Mặc dù dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt (ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được tỉnh thông tin đây là một trong những công nghệ đốt tiên tiến và phù hợp nhất hiện nay trong điều kiện của Việt Nam; tuy nhiên, nhiều người vẫn lo âu về ô nhiễm môi trường.
Nước rỉ rác từ bãi rác Đại Hiệp đang ngấm vào lòng đất và tự chảy về khu vực trũng, chưa thực hiện giải pháp xử lý. |
Mặc dù dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt (ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được tỉnh thông tin đây là một trong những công nghệ đốt tiên tiến và phù hợp nhất hiện nay trong điều kiện của Việt Nam; tuy nhiên, nhiều người vẫn lo âu về ô nhiễm môi trường.
Trước đó, vào ngày 23-5, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng có công văn đề nghị HĐND và UBND thành phố quan tâm đến dự án lò đốt rác thải sinh hoạt nêu trên và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng xử lý, điều chỉnh vị trí dự án cũng như có các chỉ đạo giải quyết để không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Yên cấp nước cho thành phố Đà Nẵng.
Dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3460/QĐ-UBND ngày 15-11-2018, do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư dự án là 98 tỷ đồng với tổng công suất xử lý rác 240 tấn/ngày, gồm 2 modul xử lý rác với công suất 5 tấn/giờ/modul và các hạng mục kèm theo như: nhà làm việc, nhà kho, nhà lưu chất nguy hại, trạm cân, hệ thống cấp điện và cấp nước, hố chứa tro xỉ, bể sinh học, hệ thống xử lý nước thải, nhà chứa rác, đường giao thông…
Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ĐTM vào ngày 23-1-2019 và được phê duyệt đơn giá tạm thời xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt là 390.000 đồng/tấn vào ngày 2-5-2019 (đơn giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng chưa bao gồm chi phí xử lý tro xỉ và áp dụng trong thời hạn 1 năm kể từ khi dự án chính thức đi vào hoạt động).
PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, với đơn giá đốt rác chỉ 390.000 đồng/tấn là quá thấp, đơn giá này chứng tỏ trình độ công nghệ xử lý rác của dự án nói trên là không cao. Theo đánh giá của tôi, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam với đơn giá xử lý trên 25 USD/tấn (hơn 550.000 đồng/tấn) mới chấp nhận được, trong đó, tỉnh Quảng Bình đã có công nghệ xử lý rác với đơn giá đến 800.000 đồng/tấn”.
Qua tìm hiểu, lãnh đạo một số doanh nghiệp về xử lý rác lại tỏ ra bất ngờ với suất đầu tư dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa lại quá thấp với chỉ 98 tỷ đồng cho công suất xử lý rác 240 tấn/ngày, không cần phải đầu tư thêm thiết bị thu nhiệt, phát điện. Trong khi đó, các nhà máy đốt rác có công nghệ hiện đại có tổng mức đầu tư quá cao, phải kết hợp phát, bán điện để bảo đảm khả năng hoàn vốn và hiệu quả đầu tư dự án.
Chẳng hạn, nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng cho công suất xử lý rác 400 tấn/ngày. Còn dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Khánh Sơn (Đà Nẵng) đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư lại có tổng mức đầu tư dự kiến đến 80 triệu USD (1.650 tỷ đồng) cho công suất xử lý rác 650 tấn/ngày. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam cho hay: “Với công nghệ này (công nghệ của dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa-PV) mà có đơn giá xử lý rác như vậy (390.000 đồng/tấn) là quá “ngon”. Đây là lò đốt rác nông thôn, không có xử lý tro bay”.
Còn TS Quách Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững, (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố) lo ngại: “Các lò đốt rác thải sinh hoạt nếu không có công nghệ đốt tiên tiến thì phát sinh các thành phần dioxin gây hại đến môi trường. Đây là một nhược điểm của công nghệ đốt rác nên cần phải đầu tư công nghệ tiên tiến để tránh phát sinh dioxin hoặc thực hiện các giải pháp thay thế đốt rác, nhất là giải pháp giảm thiểu rác và tăng cường tái sử dụng, tái chế rác”.
Khu vực dự kiến triển khai dự án lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa. |
Đáng nói, dự án lò đốt rác thải sinh hoạt ở xã Đại Nghĩa hiện đang vấp phải sự phản ứng, lo ngại về ô nhiễm môi trường của người dân xã Đại Hiệp và Đại Nghĩa. Người dân cho rằng, nước rỉ rác và nước mưa từ bãi rác Đại Hiệp chảy xuống hạ lưu làm ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi thủy sản. Nếu xây dựng thêm lò đốt rác thải sinh hoạt ở xã Đại Nghĩa (phía trên bãi rác Đại Hiệp) sẽ có thêm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường như: tro xỉ, tro bay, khói thải, nước thải và nước rỉ rác…
“Nhiều người dân phản đối xây dựng lò đốt rác thải tại xã Đại Nghĩa vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường, nhất là khói bụi và nước thải chảy về ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân”, ông Võ Văn Kê (người dân thôn Hòa An, xã Đại Nghĩa) nói.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển thành phố Đà Nẵng, chuyên gia của Ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực Vu Gia - Thu Bồn cho rằng: “Trong thời gian, Quảng Nam và Đà Nẵng phối hợp rất tốt về nguồn nước, thậm chí, Quảng Nam đã hy sinh cả một nhánh sông Quảng Huế để Dawaco đắp đập chặn sông, đưa nước sông Vu Gia chảy về Đà Nẵng. Tiếp cận công nghệ đốt rác thải sinh hoạt là một giải pháp tốt, còn một số vấn đề còn lại, chắc chắn tỉnh Quảng Nam sẽ nghiên cứu, khắc phục để bảo đảm môi trường và dân sinh. Riêng đối với lo ngại nước rỉ rác và chất thải theo nước mưa chảy về sông, cần được xem xét, ghi nhận, đánh giá thêm vào mùa mưa”.
Vị trí triển khai dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt chỉ cách cầu Ái Nghĩa bắc qua sông Vu Gia 3,4km về phía nam và cách (gần nhất) bờ sông Yên chỉ 3,8km về phía đông, cách đập dâng An Trạch chỉ 7km về phía đông bắc, cách hồ Đồng Nghệ 3,5km và cách khu dân cư ở hạ lưu hồ Đồng Nghệ khoảng 4km. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP