Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 43-NQ/TW

Bài 6: Giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng phải đạt tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Đà Nẵng cần có chiến lược tổng thể, nhất quán... để đạt những chỉ tiêu cụ thể Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra.  										  Ảnh: THANH LỘC
Đà Nẵng cần có chiến lược tổng thể, nhất quán... để đạt những chỉ tiêu cụ thể Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra. Ảnh: THANH LỘC

Về chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra yêu cầu đến năm 2030 (trong vòng hơn 10 năm), Đà Nẵng phải hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD, với quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người...

Đặc biệt, nghị quyết đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn này phải phấn đấu đạt trên 12%/năm, để góp phần nâng tỷ trọng quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%. Đồng thời, nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế, trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước.

Đây là những mục tiêu, chỉ tiêu mà Đà Nẵng phải có quyết tâm, có chiến lược tổng thể, nhất quán, chiều sâu về quy hoạch phát triển, về mô hình phát triển cũng như các cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để thực hiện. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về các mục tiêu, chỉ tiêu trên, theo chúng tôi, có lẽ yêu cầu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 phải đạt trên 12% (gấp 1,72 lần so tốc độ tăng GDP của cả nước được giả định là 7% trong cùng thời kỳ) là chỉ tiêu cụ thể quan trọng và đáng lưu tâm nhất. Vì chỉ có tốc độ tăng trưởng cao hơn càng nhiều càng tốt so với tốc độ tăng trưởng trung bình cả nước thì Đà Nẵng mới có kết quả nâng cao được tỷ trọng về quy mô kinh tế của mình so với cả nước theo yêu cầu của nghị quyết cũng như đối với vai trò, vị thế của thành phố.

Công bằng mà nói, đây là chỉ tiêu cao so với mức tăng trưởng chậm lại của thành phố trong vài năm lại đây, nhưng là mức độ tăng trưởng mà thành phố đã từng đạt được trong các giai đoạn trước, nhất là từ khi có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2001-2005, 2006-2010 đạt trên 11,1%/năm; giai đoạn 10 năm 2003-2013 đạt 11,5%(1); tính cả giai đoạn 15 năm 2003-2018 đạt 10% năm). Mặt khác, đây cũng là mức thấp hơn so với mức mà Bộ Chính trị yêu cầu thành phố Hải Phòng tại  Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng ban hành trong ngày 24-1-2019(2).

Vấn đề là, để đạt tốc độ tăng trưởng cao như trên, nghị quyết cũng chỉ ra phát triển Đà Nẵng những năm đến không thể cơ bản giống như thời gian qua, mà cần phải có yếu tố đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế với 4 quan điểm phát triển, 3 trụ cột, 5 mũi nhọn về kinh tế (động lực cho tăng trưởng) và 3 lĩnh vực cơ bản như nghị quyết xác định.Trong đó, Đà Nẵng phải tranh thủ tối đa môi trường quốc tế và khu vực đang có nhiều thuận lợi, cùng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước đang được đẩy mạnh, nhất là những thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kinh tế phát triển nhanh, bền vững dựa trên tri thức và đổi mới; vị thế kinh tế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế; khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ... để có những giải pháp cụ thể, tạo sự chuyển đổi đột phá về cơ cấu kinh tế trong nội bộ các ngành, lĩnh vực; đề xuất và thực hiện thật tốt  nhiều cơ chế, chính sách mới, tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư lớn quốc tế và trong nước.

Đà Nẵng cần nhanh chóng đề nghị được áp dụng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền điện tử; triển khai sớm các công trình hạ tầng trọng điểm cơ bản và phát huy tốt công suất như dự kiến, nhất là sự kết nối logistics và trung tâm khoa học-công nghệ.  

Thành phố cũng định hình rõ mô hình phát triển, giải quyết tương đối triệt để những mâu thuẫn, hạn chế hiện nay, đặc biệt là sự xung đột giữa các ngành; giải quyết được mâu thuẫn về không gian và có quỹ đất sạch khá tốt. Thành phố thực hiện tốt chức năng kết nối, không chỉ là trung tâm lan tỏa, hội tụ mà còn là trung tâm vào - ra trên nhiều lĩnh vực của toàn vùng và cả nước.

Thành phố phải rà soát các ngành chủ lực ở thời kỳ trước vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt, không chỉ những ngành như công nghiệp chế biến; vận tải-kho bãi, vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng hay khoa học, giáo dục, y tế có tốc độ tăng trưởng cao, mà những ngành như thông tin, truyền thông; tài chính-ngân hàng, bất động sản; và thương nghiệp cũng phải có tốc độ tăng mạnh, làm cơ cấu đóng góp tăng trưởng từ các ngành của thành phố được tích cực, hài hòa hơn. Tập trung khai thác, phát triển những ngành dịch vụ mới nổi, dựa trên tri thức-sáng tạo có khả năng dẫn dắt, trở thành những ngành chủ lực, mũi nhọn mới cho tăng trưởng kinh tế, như:  logistics, khoa học công nghệ, thông tin-truyền thông, du lịch, tài chính-ngân hàng, cảng biển... đạt tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp trong GRDP cao hơn hẳn so với thời kỳ trước với yêu cầu công nghệ trung bình cao và chiếm tỷ trọng lớn trong ngành, lĩnh vực phát triển.

Thành phố phải chủ động tận dụng, thích nghi tốt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là trong quản trị thành phố và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng Đà Nẵng như là một điểm đến quốc tế về dòng vốn, dòng công nghệ và nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực mới nổi nêu trên, là trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của đất nước và khu vực ASEAN.

Đặc biệt, KCN cao của Đà Nẵng được lấp đầy bằng các nguồn vốn của các tập đoàn lớn thuộc tốp 500 toàn cầu để Đà Nẵng thực sự lột xác, bứt tốc hơn hẳn so với tình hình hiện nay, bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2030 đạt khoảng 10,7%/năm; trong đó, giai đoạn 2016-2020 là 8,0%/năm (trong đó năm 2019, phấn đấu tăng 1% điểm số về tăng trưởng so với năm 2018 như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 được tổ chức vào ngày 21-01-2019); giai đoạn 2021-2030 đạt 12,0%/năm; theo đó, GRDP/người của Đà Nẵng tính theo giá năm 2016 tại thời điểm năm 2030 của Đà Nẵng là gần 190 triệu đồng, tương ứng gần 8.700 USD(3) (giá năm 2016), là chỉ tiêu khả thi và hoàn toàn có thể đạt được như nghị quyết đã xác định.

PHẠM QUÝ

(1) Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy số 12, ngày 4-10-2013 về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ chính trị

(2) Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2025 tối thiểu là 13%; đến năm 2025: tỉ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4%. GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD. tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%; tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD (Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

(3) Ở mức này, GRDP/người của Đà Nẵng gần 85% mức GRDP/người của Phuket (Thái Lan) tại thời điểm năm 2016.

;
;
.
.
.
.
.