Làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ

.

Thời gian qua, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; từng bước đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Nhân viên Bưu điện thành phố dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. (Ảnh do Bưu điện thành phố cung cấp)
Nhân viên Bưu điện thành phố dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. (Ảnh do Bưu điện thành phố cung cấp)

Thượng tá Đoàn Duy Tân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Phó Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2018-2020 (viết tắt là BCĐ) cho biết, để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, thành phố đã chỉ đạo các địa phương trưng dụng lực lượng phối hợp (lực lượng dẫn đường, lực lượng giúp việc đào bới, khai quật) ở các địa phương khi có thông tin về mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến đông đảo người dân nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác tìm kiếm, cung cấp thông tin liệt sĩ. Nhờ vậy, người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng và chính xác, giúp công tác tìm kiếm, quy tập ngày càng hiệu quả. Giai đoạn 2016-2018, BCĐ đã tiếp nhận 68 phiếu cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, bàn giao 7 phiếu cho tỉnh Quảng Nam, 3 phiếu cho tỉnh Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; kết luận địa bàn; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ đã được đẩy mạnh thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2018, BCĐ đã rà soát, nhập 5.459/5.919 thông tin về dữ liệu liệt sĩ; tổ chức khảo sát, tìm kiếm 36 đợt và cất bốc, quy tập 52 hài cốt tại huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ và bàn giao cho các địa phương tổ chức lễ truy điệu, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ.

Ngoài công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng được triển khai, đẩy mạnh. Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2015, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ người có công, trong đó có 17.565 hồ sơ liệt sĩ được quản lý, dễ dàng tra cứu, khai thác. Từ năm 2017 đến nay, Sở phối hợp với Cục Người có công tiến hành lấy 996 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại 6 nghĩa trang liệt sĩ: Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu).
Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bưu điện thành phố, các địa phương triển khai thực hiện Đề án Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Từ đó, Sở tiến hành sơn sửa, khắc lại các bia mộ bị hỏng, bị mờ thông tin để bảo đảm việc thu thập dữ liệu đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng, thực hiện Đề án, từ tháng 5 đến tháng 7-2018, Bưu điện thành phố đã tiến hành thu thập hình ảnh mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang thông qua điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm với các tính năng chụp ảnh bia mộ liệt sĩ, gắn tọa độ, thời gian, dán nhãn nội dung từng bức ảnh... và cập nhật lên Cổng thông tin tra cứu về liệt sĩ. Qua đó, người dân và thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về mộ liệt sĩ, NTLS nhanh chóng, chính xác; giảm chi phí, thời gian và sức lực.

Theo Thượng tá Đoàn Duy Tân, mặc dù công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt kết quả tích cực; công tác lấy mẫu hài cốt còn thiếu thông tin phục vụ giám định ADN được tăng cường; việc lấy mẫu được thực hiện chu đáo, khoa học... nhưng đến nay vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, nhiều mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin. Nhân chứng biết thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít, tuổi cao, trí nhớ suy giảm; thông tin do người dân cung cấp có độ chính xác chưa cao, địa hình thay đổi so với thông tin cung cấp, hài cốt liệt sĩ được an táng trên 40 năm trong điều kiện không bảo đảm nên chất lượng mẫu phục vụ giám định ADN chưa đạt yêu cầu...

“Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, thời gian tới, BCĐ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin; tiến hành khảo sát, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phiếu cung cấp, cụ thể: tại khu vực thượng nguồn đập Đồng Nghệ, Bệnh xá dã chiến 79, xã Hòa Khương; Hòn đá Đà Nẵng; sân bay Sông Hương, xã Hòa Phú; Khu du lịch Bà Nà, xã Hòa Ninh; khu căn cứ cách mạng tại xã Hòa Bắc...”, Thượng tá Tân nhấn mạnh.

Đà Nẵng hiện có 20 nghĩa trang liệt sĩ, an táng gần 9.400 mộ liệt sĩ; trong đó, có khoảng 2.400 mộ chưa có tên. Đến nay, thành phố đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng mới nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương và tổ chức di dời hơn 900 mộ liệt sĩ từ địa điểm cũ về nghĩa trang mới; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Hòa Bắc với kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Bài và ảnh: THU THẢO

;
;
.
.
.
.
.