Thủ tướng chỉ đạo cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi

.

Theo thông tin từ OIE đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Việt Nam đã phát hiện dịch ở các hộ chăn nuôi Hưng Yên và Thái Bình.

Cán bộ vùng II, Cục Thú Y, lấy mẫu xét nghiệm trên đàn lợn tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô (Hưng Hà, Thái Bình). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Cán bộ vùng II, Cục Thú Y, lấy mẫu xét nghiệm trên đàn lợn tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô (Hưng Hà, Thái Bình). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 20-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3-8-2018 đến ngày 17-2-2019, đã có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam) và đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian vừa qua đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại hai hộ chăn nuôi tại hai xã của tỉnh Hưng Yên và sáu hộ chăn nuôi tại một xã của tỉnh Thái Bình. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới là rất cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định của Luật Thú y, công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lây lan tại Việt Nam; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh;

b) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở;

c) Chỉ đạo chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật; duy trì và kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y để bảo đảm các yêu cầu tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật;

d) Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn theo quy định;

đ) Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi;

e) Chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và hướng dẫn triển khai; xây dựng giải pháp xử lý triệt để lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

g) Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

h) Để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duy trì, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương:

a) Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam;

b) Chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương báo cáo đầy đủ, chính xác về diễn biến, tình hình dịch bệnh trong nước và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng; triển khai hỗ trợ hóa chất theo quy định cho các địa phương để tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả;

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các hộ, cơ sở chăn nuôi, điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích…

d) Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;

đ) Chỉ đạo tổ chức nghiên cứu về dịch tễ học, vi rút học và các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi;

e) Liên hệ với các tổ chức quốc tế có liên quan và các nước đề nghị hỗ trợ, phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

3. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) và Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

5. Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam; xử lý, tiêu hủy toàn bộ lợn, sản phẩm lợn nhập khẩu trái phép (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

6. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

7. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí trong trường hợp phát hiện lợn và các sản phẩm của lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy; rà soát mức hỗ trợ kinh phí và cơ chế, thời gian hỗ trợ để người chăn nuôi tích cực hợp tác, báo cáo dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

10. Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

11. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.