Những mảng xanh đô thị bị bỏ quên

.

Trên nhiều tuyến đường ven Đà Nẵng, cây xanh không được quan tâm, chăm sóc; cỏ dại mọc um tùm, vỉa hè bị xâm hại tạo cảnh quan xấu xí...

Cây xanh đô thị không được chăm sóc, cỏ dại mọc tràn vỉa hè và lan xuống lòng đường. (Ảnh chụp tại tuyến đường Hoa Lư, đoạn tiếp giáp đường Nại Hiên Đông 16).
Cây xanh đô thị không được chăm sóc, cỏ dại mọc tràn vỉa hè và lan xuống lòng đường. (Ảnh chụp tại tuyến đường Hoa Lư, đoạn tiếp giáp đường Nại Hiên Đông 16).

Theo ghi nhận của phóng viên tại tuyến đường Hoa Lư, đoạn tiếp giáp đường Nại Hiên Đông 16 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), toàn bộ khu vực vỉa hè đã bị cây dại mọc tràn, không thể nhìn thấy “bóng dáng” viên gạch lót vỉa nào. Không chỉ mọc trên vỉa hè, cỏ dại còn mọc tràn xuống lòng đường khiến mặt đường Hoa Lư bị thu nhỏ đáng kể. Thêm vào đó, hàng lim xẹt được trồng tại đây cũng phát triển èo uột. Bãi đất trống rộng hàng trăm mét vuông bên cạnh được một doanh nghiệp thuê làm bãi tập kết xe tải, xe container vào ra liên tục, để lại lớp cát bụi dày trên mặt đường, khiến đường Hoa Lư càng thêm nhếch nhác.

Đây là đoạn dẫn vào đường Nại Hiên Đông 16, nơi có khá đông dân cư sinh sống. Một người dân cho biết, thực tế này đã diễn ra nhiều năm nhưng chẳng thấy cấp, ngành, đoàn thể nào quan tâm tổ chức phát quang, dọn dẹp cỏ dại, làm sạch môi trường.

Cách đó không xa, đường Khúc Thừa Dụ cũng trong tình trạng tương tự. Cây dại mọc tràn từ vỉa hè ra lòng đường, có đoạn vươn cao quá đầu người, che khuất cả biển chỉ dẫn giao thông. Theo quan sát của chúng tôi, với sự xâm lấn này, cây xanh đô thị rất khó được chăm sóc, tưới nước theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Nam sống trên đường Khúc Thừa Dụ cho biết, khu vực này được thành phố quy hoạch thành các lô đất biệt thự với diện tích trung bình từ 150-200m2/lô, mặt đường rộng 10,5m, vỉa hè mỗi bên 7m. Tuy nhiên, do cây xanh đô thị không được quan tâm chăm sóc đúng mực nên đường sá nhếch nhác, túi ni-lông, giấy rác, chai nhựa bẩn theo gió tấp vào hai bên vệ đường, chen chúc cùng cỏ dại. “Nếu cứ giữ quan điểm đường đông dân cư mới được chăm sóc cảnh quan thì không biết đến bao giờ Đà Nẵng mới dẹp được nạn ô nhiễm ở các lô đất trống”, ông Nam nói.  

Trong khi đó, tại nhiều tuyến đường, dải phân cách hiện vẫn trống cây xanh. Đơn cử, tuyến đường Chu Huy Mân (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) rộng 30 mét, có dải phân cách rộng 6 mét, đoạn kéo dài từ đường Dương Văn Nga đến đường Khúc Thừa Dụ bao năm qua không được trồng cây xanh tạo cảnh quan. Cỏ mọc um tùm nơi đây. Khoảng đôi ba tháng, người dân lại thấy vài công nhân đến cắt cỏ. Dải phân cách rộng không được trồng cây xanh nên trở thành nơi tập kết rác thải. Chưa kể, khu vực vỉa hè phía đông đường Chu Huy Mân (kéo dài khoảng 300 mét từ đường Hồ Hán Thương đến đường Lê Đức Thọ) không hiểu vì sao vẫn trống cây xanh đô thị.

Được biết, tính đến nay, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người ở Đà Nẵng là 7,46m2/người. Mật độ này cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu đề ra của thành phố tại đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” là 6-8m2/người. Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn thiết kế đô thị của Bộ Xây dựng (12-15m2/người), con số trên còn khá khiêm tốn.

Kiến trúc sư Ngô Thái Mỹ Trà, Viện Quy hoạch-Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, thời gian tới, Đà Nẵng cần tăng cường các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Sau khi đã trồng cây, cần có biện pháp để bảo vệ, giúp cây sống, sinh trưởng và phát triển tốt. Việc trồng cây phải tính đến mục tiêu lâu dài, có tính bền vững, tạo cảnh quan và nét đẹp đặc trưng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2019, ngân sách thành phố chi cho việc duy trì cây xanh công cộng là 169,5 tỷ đồng. Với kinh phí này, Sở Xây dựng sẽ đặt hàng cho Công ty Công viên cây xanh thực hiện duy trì, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống cây xanh công cộng được giao cho sở quản lý trên địa bàn thành phố. Đối với cây xanh phía biển đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và vỉa hè phía biển Nguyễn Tất Thành, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch quản lý, đấu thầu duy trì bảo dưỡng...

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.