Dân vận khéo theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

.

Trong câu kết của bài “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật, số 120, ngày 15-10-1949, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tinh thần đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đặc biệt, từ đổi mới (1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều quyết sách có liên quan, nhờ đó trên thực tế công tác dân vận đã được triển khai thường xuyên, sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới; nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị - xã hội được kiện toàn, củng cố, đổi mới phương thức hoạt động; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Đã có nhiều hình thức vận động nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.

Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia thực hiện giao dịch công trực tuyến góp phần tạo đột phá trong cải cách hành chính của thành phố. TRONG ẢNH: Người dân được tuyên truyền, hướng dẫn tham gia đăng ký dịch vụ công trực tuyến tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.                      Ảnh: D.MINH
Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia thực hiện giao dịch công trực tuyến góp phần tạo đột phá trong cải cách hành chính của thành phố. TRONG ẢNH: Người dân được tuyên truyền, hướng dẫn tham gia đăng ký dịch vụ công trực tuyến tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: D.MINH

Mặc dù phương châm “gần dân, trọng dân” luôn được Bác Hồ khẳng định và nêu gương thực hành, và tất cả điều này đã thể hiện rõ trong nội dung các chuyên đề học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm của hệ thống chính trị, nhưng hiện tại, không ít cấp ủy, chính quyền chỉ coi đó như là khẩu hiệu. Đâu đó vẫn có tình trạng các quyết sách, những dự án, những chương trình của bộ, ban ngành, địa phương liên quan đến quốc kế, dân sinh dường như dân chưa được biết, bàn thảo, hiến kế.

Thậm chí khi kết thúc một công trình, một dự án, dân không biết nguồn quỹ do mình đóng góp đã được sử dụng ra sao. Từ việc không coi trọng ý kiến của những người bình thường trong cách xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện chính sách công, tất yếu đẻ ra sự lộng hành, quan liêu, đi liền với đó là nạn tham nhũng... Đó chính là dấu hiện cho thấy sự tha hóa quyền lực đã xuất hiện, đó là mắt xích yếu nhất để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm cán bộ, đảng viên sa ngã, làm suy yếu chính quyền,... làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Để khắc phục, ngăn chặn những bệnh trên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với những người nắm giữ các trọng trách trong các tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước các cấp cần thấu triệt những điều Bác nhắc nhở: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Dân vận khéo là phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ. Bởi “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” và “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định rõ mục tiêu công tác dân vận là: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phát huy những thành tựu đạt được, trước những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đòi hỏi công tác dân vận của hệ thống chính trị cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tăng cường quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định về công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác dân vận, xác định rõ công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của đoàn viên, hội viên, đoàn viên lực lượng vũ trang, thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo công tác dân vận “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội làm tham mưu và nòng cốt”.

Hai là, xây dựng, cụ thể hóa bởi các định chế, phản ánh mức độ “trọng dân, gần dân” của các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý. Nội dung các định chế này cần phản ánh tương đối toàn diện năng lực nắm bắt nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân; bàn luận dân chủ, kỹ lưỡng với dân trong quá trình xác lập những chủ trương và giải pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển đó. Tính đúng đắn, hiệu lực - khả thi và có hiệu quả của các quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh là bộ tiêu chí không chỉ phản ánh năng lực hoạch định, cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước của mọi cấp độ chủ thể có thẩm quyền mà còn phản ánh hàm lượng “gần dân, trọng dân” của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cái phản ánh tài và đức của người có trọng trách, người đứng đầu.

Ba là, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo; lấy đoàn kết trong Đảng bộ, chính quyền làm hạt nhân, làm cơ sở quan trọng để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc đối thoại, lắng nghe ý kiến, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, mở rộng dân chủ, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ở cơ sở, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo môi trường ổn định, sự đồng thuận trong xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Bốn là, hệ thống cơ quan dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội cần tập trung tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chủ động phối hợp với chính quyền quán triệt, triển khai và thực hiện có hiệu quả các quyết sách của Đảng, Nhà nước. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng sinh hoạt, kết quả hoạt động, hiệu quả tổ chức các phong trào thi đua; dự báo, nắm chắc tình hình nhân dân, phát hiện kịp thời những vấn đề bức xúc xã hội, các kiến nghị, đề xuất của nhân dân để tham mưu giải quyết khi mới phát sinh ngay tại cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết của Đảng bộ các cấp đã đề ra.

PGS, TS HỒ TẤN SÁNG

;
;
.
.
.
.
.