* Lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp
Ngày 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Theo báo cáo của Chính phủ, về quản lý tài chính về đất đai, các nguồn thu từ đất, theo báo cáo của 57 địa phương, nguồn thu ngân sách Nhà nước đối với đất đô thị tăng dần hằng năm từ 2014-2018; với tổng số thu ngân sách Nhà nước hơn 372.000 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh trên 342.000 đơn khiếu nại với khoảng 156.000 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này). Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính Nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân gần 1.400 tỷ đồng, 772ha đất...
Vấn đề giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), hiện nay, giá đất rất bất cập, không sát với thị trường gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh kịp thời khung giá đất, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất, các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu quan điểm, giá đất, định giá đất là khâu cơ bản để xây dựng hệ thống tài chính đất đai lành mạnh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, nguồn thu từ đất bị thất thoát, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và có nhiều điểm bất hợp lý.
Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định liên quan đến việc định giá đất còn nhiều bất cập. Trong khi đó, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn tồn tại quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm. Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh có xu hướng tăng lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh… Đồng thời, các khu tái định cư cho người dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị thấp.
* Chiều cùng ngày, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về 4 nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn tại kỳ họp thứ 7, dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 6-6.
Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất là lĩnh vực liên quan đến an ninh trật tự, gồm các nội dung: công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen,” tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định và sử dụng ma túy, chất kích thích, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trách nhiệm trả lời chính trong nội dung này là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Cùng tham gia giải trình có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Quốc phòng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và xã hội, Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nhóm vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu quan tâm là lĩnh vực xây dựng, trong đó có các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (codotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các bộ có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng cùng tham gia chất vấn, giải trình các vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời, bao gồm xử lý những vấn đề vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư quốc lộ, đường bộ cao tốc và trách nhiệm của Bộ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Nhóm vấn đề thứ tư liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công an cùng giải trình những vấn đề có liên quan. Nội dung chất vấn liên quan quản lý nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, quản lý nguồn thu từ du lịch tâm linh và các di tích tham quan thắng cảnh; quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng sẽ trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến Chính phủ.
Theo TTXVN