Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu trong những năm đến, Đà Nẵng cần tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển, qua đó để thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh và quy mô của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế biển là một trong 3 trụ cột chính trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW. Ảnh: Lê Hoàng Nam |
Nghiên cứu toàn văn nghị quyết ở khía cạnh “câu từ” đối với 3 trụ cột này cho thấy: từ “du lịch” được nhắn đến 7 lần (2 lần ở phần đánh giá và 5 lần ở phần quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp); từ “công nghệ cao” được nhắn đến 8 lần (3 lần ở phần đánh giá và 5 lần ở phần sau); riêng từ “biển, kinh tế biển” được nhắn đến những 17 lần (1 lần ở phần đánh giá và đến 16 lần ở phần sau). Cụ thể:
Ở quan điểm phát triển (3 lần): “… dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển,..”; “ … tập trung phát triển 3 trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo…”.
Ở mục tiêu tổng quát (3 lần): “ Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành …., thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế…”; “… quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”.
Tầm nhìn đến năm 2045; Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á (1 lần).
Trong phát triển kinh tế ở phần nhiệm vụ và giải pháp (4 lần): “… Tập trung đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; ..”; “… phát triển hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ biển,..”; “Có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển…”.
Liên quan đến môi trường (2 lần): “… chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường, sinh thái…”; “… Chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”.
Về hạ tầng (1 lần): “… Kết nối hệ thống giao thông thành phố Đà Nẵng với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không”.
Ở phần quốc phòng, an ninh (2 lần)
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc trên địa bàn; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, biển, đảo, chú trọng vai trò của Đà Nẵng đối với Biển Đông.
*
Nói như vậy để thấy thành phố có “địa lợi” là thành phố biển và chiến lược phát triển Đà Nẵng trong những năm đến phải “dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển …” (1) như nghị quyết đã khẳng định.
Và điều đáng mừng về tính đồng bộ là, ngày 18-2-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chương trình hành động số 28-CTr/TU đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo” (2).
Để vươn tới mục tiêu trên, Chương trình hành động số 28-CTr/TU cũng xác định, thành phố tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác hải sản; (4) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, xây dựng cảng Tiên Sa phục vụ du lịch đường biển; xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng đẳng cấp quốc tế, có sự kết nối với các tuyến du lịch trong vùng và khu vực và quốc tế.
Nâng cấp và đầu tư xây dựng các cảng biển của thành phố phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, khai thác có hiệu quả các dịch vụ vận tải biển, phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung; trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu. Chuyển đổi dần việc khai thác hải sản từ phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực.
Rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp ven biển, đảm bảo các cụm công nghiệp ven biển không ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của ngành dịch vụ-du lịch; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp phục vụ cho các ngành kinh tế thuần biển trên cơ sở bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển.
Quy hoạch vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo về một đô thị trên biển với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo nên điểm nhấn cho Đà Nẵng về du lịch, thu hút các dòng vốn đầu tư tạo sức lan tỏa chung. Phấn đấu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (GRDP) đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030.
PHẠM QUÝ
(1) Quan điểm phát triển thứ nhất tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.
(2) Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 18-2-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.