Trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về những thành tựu cũng như những tồn tại cần tháo gỡ trong công tác quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là những vấn đề trọng tâm trong năm 2019 mà ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả vì sự phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
- Thưa Bộ trưởng, phát biểu tại Hội nghị ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 ngày 8/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tạo ra những “gam màu” tươi sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Vậy cụ thể đó là những thành tựu gì?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng năm 2018 vừa qua ngành tài nguyên và môi trường cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường, suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp.
Sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền Trung đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, toàn ngành đã bám sát phương châm chỉ đạo “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao để từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Chủ động chuẩn bị và tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đánh giá về tổng thể, toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra như: Tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội tăng nguồn thu ngân sách; Hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều chỉ tiêu khác về môi trường đều có chuyển biến tích cực; Kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Ngành tài nguyên và môi trường cũng đã nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, giảm đáng kể thiệt hại về người và vật chất do thiên tai so với năm 2017. Các chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính... đều tăng; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ đã trình Chính phủ ba Nghị định giải quyết cơ bản các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường và sắp tới sẽ là lĩnh vực biển đảo. Tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận với phương thức mới trong quản lý tài nguyên nhằm biến thách thức thành cơ hội. Từ thành công này sẽ nhân rộng mô hình đối với khu vực miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung.
Bãi rác thành phố Trà Vinh đã quá tải. (Ảnh: Thanh Hoà/TTXVN) |
Đặc biệt, Bộ đã tập trung cho sơ kết đánh giá hai Nghị quyết và Tổng kết một Nghị quyết quan trọng bao quát toàn bộ chủ trương, chính sách phát triển ngành. Đó là Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai; Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 để trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, chiến lược biển. Đến nay, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đối với kết quả sơ kết Nghị quyết số 19 và sẽ ban hành Kết luận để làm định hướng cho sửa đổi Luật Đất đai.
Trong công tác chỉ đạo điều hành, Bộ luôn theo sát yêu cầu thực tiễn địa phương để tập trung chỉ đạo giải quyết, như giải trình để Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tập trung chỉ đạo, đề nghị hỗ trợ kinh phí để giải quyết vấn đề rất nóng bỏng là đất đai nông, lâm trường ở Tây Nguyên. Vấn đề lãng phí đất đai ở các đô thị; thắt chặt quản lý đất đai khi cổ phần hoá doanh nghiệp. Kiểm soát các nguồn thải lớn để đảm bảo phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng hành lang pháp lý cho quản lý khai thác cát sỏi lòng sông; đề xuất chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; tăng cường công tác dự báo.
Các chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với hai dịch vụ công về đất đai và môi trường năm 2018 đều tăng. Trong đó chỉ số đánh giá về tiếp cận dịch vụ công tăng từ 73,7 lên 76,86 điểm; chỉ số đánh giá về quy định thủ tục hành chính từ 73,5 lên 82.37 điểm; chỉ số đánh giá sự phục vụ của công chức tăng từ 74,3 lên 79,5 điểm; chỉ số đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 73,7 lên 83,27 điểm.
Bộ đã giải quyết từng bước vấn đề lãng phí đất đai, nhất là ở khu vực đô thị, ven biển. Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề đất đai của các nông, lâm trường; một số địa phương đã có mô hình phù hợp tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp.
Cả nước đã thực hiện cấp lần đầu gần 4 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), trong đó các địa phương khu vực phía Nam đạt 97%; tỷ lệ phản ánh có “bôi trơn” sổ đỏ giảm 27%. Nguồn lực đất đai được phát huy cho phát triển, đóng góp 12% thu ngân sách nội địa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản kiểm soát các dự án lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu xử lý rác Đa Phước, Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, Alumina Nhân Cơ, Bauxite-Nhôm Lâm Đồng, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất; số lượng các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 71%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn tăng dần qua từng năm. Đến nay lượng chất thải công nghiệp được xử lý đạt trên 90% khối lượng phát sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý đạt 85,5% ở đô thị và khoảng 50% ở nông thôn.
Đồng thời Bộ đã khắc phục được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gắn khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường. Đã thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý tài nguyên biển; thực hiện kinh tế hóa tài nguyên nước, xây dựng cơ chế quản lý theo lưu vực sông,hợp tác quốc tế trong khai thác tài nguyên nước xuyên quốc gia; thiết lập cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động đo đạc và bản đồ, viễn thám; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Nhờ đó các chỉ số đánh giá trong năm qua cho thấy từ Bộ đến các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường của 63 tỉnh, thành phố đã cùng nhau đồng hành tạo bước chuyển quan trọng. Từ chỗ bị động giải quyết các tồn tại sang chủ động triển khai các giải pháp có tính hệ thống để chuẩn bị động lực cho phát triển trước mắt và giai đoạn mới.
- Những tồn tại và thách thức mà ngành tài nguyên và môi trường cần phải giải quyết trong năm 2019 là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định với quy mô sản xuất ngày càng lớn, Việt Nam sẽ là một công xưởng của thế giới và một điểm tựa cho nhiều tập đoàn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh của khu vực và trên toàn cầu. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành tài nguyên và môi trường đã và đang phải đối mặt, trong khi chúng ta xác định không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế... nhưng cũng không cứng nhắc mà cần bảo đảm sự hài hòa trong phát triển.
Mặt khác, tình trạng quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, sai phạm, mặc dù Bộ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều địa phương vẫn buông lỏng quản lý, còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái pháp luật...Những bất cập trong định giá quyền sử dụng đất chưa bám sát giá thị trường. Hiện cả nước còn khoảng 1,9 triệu ha đất chưa sử dụng, thời gian tới phải quản lý, sử dụng ra sao để tránh thất thoát và mang đến hiệu quả thiết thực.
Một thách nữa là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách và khả thi để ứng phó trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt là biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như lũ quét, lũ ống ở miền núi phía Bắc…Phải cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa gắn với sắp xếp lại bộ máy cùng với đào tạo, nâng cao năng lực và phẩm chất cán bộ của đội ngũ cán bộ trong ngành...
- Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2019?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá,” Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra chín nhiệm vụ giải pháp trọng tâm nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ. Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Trước hết là tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu: Bộ tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; tổng kết đánh giá việc thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012. Thể chế hóa các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia; chủ động phòng ngừa ô nhiễm, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính, triển khai các cơ chế thí điểm về đất đai.
Thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo: Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận. Tổ chức lực lượng thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Đa dạng hoá các kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh kiến nghị. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành. Triển khai tổ công tác liên ngành để giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài, các điểm nóng phát sinh.
Chuẩn bị hạ tầng phục vụ quản lý thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tập trung xây dựng dữ liệu nền địa lý, dữ liệu địa hình, không gian (NSDI), cung cấp các dịch vụ vệ tinh, kết nối vạn vật sẵn sàng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh, tự động hoá trong các hoạt động vận tải, giám sát các hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản và phục vụ các mục đích phát triển kinh tế-xã hội.
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quản lý địa chính 3D; tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối liên vùng và tiểu vùng Mekong. Lập, quản lý quy hoạch theo không gian, từng bước tích hợp các quy hoạch có sử dụng đất bao gồm cả không gian ngầm và trên không; đảm bảo thuận lợi trong tiếp cận thông tin quy hoạch của người dân.
Ứng dụng công nghệ tự động trong quan trắc, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu. Quản lý môi trường trên nền tảng internet vạn vật. Nghiên cứu khai thác và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới như địa nhiệt, khí đá phiến, khí hóa than, năng lượng biển...
Ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra cơ bản về tài nguyên, giám sát lãnh thổ, biển, hải đảo; quản lý, giám sát môi trường, nguồn nước xuyên biên giới, biến động diện tích đất rừng, các khu vực có nguy cơ sạt lở.
Nâng cao chỉ số tiếp cận, sử dụng bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, đổi mới công tác định giá đất, giải quyết các vấn đề trong khai thác nguồn lực đất đai. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, kết nối liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế trên toàn quốc. Tăng cường tạo quỹ đất sạch để đấu giá, thực hiện thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính.
Thực hiện công tác kiểm kê đất đai, quỹ đất công ích; tập trung xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, giải quyết vấn đề đất đai của nông, lâm trường. Tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong quản lý tài nguyên đất đai, quy hoạch đất đai.
Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thông qua quản lý thông minh, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Tổ chức kiểm kê, đánh giá nhu cầu sử dụng nước, lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia. Tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình dựa vào xu thế tự nhiên. Triển khai các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành với sự tham gia giám sát của cộng đồng. Nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột, chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các vấn đề xuyên biên giới, tăng cường vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Từng bước phát huy giá trị địa chất, địa mạo, khoáng sản chiến lược. Điều chỉnh các Chiến lược, quy hoạch khoáng sản; tập trung điều tra khoáng sản ở các vùng có nhiều tiềm năng, các khoáng sản chiến lược. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nghiên cứu, điều tra tai biến địa chất phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phòng tránh các nguy cơ sạt lở, sụt lún. Ngăn chặn khai thác cát sỏi, phòng chống sạt lở bờ sông, ven biển.
Tăng cường điều tra cơ bản để vươn ra, làm chủ biển. Huy động nguồn lực để triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, trong đó ưu tiên đầu tư cho tăng cường năng lực nghiên cứu biển, phát triển đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia chuyên sâu; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo thiên tai biển. Triển khai đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng ở một số vùng trọng điểm. Ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt tối thiểu 4,2% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi rừng ngập mặn ven biển.
Tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn: Triển khai lập các Quy hoạch bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường.
Xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền; hoàn thiện và triển khai nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế kết hợp thu hồi năng lượng. Có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng thông qua các công cụ thuế, phí, tuyên truyền. Tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường.
Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, việc nhập khẩu phế liệu. Tăng cường bảo vệ, cải thiện, phục hồi môi trường các lưu vực sông, có lộ trình để xanh hoá, hồi sinh các dòng sông chết.
Đổi mới công tác dự báo, đa dạng hóa sản phẩm khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai; tăng cường điều phối liên vùng, tạo cơ chế tài chính, đầu tư, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu: Tăng cường hiện đại hóa, đổi mới công tác dự báo tiếp cận theo Tổ chức Khí tượng thế giới. Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng khí hậu, thủy văn nguy hiểm.
Thúc đẩy kiện toàn, đổi mới cơ chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ chế tài chính cho Quỹ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Thực hiện một số dự án cấp bách về phòng chống sạt lở đê sông, đê biển và tạo sinh kế bền vững; triển khai chương trình đánh giá liên ngành để có giải pháp tổng thể công trình và phi công trình phòng chống sạt lở.
Mặt khác, phải đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chú trọng tăng cường năng lực cho địa phương. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai vận hành Chính phủ điện tử.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối với hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tại Bộ. Nêu cao vai trò của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế; chủ động hợp tác, hội nhập học hỏi kinh nghiệm, tri thức, thu hút nguồn hỗ trợ nước ngoài. Giám sát chặt chẽ đầu tư công, sử dụng hiệu quả tài sản công, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Để hoàn thành với chất lượng cao nhất những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trước hết các đồng chí lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc được giao đảm trách lĩnh vực công tác, địa bàn được phân công phải chịu trách nhiệm chủ động xử lý, phối hợp xử lý theo thẩm quyền, hoặc đề xuất với tập thể lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh...
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo TTXVN/Vietnam+