Phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) là địa bàn có nhiều dự án triển khai. Số hộ bị ảnh hưởng do giải tỏa mặt bằng rất lớn. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phường Hòa Hải xác định nhiệm vụ đặt ra cho công tác dân vận, vận động nhân dân trong giải tỏa đền bù để đẩy nhanh tiến độ các dự án là rất quan trọng.
Tổ vận động phường Hòa Hải đang vận động hộ ông Nguyễn Quốc Tý ở tổ 47, tại dự án FPT sớm bàn giao mặt bằng. |
Hộ ông Nguyễn Quốc Tý, tổ 47 thuộc diện di dời khi triển dự án FPT ở phường Hòa Hải. Do chưa thống nhất về quyền lợi trong chính sách giải tỏa đền bù, nên ông Tý cùng 3 hộ khác là hộ Đoàn Công Phú, Huỳnh Phước Diên và Huỳnh Thị Bồng (đều ở tổ 46, 47 phường Hòa Hải, cùng dự án FPT) không chịu bàn giao mặt bằng, không nhận đất tái định cư theo quy định.
Sau nhiều lần vận động, giải thích chủ trương, chính sách của thành phố cho các hộ nghe, hiểu và chia sẻ, Tổ vận động phường đã thuyết phục được các hộ ông Tý và ông Diên bàn giao mặt bằng vào dịp cuối năm 2018. Đến nay, các hộ này đã nhận đất tái định cư, xây dựng và sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
“Các hộ này đã có quyết định cưỡng chế bàn giao mặt bằng theo quy định. Tuy nhiên, Tổ vận động của phường đã tích cực vận động, bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu” cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ; từ đó có kiến nghị phù hợp lên Hội đồng giải phóng mặt bằng quận và UBND thành phố xem xét, giải quyết. Kết quả, 2 hộ ông Tý và ông Diên đã bàn giao mặt bằng mà không cần cưỡng chế. Hiện còn 2 hộ bà Bông và ông Phú, dự kiến ngày 8-5 sẽ cưỡng chế, nhưng Tổ vận động của phường khẳng định sẽ tích cực vận động để họ bàn giao không phải cưỡng chế”, ông Huỳnh Phước Thạch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hải cho biết.
Theo ông Thạch, ở phường Hòa Hải, dự án triển khai nhiều, số hộ ảnh hưởng lớn, nhưng nhiều hồ sơ đất còn vướng về tính pháp lý, nhất là các văn bản dưới luật như Chỉ thị số 299/CT-TTg của Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước, Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, Chỉ thị 10-CT/TU của Thành ủy về tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai… Vì vậy, việc xác định thời gian và hạn mức đất ở còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người dân, gây khó khăn cho công tác vận động.
Bên cạnh đó, quá trình di dời các nhà thờ tộc, mồ mả ảnh hưởng đến tư tưởng ăn sâu trong cuộc sống người dân bao đời nay. “Để làm tốt công tác vận động, yêu cầu đầu tiên là phải bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân. Mặt khác, Tổ vận động phường phân công các thành viên trực tiếp đứng điểm địa bàn từng tổ dân phố, khu dân cư, theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng của người dân vùng giải tỏa, vận động thuyết phục từng hộ, đồng thời giải thích những điều chưa rõ, công khai chế độ, chính sách giải tỏa đền bù cho dân biết. Tổ vận động thường xuyên họp báo cáo kết quả công tác vận động để rút kinh nghiệm những khó khăn, vướng mắc; từ đó, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất hợp lý, chính đáng của dân với Hội đồng giải phóng mặt bằng quận và thành phố giải quyết kịp thời. Đối với những hộ chây ỳ, tổ vận động cử cán bộ dân vận, cốt cán, người có uy tín, kinh nghiệm, tiếp cận và kiên trì thuyết phục họ thuận theo”, ông Thạch nói.
Ông Huỳnh Văn Nhân, Bí thư chi bộ khu dân cư 10A phường Hòa Hải, cho biết khu vực ông ở thuộc dự án FPT và đường vành đai phía nam, có trên 50 hộ trong khu vực bị ảnh hưởng phải di dời, nhưng nhờ công tác dân vận, vận động nhân dân tốt nên các hộ đã sớm bàn giao mặt bằng, không hộ nào phải cưỡng chế hành chính.
“Trong công tác dân vận, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, ngoài nắm rõ chủ trương, chính sách về giải tỏa, đền bù của thành phố, thì sự kiên trì cũng như cách diễn giải để người dân nghe và hiểu, từ đó thực hiện đúng chủ trương giải tỏa của thành phố là rất quan trọng”, ông Nhân nói.
Trước thực tế công tác vận động thời gian qua, ông Thạch kiến nghị thành phố và Hội đồng giải phóng mặt bằng cần có các giải pháp, biện pháp hỗ trợ hợp lý đối với số hộ di dời trước so với hộ đi sau trong cùng một dự án, cùng dạng hồ sơ để tránh “người đi trước thiệt hơn người đi sau”. Có như thế, quá trình vận động, công tác dân vận giải phóng mặt bằng mới thuận lợi, nói dân nghe được”.
Phường Hòa Hải có gần 50 dự án triển khai, là tâm điểm đề án quy hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố và quận Ngũ Hành Sơn. Tính từ năm 2010 đến nay, thông qua 30 dự án, đã vận động nhân dân bàn giao hơn 1.594 hồ sơ đất nhà ở; 4.243 hồ sơ đất nông nghiệp; 25.235 ngôi mộ; 1 chùa; 3 đình làng; 1 trường mầm non; trụ sở UBND phường; 20 nhà thờ chi phái tộc; hơn 40 lăng, miếu xóm. |
TRỌNG HUY