Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 43-NQ/TW

Bài 7: Thiết kế mô hình tăng trưởng mới

.

“Thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên, quan trọng mà Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định cho định hướng phát triển kinh tế thành phố trong những năm đến.

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã có bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế, với dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. TRONG ẢNH: Dịch vụ du lịch - thương mại phát triển nhanh chóng trên đường Võ Nguyên Giáp.                    Ảnh: THÀNH LÂN
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã có bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế, với dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. TRONG ẢNH: Dịch vụ du lịch - thương mại phát triển nhanh chóng trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: THÀNH LÂN

Có thể nói, nhiệm vụ này được khẳng định từ việc đánh giá khá sâu sắc, công bằng mặt được và chưa được về mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, qua đó khẳng định “đổi mới mô hình tăng trưởng” là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng cho sự phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Thật vậy, nhìn lại toàn bộ thời kỳ phát triển của Đà Nẵng sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia làm giai đoạn bình ổn kinh tế (1997-2000) và 3 kế hoạch 5 năm (2001-2005; 2006-2010; 2011-2016) với những đặc điểm khác nhau.

Trong giai đoạn đầu chia tách (1997-2000), hầu như việc tích lũy và đầu tư từ nội bộ nền kinh tế của Đà Nẵng khá thấp, tỷ lệ đầu tư chiếm khoảng 37,9% GRDP (trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 16,7% GRDP). Tăng trưởng xuất khẩu đã bổ sung cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu tương đương 53,4% GRDP.

Trong giai đoạn (2001-2005), tỷ trọng tích lũy và đầu tư toàn thành phố tăng nhanh, tỷ lệ đầu tư/GRDP đạt mức hơn 55,4% vào năm 2005 (trong đó vốn đầu tư ngân sách có tỷ trọng tăng nhẹ, lên gần 19,7% GRDP). Tỷ lệ đóng góp của yếu tố vốn lên đến 64,7% trong mỗi 1% tăng trưởng kinh tế của thành phố. Sức mua nội địa - cầu trong nước - dần chiếm ưu thế, kim ngạch xuất khẩu chỉ còn tương đương 41,8% GRDP.

Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ đầu tư/GRDP đạt mức 70,6% (trong đó vốn đầu tư ngân sách chiếm đến 39,9% GRDP). Đây cũng là giai đoạn mà khu vực dịch vụ thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh (14,9%/năm) nhờ những đầu tư tích cực cho hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch nói riêng, chiếm gần 70% tổng lượng tăng tuyệt đối GRDP của thành phố trong cùng giai đoạn, tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế thành phố giảm còn 52,3%.

Giai đoạn 2011-2015, cùng với sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cả về tỷ lệ tương đối và số lượng tuyệt đối, nguồn tích lũy và đầu tư đã giảm, chỉ còn tương đương khoảng 59,4% GRDP (tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước lúc này chỉ còn khoảng 17,4% GRDP), đóng góp của yếu tố vốn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ còn 43,1%, nền kinh tế, yếu tố tổng hợp từ việc cải tiến công nghệ, chính sách quản lý đã tăng lên 36,4% nhưng không phải là tín hiệu tốt khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 11,1%/năm xuống còn 8,56%/năm. Năm 2016, tỷ trọng vốn đầu tư chỉ còn khoảng 46,1% GRDP, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách chỉ còn khoảng 6,3% GRDP.

Tóm lại, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sự cải thiện về điều kiện thể chế đã tạo điều kiện cho thành phố Đà Nẵng có những thành công về các mặt sản xuất, cơ cấu, chi tiêu và tăng trưởng GRDP hằng năm, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của Đà Nẵng đang có xu hướng giảm. Cùng với việc quy mô quỹ đất chưa sử dụng chỉ còn khá khiêm tốn (dưới 1% trên tổng diện tích đất tự nhiên), có thể thấy, trong điều kiện tăng trưởng liên tục, các nguồn lực vật chất: vốn, tài nguyên thiên nhiên và lao động được khai thác gần như triệt để nhưng mô hình tăng trưởng của thành phố vẫn còn nằm trong giới hạn giữa thu nhập thấp, tích lũy thấp và năng suất thấp khiến tăng trưởng dài hạn có vấn đề.

Điểm mạnh trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW là chuyển dịch cơ cấu từ khu vực có năng suất thấp (khu vực nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao (khu vực dịch vụ và công nghiệp) khá nhanh; các chỉ số phát triển con người, mức sống dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái luôn duy trì ở mức tốt. Những dấu hiệu tích cực về chuyển dịch cơ cấu ngành và hiệu quả quản trị điều hành địa phương đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2010 và nửa đầu giai đoạn 2011-2015 thể hiện qua hai chỉ tiêu quan trọng là năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).

Những đầu tư cho cơ sở hạ tầng “cứng” đã tạo tiềm năng mới cho các nhà đầu tư và điều này được phản ánh ở mức tăng gần gấp 2 lần của lượng vốn đầu tư tư nhân trong giai đoạn 2011-2015, chiếm tới gần 4/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Có những dấu hiệu cho thấy cả đầu tư tư nhân trong nước và FDI tiếp tục tăng sau năm 2017. Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu cho thấy có thể Đà Nẵng sẽ thành công trong việc thu hút đầu tư. Để đạt được sự thành công hoàn toàn, cần có sự tăng trưởng liên tục về giá trị thực của đầu tư hiện chỉ đang duy trì ở mức thấp. Chìa khóa để cải thiện hơn nữa tình hình ở Đà Nẵng là tạo ra những doanh nghiệp tư nhân trong nước mạnh hơn để làm đối tác với các công ty nước ngoài.  

Tuy vậy, chuyển dịch cơ cấu và đóng góp của quá trình này vào chất lượng tăng trưởng vẫn chưa thực sự bền vững. Hai yếu tố làm tăng năng suất tổng hợp TFP là cải cách thể chế và đổi mới công nghệ chưa được phát huy hiệu quả. Các ngành đóng góp cao vào tăng trưởng vẫn là những ngành khá truyền thống hoặc thuộc nhóm công nghệ thấp như chế biến thực phẩm, dệt may, da giày. Ngay cả ngành điện tử, phần mềm và nội dung số thuộc ngành công nghệ cao, có định hướng mở rộng nhưng vẫn chủ yếu là lắp ráp, phần giá trị cao phần lớn được tạo ra ở nước ngoài, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị của ngành này còn rất hạn chế. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua được thúc đẩy khá nhiều bởi khu vực kinh tế Nhà nước, trong khi yếu tố hội nhập (thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài) và đặc biệt là yếu tố thúc đẩy bên trong từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn khiêm tốn, rất cần được chú trọng để có chính sách điều chỉnh và tạo động lực trong thời gian tới.

Thành phố Đà Nẵng đã có phong trào khuyến khích khởi nghiệp. Đây là chủ trương đúng nhưng chưa đủ vì chưa có chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp sớm đạt quy mô mới có khả năng đổi mới công nghệ. Đà Nẵng cũng cần thay đổi chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ưu tiên những dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp (lên các ngành ít sử dụng lao động và có giá trị gia tăng cao hơn) vì đây là khu vực năng động nhất, dễ áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất. Ưu tiên những trường hợp liên doanh với doanh nghiệp trong nước, hoặc kết nối doanh nghiệp trong nước với mạng lưới cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Từ đó, gia tăng khả năng kết nối hàng dọc với FDI và các công ty đa quốc gia để được chuyển giao công nghệ, tri thức quản lý và kinh doanh, gia tăng năng suất và sức cạnh tranh. Năng suất lao động tổng thể sẽ tăng lên theo sự chuyển dịch đó.

Đây là những điểm mạnh, điểm lưu ý mà các cơ quan tham mưu hoạch định chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển thành phố cần lưu tâm trong thực hiện tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đối với Đà Nẵng trong thời gian tới theo yêu cầu của nghị quyết.

Chìa khóa để cải thiện hơn nữa tình hình ở Đà Nẵng là tạo ra những doanh nghiệp tư nhân trong nước mạnh hơn để làm đối tác với các công ty nước ngoài”

PHẠM QUÝ
 

;
;
.
.
.
.
.