố, tuy nhiên các DN cũng kiến nghị cần có lộ trình vì lái xe là công việc đặc thù không ở cố định một chỗ, do đó việc thực hiện kiểm tra tất cả tài xế trong thời gian ngắn là không khả thi.

Và kết quả cuối cùng thì ai cũng biết, không riêng tại Đà Nẵng, hầu hết các địa phương trên cả nước không những không thực hiện đúng thời hạn cuối là ngày 30-4-2014 mà kéo dài cho đến tận năm... 2019 vẫn chưa xong. Đến nỗi mới đây, sau vụ  TNGT nghiêm trọng do xe container tông và làm chết nhiều người dừng đèn đỏ ở Bến Lức, tỉnh Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo “nóng” trong quý 2-2019, các địa phương phải lập kế hoạch cụ thể khám sức khỏe toàn bộ tài xế kinh doanh vận tải thuộc các đơn vị do sở GTVT các tỉnh, thành quản lý.

Riêng tại Đà Nẵng, các cơ quan chức năng như: Sở Y tế, Sở GTVT, Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố đều cố gắng thực hiện việc khám cũng như quản lý sức khỏe của tài xế. Điển hình là sau khi có Thông tư liên tịch số 24/TTLT-BYT-BGTVT giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT, ngày 21-8-2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe tài xế, ngày 14-10-2015, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có Công văn số 2468/SYT-NVY thông báo rộng rãi về 17 đơn vị y tế đủ tiêu chuẩn khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe tài xế.

Sau đó, Sở GTVT, Ban ATGT thành phố cũng có thông báo gửi đến tất cả DN vận tải về thông tin này, kèm theo đó là hướng dẫn cụ thể việc hoàn tất thủ tục sức khỏe tài xế. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít DN quan tâm vấn đề này. Đến nay, mới có hãng taxi Tiên Sa là đơn vị tiên phong và duy trì thường xuyên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ của tất cả tài xế do mình quản lý.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, một giám đốc DN vận tải đồng thời cũng là chủ tịch một hiệp hội vận tải thành phố cho rằng, ở góc độ quản lý, DN nào cũng muốn quản lý chặt sức khỏe của tài xế, đặc biệt là tài xế chạy đường dài. DN sẵn sàng trích kinh phí duy trì đúng quy định 6 tháng kiểm tra một lần; tuy nhiên tài xế luôn kiếm đủ cách né tránh. Thậm chí, có tài xế cứ đến ngày kiểm tra sức khỏe lại... báo ốm để nghỉ.

Mặc dù vậy, nhiều chủ DN vận tải hàng hóa và hành khách cũng không dám “làm căng” với tài xế vì hiện nay số tài xế có giấy phép lái xe 2 loại này đang rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Một số DN đành làm ngơ cho phụ lái thay tài xế chính ở một số đoạn đường để nghỉ ngơi, vì nếu làm đúng quy định ở các tuyến đường từ 300km trở lên phải có 2 tài xế thì càng khó khăn hơn.

Đặc biệt, một số DN vận tải container cho biết, hiện nay, vấn đề cạnh tranh giá cước giữa các DN rất gay gắt, nếu sử dụng đúng 2 tài xế cho những cung đường trên 300km cũng có nghĩa giá cước sẽ “đội” lên. Vì vậy, nhiều DN chọn cách sử dụng một tài chính, khi cần tài phụ sẽ chạy thay. Cũng vì thiếu tài xế nên nhiều DN không thực hiện được chính sách “xoay tua” tài xế theo cách truyền thống là chạy một chuyến, nghỉ một chuyến để bảo đảm hồi phục sức khỏe.

Đây thực sự là lỗ hổng rất đáng lo ngại, không chỉ đối với bản thân các tài xế mà quan trọng hơn là tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn đối với người tham gia giao thông trên đường. Liệu hết quý 2-2019, các địa phương sẽ lập xong kế hoạch kiểm tra sức khỏe tài xế như yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình?! Đây vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời chính xác lúc này.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.