Chung sức xây dựng thành phố môi trường

.

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của thành phố. Trong 10 năm qua (2008-2018) việc thực hiện các chỉ tiêu, nội dung của đề án đã được các cấp, ngành, địa phương chú trọng. Nhiều tầng lớp nhân dân và các hội, đoàn thể đã chung tay, góp sức giải quyết các điểm, vấn đề “nóng” về ô nhiễm môi trường.

Năm 2019, triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Năm 2019, triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Đến đầu năm 2017, khi nhận thấy một số chỉ tiêu của đề án chưa thực hiện được, nhất là tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phân loại và tái chế, việc kiểm soát ô nhiễm do sử dụng rác thải nhựa và túi nilon…, các đơn vị chức năng và địa phương đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu này. 

Theo đó, qua sự hỗ trợ của thành phố Yokohama (Nhật Bản), Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND quận Hải Châu triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại 4 phường trên địa bàn quận và nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn quận Hải Châu từ tháng 3-2018.

Cũng trong tháng 3-2018, dự án “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp tổ chức được khởi động ở 6 khu dân cư (KDC) trên địa bàn 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà.

Từ đầu tháng 7-2018 đến nay, cứ vào sáng chủ nhật hằng tuần, các hộ dân ở 2 tổ 30 và 31 thuộc KDC Thành Vinh 4, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) lại mang túi, sọt đựng đầy giấy, vỏ lon bia, chai nhựa… ra trước nhà để tổ thu gom đến cân và mang đi.

Các hộ có các loại rác hữu cơ cũng nộp cho tổ thu gom để ủ làm phân hữu cơ phục vụ trồng rau trên các lô đất trống. Chỉ sau 3 tháng thực hiện, hơn 100 hộ dân ở KDC Thành Vinh 4 đều hưởng ứng thu gom, phân loại thêm túi nilon khó phân hủy và hạn chế phát sinh rác thải nhựa nhằm giảm gánh nặng cho bãi rác Khánh Sơn.

“Những ngày đầu thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, chỉ có 20 hộ hưởng ứng, sau nâng dần lên 80 hộ và hiện nay là 110 hộ tham gia. Chỉ riêng trong 3 tháng qua, đã thu được số tiền 1,95 triệu đồng từ bán vỏ lon bia, giấy, chai nhựa… để làm quỹ phúc lợi xã hội của KDC. Cạnh đó, thu gom 1,5 tấn rác hữu cơ và sử dụng làm phân bón từ mô hình ủ phân hữu cơ tương đương tiết kiệm được 5 triệu đồng để mua phân bón. Cũng từ việc thực hiện phân loại rác thải, thu gom các loại rác tài nguyên và hữu cơ, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm chung tay xây dựng thành phố môi trường được nâng cao”, bà Phan Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KDC Thành Vinh 4 cho hay.

Từ những thành công ban đầu trong thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở KDC Thành Vinh 4, vào giữa tháng 11-2018, UBND phường Thọ Quang quyết định triển khai nhân rộng mô hình này ở 7 KDC và trao hơn 1.500 túi tái chế có kích thước lớn để các hộ dân đựng các loại rác tài nguyên và túi nilon, rác thải nhựa tại nhà. Cũng từ thành công ban đầu của Thành Vinh 4 và 3 KDC khác, UBND quận Sơn Trà đã quyết định nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn đến 70 KDC tại cả 7 phường với khoảng 14.000 hộ gia đình tham gia trong khoảng thời gian từ tháng 9-2018 đến tháng 3-2019.

Đến tháng 4-2019, quận Sơn Trà tiếp tục đánh giá hiệu quả và kinh nghiệm rồi tiếp tục nhân rộng thực hiện mô hình trên toàn quận. “Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những mô hình, giải pháp tự quản về bảo vệ môi trường nhận được sự hưởng ứng, thực hiện đông đảo của người dân. Từ các mô hình này, người dân đã đóng góp sức mình hiệu quả về bảo vệ môi trường và xây dựng thành phố môi trường”, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 10 năm qua, trên địa bàn thành phố có hơn 100 mô hình hoạt động về bảo vệ môi trường đã được triển khai ở cộng đồng. Người dân và hội viên của các hội, đoàn thể… đã chung sức, đóng góp rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Chính quyền thành phố đầu tư nguồn lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Chỉ riêng giai đoạn từ năm 2016-2020, thành phố huy động các nguồn lực hơn 6.800 tỷ đồng để đầu tư 8 công trình về bảo vệ môi trường.

Trong 10 năm qua, cũng đã huy động nguồn lực rất lớn để kiềm chế và khắc phục 7 điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, 6 điểm “nóng” ô nhiễm môi trường còn lại cũng đã và đang được đầu tư, thực hiện các giải pháp tiến đến xử lý dứt điểm.

“Tính đến nay, thành phố đã thực hiện đạt được nhiều tiêu chí đã đặt ra trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường”, nhất là các chỉ số ô nhiễm không khí, bình quân diện tích không gian xanh đô thị trên đầu người, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành, tỷ lệ che phủ rừng... Tuy nhiên, hiện nay, còn nhiều chỉ tiêu chưa thực hiện đạt được, nhất là tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phân loại và tái chế, việc kiểm soát ô nhiễm do sử dụng túi nilon khó phân hủy và rác thải nhựa”, ông Tô Văn Hùng cho biết.

Để hoàn thành mục tiêu thành phố môi trường vào năm 2025, theo ông Tô Văn Hùng, thành phố còn rất nhiều việc phải làm và cần sự vào cuộc đồng bộ của cả thành phố, sự chung tay và góp sức của nhân dân cũng như hội viên của các hội, đoàn thể... Chẳng hạn, về vấn đề rác thải đô thị, trong năm 2019, phải triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố.

Việc này rất khó nên phải có quyết tâm cao và nếu không làm việc này thì khó mà đạt được các tiêu chí thành phố môi trường cũng như phải đối diện với rất nhiều vấn đề nảy sinh trong tương lai. “Thành phố cũng cần phải huy động nguồn lực lớn hơn nữa cho việc xử lý nước thải, rác thải.

Cạnh đó, quan tâm đến công tác dự báo và quy hoạch phù hợp với sự phát triển, tránh để xảy ra các điểm “nóng” ô nhiễm môi trường do công tác dự báo và quy hoạch. Đồng thời, thành phố cũng cần có những quy chuẩn riêng về bảo vệ môi trường của Đà Nẵng bên cạnh những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để Đà Nẵng phát triển bền vững”, ông Tô Văn Hùng nói.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.