Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) tiếp tục nhấn mạnh nội dung kết nối, hợp tác, liên kết vùng mà Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) đã đặt ra cách đây 15 năm. Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu nhiệm vụ ở phần phát triển kinh tế: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và xúc tiến, huy động nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch và nội dung liên kết, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển.
Phát triển hạ tầng hiện đại là một trong những giải pháp để phát huy vai trò liên kết vùng của Đà Nẵng. Trong Ảnh: Một góc Cụm cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.Ảnh: XUÂN TƯ |
Liên kết vùng chưa đạt như kỳ vọng
Trong 15 năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và sự chủ động phát huy nội lực của địa phương, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bước đầu đã tạo lập và được sự thừa nhận có vai trò trung tâm khu vực trên các lĩnh vực: du lịch, thương mại, vận tải, logistics, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, hạ tầng, đầu tư, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu…
Đặc biệt, thành phố đã kịp thời định hướng phát triển nhanh và khá toàn diện lĩnh vực thương mại, bước đầu đảm nhận vai trò phát luồng bán buôn cho các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên. Hạ tầng du lịch được Đà Nẵng tập trung đầu tư nhằm góp phần đưa du lịch Đà Nẵng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là bước đi cần thiết đối với việc xây dựng không gian kinh tế du lịch thống nhất của vùng…
Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được Trung ương và thành phố đầu tư xây dựng, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường liên kết phát triển kinh tế khu vực như: Hầm đường bộ Hải Vân, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, nút giao thông khác mức ngã ba Huế; hệ thống hạ tầng kỹ thuật kinh tế biển (cảng biển, khu công nghiệp dịch vụ chế biến thủy sản, cảng cá, âu thuyền trú bão, các khu du lịch cao cấp và các tuyến đường ven biển), xây dựng, mở rộng sân bay Đà Nẵng với công suất tiếp nhận 10-12 triệu hành khách/năm(i) v.v... bảo đảm việc kết nối thuận lợi các tỉnh/thành trong khu vực với cả nước và quốc tế. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề được đầu tư phát triển, bước đầu khẳng định vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho các địa phương trong khu vực.
Thành phố cũng đã ưu tiên dành nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng Bệnh viện Phụ sản - Nhi giai đoạn 1 (600 giường), Bệnh viện Ung bướu (500 giường); nâng cấp Bệnh viện Đà Nẵng; xây dựng Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng... nhằm phục vụ có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân thành phố và một số địa phương lân cận...
Từ những năm 2010, lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa gồm cả Bí thư, Chủ tịch các tỉnh/thành đã có nhiều cuộc họp bàn về liên kết vùng, định kỳ họp bàn việc liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, kinh tế biển, đảo, du lịch, khu công nghiệp, về nguồn nhân lực...
Đặc biệt, tháng 11-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2059/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020. Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 thành viên là Chủ tịch UBND của 5 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về các kế hoạch liên kết vùng…
Tuy nhiên, so với mục tiêu mà Nghị quyết 33-NQ/TW đặt ra: xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, có vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... vẫn chưa đạt được như kỳ vọng(1), Đà Nẵng đến nay vẫn “… chưa phát huy và thể hiện rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên. Sự liên kết, hợp tác của thành phố với các địa phương trong vùng và cả nước chưa thường xuyên, thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao”(2).
Phải có quy chế điều phối liên kết vùng
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 có 3 lần nhắc đến cụm từ “kết nối, hợp tác liên kết vùng”. Đặc biệt ở phần nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế, nghị quyết yêu cầu để phát triển nhanh, bền vững, Đà Nẵng phải chủ động “Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và xúc tiến, huy động nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch và nội dung liên kết, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển(3). Đây thật sự là nội dung rất quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của Đà Nẵng nhưng cũng rất khó cho thành phố trong cụ thể hóa thực hiện nếu không có sự vào cuộc của Trung ương.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vai trò trung tâm là thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc với vai trò trung tâm là thành phố Hà Nội chắc việc vận hành liên kết, hợp tác vùng có thuận lợi hơn. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mở rộng là duyên hải miền Trung vừa trải dài, vừa có tính tương đồng khá cao trong các điều kiện phát triển (vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế…) khiến việc liên kết không những khó hơn, mà ở khía cạnh nào đó, còn tạo ra sự cạnh tranh rất lớn trong thu hút nguồn lực.
Mặt khác, nói về sự “vào cuộc” của các cơ quan Trung ương, ở Báo cáo 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Thường vụ Thành ủy cũng nêu lên một khó khăn khiến cho việc dù thành phố đã có nhiều cố gắng song cũng chưa tạo được kết quả thành công lớn nào về sự liên kết vùng với vai trò Đà Nẵng là trung tâm, đó là “Về phía các cơ quan Trung ương, việc quán triệt, nâng cao nhận thức, thể chế hóa thực hiện các mục tiêu, định hướng của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận 75-KL/TW, nhất là về vị trí, vai trò động lực của Đà Nẵng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa thật rõ nét, chưa thật sự xứng tầm, dẫn đến việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức, cán bộ, tài chính, ngân sách, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng… nhìn chung còn chậm, chưa đủ mạnh. Một số nội dung, nhiệm vụ cụ thể nêu trong Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận 75-KL/TW đến nay chậm, chưa triển khai hoặc triển khai chưa đảm bảo theo chủ trương đề ra, ảnh hưởng đến việc giúp Đà Nẵng tăng tốc phát triển, phát huy vai trò đầu tàu, lan tỏa, là một cực phát triển, trung tâm phối hợp các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển trong vùng”(4).
Khắc phục khó khăn, hạn chế này, tại Đề án tổng kết 15 năm Nghị quyết số 33-NQ/TW, thành phố đã đề ra các giải pháp và cơ chế giúp Đà Nẵng phát huy vai trò trung tâm của miền Trung, đô thị lớn của cả nước, tạo sức lan tỏa thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập quốc tế, gồm các nội dung: xác định vị trí vai trò của Đà Nẵng trong liên kết phát triển vùng và xây dựng vùng đô thị Đà Nẵng; về đẩy mạnh liên kết, hợp tác vùng; về phát triển hạ tầng hiện đại, kết nối miền Trung và phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây, tiểu vùng Mêkông… Gần đây nhất, vào giữa tháng 2-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đã dự hội nghị giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có nhìn nhận hạ tầng giao thông khu vực miền Trung ngày càng được hoàn thiện cả về hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ.
Toàn vùng đã hình thành được 11 khu kinh tế ven biển với nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, hứa hẹn những đổi thay to lớn trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn các tỉnh, thành miền Trung cần tận dụng tốt hơn nguồn lực đất đai, con người trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt cần chú trọng yếu tố liên kết vùng trong phát triển, nhất là trên lĩnh vực du lịch, phối hợp xây dựng các tour, tuyến du lịch; làm đường ven biển, nghiên cứu hình thành liên kết các cảng du lịch để phát huy thế mạnh du lịch biển.
Cùng với đó là nâng cấp sân bay, mở cửa bầu trời để thu hút khách du lịch quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa… Và để tạo đột phá phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng, toàn vùng miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh, thành phố) nói chung, tại hội nghị này, nhiều đại biểu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng Quy chế điều phối, liên kết Vùng duyên hải miền Trung.
Các đại biểu cũng đề nghị Trung ương ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch, trong đó tập trung các dự án mang tính kết nối như nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư vào miền Trung trên các lĩnh vực thế mạnh như: du lịch, công nghiệp chế tạo, chế biến giá trị gia tăng cao, nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp phục vụ du lịch, về bảo vệ môi trường, trồng rừng, nhất là đầu nguồn, rất quan trọng ở khu vực này… Mong rằng những nội dung trên sẽ được đề xuất, tổ chức thực hiện có kết quả, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW trong những năm đến.
PHẠM QUÝ
(1) Báo cáo 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Thường vụ Thành ủy.
(2) Trích Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).
(3) Điểm thứ 10 về nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế ở Nghị quyết số 43-NQ/TW.
(4) Báo cáo 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Thường vụ Thành ủy.
(i) Tính đến tháng 6-2018, có 31 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, tăng 3,9 lần so với năm
2012, trong đó: 14 đường bay trực tiếp thường kỳ và 17 đường bay trực tiếp thuê chuyến với tần suất 269 chuyến/tuần, đến từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Campuchia, v.v...