Hiệu quả từ một chương trình phối hợp

.

Qua 5 năm thực hiện, chương trình phối hợp giữa Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố (Hội TT&BVQTE) với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) về hỗ trợ giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo đã mang lại nhiều kết quả khả quan, thiết thực góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội của thành phố.

Tặng xe đạp cho học sinh con hộ nghèo trong chương trình phối hợp.
Tặng xe đạp cho học sinh con hộ nghèo trong chương trình phối hợp.

Chị Phùng Thị Tuyết Nhung, 41 tuổi, ở thôn La Châu, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) là phụ nữ đơn thân, nuôi hai con nhỏ, làm nông nhưng ít đất, thu hoạch vụ trước chỉ mong đủ gạo ăn đến vụ sau. Ba mẹ con ở trong một căn nhà tạm, quanh năm nắng dọi mưa dột với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn triền miên.

Vì lẽ ấy, tổ ấm mới là giấc mơ xa tầm với của họ. Chương trình phối hợp giữa Hội TT&BVQTE với Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ chị Nhung 50 triệu đồng để xây nhà; đồng thời, hỗ trợ học bổng dài hạn và nhiều đồ dùng học tập cho hai con của chị Nhung. Nhờ đó, gia đình chị từng bước vượt khó vươn lên, đời sống ngày càng ổn định hơn.     

Tương tự, chị Trịnh Thị Lưu, 56 tuổi, ở khu dân cư Hải An, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) nhiều năm qua đơn thân nuôi con bằng nghề bán trái cây. Mới đây, chương trình phối hợp giữa Hội TT&BVQTE với Sở LĐ-TB&XH không chỉ hỗ trợ chị Lưu 20 triệu đồng mua xe nước mía kết hợp bán nước giải khát mà còn hỗ trợ con lớn của chị 12 triệu đồng học nghề nấu ăn. Bây giờ, con của chị đã xin được việc làm ở một khách sạn, thu nhập của chị cũng được cải thiện. Từ đó, gia đình chị vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Tôi vừa bán trái cây, vừa bán nước mía nên mỗi ngày được hơn 200.000 đồng, còn con gái làm nhân viên nấu bếp lương trên 5 triệu đồng/tháng”, chị hồ hởi khoe.

Trên đây là 2 trong hàng trăm trường hợp được chương trình phối hợp hỗ trợ, đem lại hiệu quả thiết thực. Chỉ riêng năm 2018, chương trình đã hỗ trợ giảm nghèo đa chiều cho 51 hộ nghèo có trẻ em; hỗ trợ xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”; tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho hàng trăm trường hợp về bảo vệ quyền trẻ em, truyền thông ngăn ngừa trẻ em bỏ học, phòng chống mua bán, xâm hại tình dục trẻ em.

Mới đây, chương trình trao 600 suất quà cho trẻ em khó khăn và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi suất từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đặc biệt, việc hỗ trợ học nghề cho thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình phối hợp đạt nhiều kết quả khả quan.

Đơn cử, anh Lê Đình G., 21 tuổi, ở quận Thanh Khê - con của một phụ nữ đơn thân nghèo, được hỗ trợ kinh phí, học nghề pha chế thức uống tại Trường Cao đẳng Việt Úc, hiện đã có việc làm ổn định tại khu nghỉ dưỡng ven biển Non Nước với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng. Cùng hoàn cảnh, chị Võ Thị H. ở khu dân cư Khái Tây, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) được hỗ trợ kinh phí học nghề làm bánh, hiện có thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng...

Theo Chủ tịch Hội TT&BVQTE thành phố Lê Thị Tám, thời gian tới, chương trình phối hợp tập trung vào các nội dung trọng tâm: đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dịch vụ về trẻ em; tổ chức “Diễn đàn trẻ em”, “Ngày hội tuổi thơ”, đối thoại “Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”; đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả các nội dung phối hợp thường niên.

“Những nội dung mới trong chương trình phối hợp là 2 đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em; kịp thời hỗ trợ các trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, trẻ em lao động sớm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, bà Tám nhấn mạnh.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.