Đeo bên người cả “tiệm tạp hóa” với đủ thứ mặt hàng từ tăm bông, quạt tay, kính mát đến sách tử vi..., mỗi ngày, B.T.N (quê Quảng Ngãi) thường bắt đầu bán hàng rong tại một quán cà-phê trên đường Nguyễn Chí Thanh. Với một cánh tay “liệt” duỗi thẳng đơ, di chuyển từng bước khó nhọc, N. bắt đầu mời chào bằng câu quen thuộc: “Anh, chị, cô, bác mua giùm người tật nguyền”. Bằng cách này, thỉnh thoảng, N. bán được vài món đồ giá trị nhỏ. Tuy nhiên, phần tặng thêm của khách luôn hời hơn món đồ đã bán. Hơn chục phút sau, N. rời khỏi quán đi về phía đường Lý Tự Trọng. Bây giờ, cánh tay N. không còn bị “liệt” nữa và bước chân cũng nhanh nhẹn hơn.
Người bán hàng rong gây khó chịu khi đeo bám người dân và du khách. |
“Đồng nghiệp” hoạt động ở những quán cà-phê trên đường Lê Lợi, Hải Phòng, Ngô Gia Tự... của N. là bà mẹ mù T.T.H cùng đứa con gái bị bệnh “động kinh” chuyên đi bán vé số. Tuy nhiên, H. có thật sự mù hay mắt yếu thì không ai rõ vì cặp kính đen to che hết khuôn mặt. Riêng người con gái đi cùng chỉ lên cơn “động kinh” khi bước vào quán mời khách mua vé số. Những khách lần đầu ghé quán thường mua và tặng thêm ít tiền giúp đỡ, còn khách quen của những quán cà-phê này hiếm khi mua và cho tiền vì biết người con gái giả vờ “động kinh” nhằm lợi dụng lòng trắc ẩn...
Tương tự, tại những quán nhậu dọc sông Hàn, đường ven biển ở quận Sơn Trà và các điểm tập trung nhiều khách du lịch, đội quân bán hàng rong và xin ăn biến tượng tập trung khá đông. Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, họ đều “núp bóng” đi bán hàng rong để tiếp cận khách và... xin tiền. Đặc biệt, tuyến đường gom khu vực đầu cầu Rồng đã trở thành điểm thu hút rất nhiều người bán hàng rong trá hình đến hoạt động. Khách quen ở đây có thể nhẵn mặt khoảng 4-5 người với đủ “bệnh tật”, như: câm, liệt chân đi xe lăn và cả người già yếu đi bán hàng rong...
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, ông Ngô Xuân Phú, Phó phòng LĐ-TB&XH quận Sơn Trà cho biết, tình trạng người lang thang xin ăn núp dưới danh nghĩa người bán hàng rong không mới, cơ quan chức năng của quận cũng biết. Thực tế, tháng nào địa phương cũng xử lý vài trường hợp như vậy. Tuy nhiên, rất khó để bắt tận tay vì người cho tiền không hỗ trợ cơ quan chức năng để xử lý. Trong khi đó, khi cơ quan chức năng bắt xử lý, người lang thang xin ăn thường la lớn, gây sự chú ý và sẵn sàng ăn vạ... Vì vậy, việc xử lý khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Đáng lo ngại nhất là những tháng hè, có rất nhiều trẻ em ở các địa phương khác đến bán hàng rong và tranh thủ xin tiền du khách.
Theo một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu, bên cạnh tình trạng người lang thang xin ăn núp danh hàng rong, thời gian qua quận cũng đã phát hiện một số trường hợp người lang thang xin ăn núp danh... nhà sư. Những trường hợp này muốn xử lý cần mời thêm đại diện của Ban Tôn giáo, Thành hội Phật giáo... và phải làm hết sức cẩn thận, nếu không người dân sẽ ngộ nhận và dẫn đến dư luận không tốt.
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, thực hiện mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” trong chương trình “Thành phố 5 không”, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động; trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời nhiều trường hợp lang thang xin ăn hoặc núp danh bán hàng rong để xin ăn.
Năm 2018, ngành chức năng phát hiện và xử lý 171 trường hợp lang thang xin ăn; trong đó, chỉ 18 người có hộ khẩu thành phố, còn lại 110 người ngoại tỉnh, 43 người không biết nơi sinh sống của mình. Điều khó khăn nữa là trong số này, có 68 người được xác định bị bệnh tâm thần.
Để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên, rất cần sự chung tay của người dân, du khách cũng như chủ các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn... trong việc “nói không” với lang thang xin ăn hoặc núp bóng bán hàng rong để ăn xin. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ các biện pháp quản lý, chế tài, đưa người lang thang xin ăn về địa phương nơi cư trú, tạo công ăn việc làm ổn định...
Bài và ảnh: THANH VÂN