Người lao động ở các cơ sở xã hội: Trăn trở với 'bài toán' kinh tế

.

Chủ  trương chuyển các cơ sở xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về cho các tổ chức xã hội quản lý trực tiếp đã góp phần giảm gánh nặng nguồn ngân sách của thành phố. Tuy nhiên, người lao động tại các cơ sở này vẫn còn nhiều thiệt thòi mà chưa có hướng giải quyết…

Lương của nhân viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi ở mức 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Lương của nhân viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi ở mức 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Thành lập và đi vào hoạt động trên chục năm nay, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng đã trở thành ngôi nhà chung của hàng trăm trẻ em bị di chứng do chất độc da cam. Ở nơi đây, tùy theo tình trạng bệnh tật, các em sẽ được dạy một số nghề, như: làm hương, làm thiệp, may, thêu... Nhờ đó, nhiều em đã sống hòa nhập xã hội; một số em có gia đình riêng.

Ở thời điểm hiện tại, trung tâm có gần 50 em theo học, được miễn phí hoàn toàn mọi thứ, kể cả bữa cơm trưa. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự biết ơn với trung tâm vì chỉ có nơi đây, con của họ không những được học nghề, vui chơi mà còn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Thế nhưng, theo kiểu nói nửa đùa, nửa thật của bà Võ Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm thì: “Chúng tôi mới “vui có một nửa”. Tức là vui cho trẻ, còn giáo viên thì hầu hết thuộc diện... nghèo”. Theo bà, 11 giáo viên và nhân viên của Trung tâm, người có thâm niên nhất cũng chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, người mới vô làm nhận 2 triệu đồng/tháng. Thương người lao động, Trung tâm “kêu” mãi thì Hội Nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố (đơn vị chủ quản) mới hỗ trợ thêm thẻ BHYT”.

Tương tự, công việc của những “bà mẹ của trẻ em bị bỏ rơi” ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi (thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật thành phố) vất vả cả ngày lẫn đêm nhưng đồng lương rất ít ỏi. 6 nhân viên tại Trung tâm, người thâm niên nhất là 4 triệu đồng/tháng, còn người mới làm thì ở mức 3-3,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, mỗi người được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng tiền ăn.

Theo chị Lê Thị Mỹ, người phụ trách Trung tâm, những người làm việc tại đây đều vì yêu thương trẻ nên mới cố gắng. Không chỉ quần quật 24 tiếng/ca, nhân viên còn không dám đóng cánh cửa của Trung tâm vì sợ đêm hôm, có người bỏ con ở ngoài đường sẽ nguy hiểm cho trẻ.

Còn chị L.T.H, giáo viên nghề ở Làng Hy Vọng (thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ nghèo và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng) nhận định: “Không ai vào đây làm vì tiền, bởi người cao nhất thu nhập tầm 4-4,5 triệu đồng/tháng, giáo viên mới thì khoảng 3 triệu đồng. Nhưng lỡ yêu thương những mảnh đời thiệt thòi, mọi người đều bám trụ”.

Chia sẻ những khó khăn này, ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc Làng Hy Vọng cho biết: “Từ giữa năm 2016, khi Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ chấm dứt gói tài trợ 30.000 USD/năm cho Làng thì vấn đề kinh phí duy trì nuôi dạy hơn 100 cháu cũng như chính sách tiền lương, các khoản hỗ trợ cho trên 20 cán bộ, công nhân viên của Làng rất khó khăn. Trường hợp chúng tôi xin được nguồn tài trợ nào từ nước ngoài thì cũng dành 100% cho trẻ của Làng, tuyệt đối không dành cho người lớn. Đó là nguyên tắc của các nhà tài trợ nên chúng tôi chưa thể giải quyết được khó khăn cho người lao động”.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, những người có hoàn cảnh khó khăn nói chung được nuôi dưỡng tại các cơ sở xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, những năm qua, thành phố đã thực hiện việc chuyển các cơ sở xã hội, từ thiện, nhân đạo về các Hội trực tiếp quản lý và vận động các nguồn tài chính để duy trì.

Đây là một chủ trương đúng đắn, giảm bớt gánh nặng ngân sách thành phố, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ những người kém may mắn. Hàng ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được cưu mang chăm sóc, thậm chí là được cứu sống; nhiều em trưởng thành, có gia đình riêng hạnh phúc... Tuy nhiên, người lao động ở những nơi này vẫn còn loay hoay với “bài toán” kinh tế; chỉ mới giúp trẻ bất hạnh chứ chưa lo được cho bản thân. Do đó, nguyện vọng chung của họ là thành phố quan tâm giải quyết vấn đề này.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.