Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét những vấn đề cụ thể

.

Ngày 30-5, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Sơn và ĐB Võ Thị Như Hoa (Đoàn Đà Nẵng) tham gia phát biểu thảo luận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại phiên thảo luận ngày 30-5.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại phiên thảo luận ngày 30-5.

Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, Nhà nước quản lý xã hội, quản lý đất nước bằng pháp luật. Một hệ thống pháp luật đồng bộ sẽ là điều kiện quyết định việc vận hành quản lý xã hội một cách thống nhất, bảo đảm cho đất nước phát triển ổn định và đúng định hướng. Nhưng nếu bản thân hệ thống ấy thiếu đồng bộ, xung đột với nhau thì hệ lụy sẽ có thể rất khôn lường. ĐB Nguyễn Bá Sơn dẫn câu chuyện về bãi rác Khánh Sơn của Đà Nẵng là một trong những ví dụ điển hình. Thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 200 ngày nữa là đến thời điểm bắt buộc phải đóng cửa bãi rác này. Cách đây hơn 3 năm, chính quyền thành phố đã chủ động triển khai các bước chuẩn bị cho một dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải gồm thuê tư vấn, tìm kiếm công nghệ, địa điểm, nhà đầu tư, hình thức đầu tư. Nhưng sau gần 3 năm vẫn bằng không. ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, xử lý rác thải thì phải làm dự án xử lý rác thải, nhưng đốt rác chuyển hóa thành năng lượng điện thì lại chuyển thành dự án phát điện và phải phù hợp với quy hoạch của ngành điện được Chính phủ phê duyệt. “Rốt cuộc đó là dự án điện hay là dự án xử lý rác thải. Chính quyền, nhà đầu tư thì bị cuốn vào một ma trận các quy định, còn người dân trong vùng dự án “cứ yên tâm kéo dài sự đau khổ” vì ô nhiễm”, ĐB Sơn nói.

Cũng theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng là một yêu cầu cấp bách. Xã hội hóa, liên doanh liên kết là con đường duy nhất đáp ứng nhanh chóng những yêu cầu thực tiễn công tác khám chữa bệnh, chăm sóc y tế trên địa bàn thành phố và khu vực trong hoàn cảnh bệnh viện này đang bị áp lực tăng 200% so với khả năng. Vậy mà sau hơn 2 năm, dự án này vẫn chưa thể triển khai được. Không phải không có nhà đầu tư, cũng không phải thiếu nguồn lực mà nguyên nhân của tình trạng trên là Nghị định số 93 của Chính phủ thiếu nhiều quy định về thủ tục thực hiện quy trình liên doanh, liên kết, về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, về cho thuê đất, chủ thể ký hợp đồng, hình thức hợp đồng…

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe công cộng và đã có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thế nhưng không ai lại đi bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua đấu giá một khu đất ở trung tâm đô thị vốn dĩ rất đắt, để làm bãi đậu xe rồi thu về từng khoản nhỏ mà nếu đầu tư vào những ngành nghề khác thì sẽ thu về những khoản lợi nhuận lớn hơn rất nhiều lần. Bãi đỗ xe công cộng sẽ chỉ là những mơ ước, dự định tốt đẹp mà không thể thành hiện thực nếu không có những cơ chế phù hợp. Từ thực tế đó, ĐB Nguyễn Bá Sơn kiến nghị QH và Chính phủ sớm rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất giữa các luật: Đầu tư công, Đất đai, Bảo vệ môi trường, Xây dựng, Đấu thầu, Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành sao cho thống nhất... và theo tinh thần hậu kiểm, mở đường cho sự phát triển.

ĐB Nguyễn Bá Sơn kiến nghị QH, Chính phủ quan tâm, xem xét những vấn đề cụ thể của Đà Nẵng. Đó là, kể từ năm 2017, khi những vụ việc sai phạm tại Đà Nẵng được phát hiện, thanh tra, điều tra, đến nay vẫn còn nhiều vụ việc chưa được kết thúc. Các cuộc thanh tra, điều tra liên quan đến dự án Đa Phước, bán đảo Sơn Trà, sai phạm trong việc quản lý và sử dụng tài sản công trên địa bàn thành phố là trung tâm sự quan tâm của cử tri thành phố và cả nước mà cho đến nay vẫn chưa dứt điểm được... Dư luận bức xúc, nhân dân, cử tri nêu nhiều kiến nghị với Đoàn ĐBQH; cán bộ, công chức ở các cơ quan liên quan thì lo lắng, dao động, thiếu kiên quyết, thiếu năng động trong thực thi công vụ dẫn đến hiệu quả công việc không cao. Theo ĐB Sơn, đã có cử tri đặt vấn đề với ĐBQH thành phố rằng tại sao việc thanh tra, điều tra kéo dài như thế, các vị có dám cam kết với nhân dân rằng không có điều gì khuất tất, tiêu cực hay chạy chọt trong các quá trình thanh tra, điều tra hay không? Do vậy, ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời giúp câu hỏi này của cử tri thành phố.

Liên quan đến các hộ dân tái định cư thuộc diện hộ nghèo, khó khăn đang đang nợ tiền đất tái định cư tại thành phố, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho biết, tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã có nhắn nhủ rằng “…chúng ta sẽ tháo gỡ phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn, khả thi, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân…”. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 tháng, tức là thêm hơn 6 tháng người dân ngóng chờ một quyết định của Thủ tướng. ĐB rất mong Thủ tướng sớm giải quyết để dân an cư lạc nghiệp.

Về việc thực hiện Kết luận số 2852 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, thời gian qua, Đà Nẵng đã làm được một số nội dung quan trọng như: ban hành Thông báo Kết luận số 331/TB-TU của Ban thường vụ Thành ủy; rà soát tổng thể quy hoạch chung khu vực trung tâm thành phố; khu vực bán đảo Sơn Trà; thu hồi đất mở các bãi tắm mới, các lối xuống biển; rà soát điều chỉnh các dự án tạo thông thoáng hai bên bờ sông Hàn theo hướng phát triển bền vững; điều chỉnh được 25% dự án cấp sai thời gian sử dụng đất từ lâu dài; thu hồi gần 1.000 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước do tính giá đất chưa sát thực tế, do giảm giá tiền sử dụng đất... ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, tuy đã rất cố gắng, nỗ lực khắc phục sai phạm nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn mà bản thân nội tại không thể tự giải quyết được so với quy định pháp luật hiện hành, nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi trường đầu tư, khiếu kiện kéo dài.

Trên tinh thần tạo điều kiện cho địa phương khắc phục được những sai sót; làm tốt nhiệm vụ được giao theo luật định; đánh giá, xem xét những sai phạm không chỉ dừng lại ở từng vụ việc, dự án mà là những chính sách đặc thù, phổ quát, thể hiện tính năng động, sáng tạo thuộc về lịch sử, không đánh giá sự việc khi mang quan điểm hôm nay xem xét sự việc đã xảy ra cách đây hàng chục năm trước, nhất là những tồn tại của những dự án có yếu tố nước ngoài thông qua những thỏa thuận nguyên tắc. ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị QH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có sự hỗ trợ tích cực, có nhiều giải pháp “đặc biệt” chưa có trong quy định để giúp Đà Nẵng thực hiện dứt điểm kết luận của Thanh tra Chính phủ, giải phóng nguồn lực để nâng cao tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), nhằm thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham gia thảo luận, ĐB Võ Thị Như Hoa bày tỏ thống nhất với ý kiến của ĐB Nguyễn Bá Sơn đã phát biểu, theo đó công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế còn nhiều bất cập và cần phải có sự đánh giá bổ sung. Theo ĐB Võ Thị Như Hoa, đầu tiên phải kể đến tình trạng nợ đọng nghị định hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn khá phổ biến, việc chậm ban hành nghị định để thực thi khiến cho các luật này không thể đi vào cuộc sống; sự phản ứng chính sách của Chính phủ cũng như các bộ, ngành còn chậm. Để khắc phục triệt để vấn đề này, ĐB Võ Thị Như Hoa đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, phân tích cụ thể về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ hàng năm. Trong đó, cần phải xem xét cả động cơ của một số bộ, ngành về việc chậm tham mưu ban hành nghị định của Chính phủ để  phục vụ lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình hay lợi ích nhóm để có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Vũ Hưng

 

;
;
.
.
.
.
.