Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân

.

“Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân” là chủ đề nội dung chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019. Về vấn đề này, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực trong thời gian qua.

Thời gian qua, Đà Nẵng luôn nỗ lực xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. TRONG ẢNH: Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (phải) thăm Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cán ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2018).
Thời gian qua, Đà Nẵng luôn nỗ lực xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. TRONG ẢNH: Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (phải) thăm Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cán ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2018).

Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân được thể hiện ở nhiều khía cạnh của đời sống, trong đó phải kể đến công tác tiếp công dân. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân, lắng nghe tiếng nói của người dân. Chính vì thế, với phương châm “Chính quyền vì dân phục vụ”, năm 2014, UBND thành phố công bố quyết định thành lập Ban Tiếp công dân thành phố trực thuộc Văn phòng UBND thành phố trên cơ sở tổ chức lại Phòng Tiếp công dân.

Phó Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Nguyễn Hữu Tiến cho biết, năm 2018, UBND thành phố đã tiếp 1.423 lượt người, xử lý 1.906 đơn thư. Thế nhưng, nỗ lực của sự lắng nghe và thấu hiểu người dân không nằm ở những con số định lượng mà thể hiện ở sự chỉn chu trong công tác tiếp công dân, nhanh chóng và tận tâm tháo gỡ vướng mắc. “Ban Tiếp công dân thành phố luôn nêu cao văn hóa ứng xử trong công tác tiếp người dân. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân đều luôn phải coi chuyện của người dân là chuyện của mình, đặt mình vào vị trí của người dân để thấu hiểu bản chất vấn đề; từ đó mới có thể tiếp nhận ý kiến và xử lý đơn thư tốt nhất”, ông Tiến bày tỏ.

Có thể nói, với ý thức tôn trọng nhân dân, Ban Tiếp công dân thành phố không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao mà còn góp phần không nhỏ tạo sự đồng thuận, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thành phố.

Cũng theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Học tập tư tưởng này, những năm qua, các cấp chính quyền thành phố luôn nỗ lực nâng cao đời sống người dân. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đầu năm 2018, thành phố có 7.114 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 2,8% so với tổng số hộ dân cư. Các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện kịp thời các chính sách và giải pháp thiết thực thông qua tổ chức gặp mặt đối thoại và hỗ trợ giúp đỡ phù hợp với nguyên nhân từng hộ như về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn, sinh kế, giải quyết việc làm...; qua đó, có 6.187 hộ thoát nghèo. Từ kết quả này, Đà Nẵng về đích trước 2 năm trong công cuộc giảm nghèo giai đoạn đến năm 2020.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Đình Hoàng, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, thành phố đã ban hành nhiều văn bản mang tính đột phá có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, huy động cả cộng đồng vào cuộc.

Kết quả, các địa phương đã huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho hơn 61.000 lượt hộ, nhân khẩu với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng. Điển hình, Mặt trận các cấp triển khai vận động Quỹ “Vì người nghèo” bằng nhiều hình thức; qua đó, hỗ trợ 23,351 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo, trao 33.503 suất quà Tết trị giá 14.386 tỷ đồng cho hộ nghèo. Ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khẳng định, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, cùng hợp tác, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng là những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận các cấp thành phố.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, các cấp Hội đã hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng cách tiếp cận nguồn vốn vay, tập huấn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; nhờ đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.604 lao động nữ. Điển hình, năm 2018, 3 mô hình tổ liên kết, HTX sản xuất được phát triển mới, nâng tổng số mô hình hiện nay lên 32 đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 557 lao động nữ với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Bài và ảnh: TRÂM ANH

;
;
.
.
.
.
.