Những người kết nối yêu thương

.

3 giờ sáng, chuông điện thoại reo vang, chị Trần Thị Diệu Hiền, Phó phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) giật mình thức giấc. Phía đầu dây, giọng một người phụ nữ hốt hoảng: “Chị ơi con em giờ này vẫn chưa về”. Vội vàng, chị Hiền rời nhà đi tìm con cho... thiên hạ. Nhớ lại những ngày trực tiếp làm công tác trẻ em, chị Hiền tâm sự: “Làm công tác trẻ em thì việc nửa đêm hay bất cứ lúc nào bị “dựng dậy” để giúp các em là chuyện thường ngày rồi. Nhưng mừng một điều là ngày càng có thêm nhiều người, nhất là những bạn trẻ là học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn cũng tham gia rất nhiệt tình và có trách nhiệm về công tác trẻ em như vậy”.

Sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đến sinh hoạt tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi (thuộc Hội Chữ thập đỏ).
Sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đến sinh hoạt tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi (thuộc Hội Chữ thập đỏ).

Không riêng chị Hiền, những người làm công tác trẻ em từ cấp thành phố đến khu dân cư đều chung suy nghĩ. Vài năm trước, chứng kiến cảnh xe của Trung tâm Bảo trợ xã hội đón một bé bị bỏ rơi ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Huỳnh Thị Yến Nhi - cựu sinh viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - lúc đó như bị ai “hớp hồn”, cứ chạy xe máy theo về đến tận trung tâm để nhìn mặt đứa trẻ. Sau lần đó, tháng nào Yến Nhi cũng quay trở lại thăm trung tâm và dành nhiều thời gian ở khu vực trẻ khuyết tật.

Cũng từ lòng yêu thương ấy, Yến Nhi kết nối sinh viên của nhiều trường khác nhau trên địa bàn thành phố đến trung tâm làm công tác xã hội. Nơi đây cũng trở thành “ngôi trường” đào tạo sinh viên các trường trở thành cộng tác viên trẻ em, đặc biệt là trên lĩnh vực phòng chống xâm hại trẻ em.

Theo chị Phạm Thị Kim Út, cán bộ phụ trách trẻ em phường Hòa Minh, lực lượng cộng tác viên trẻ em “xuất xứ” từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đã giúp rất nhiều cho địa phương trong lĩnh vực phòng chống xâm hại trẻ em. Sự năng động, có kiến thức của đội ngũ này đã tạo dựng lên sự liên kết thông tin hữu hiệu, giúp chính quyền phát hiện, can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị lạm dụng.

Thành phố hiện có trên 235.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó, 2.767 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 16.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do sống trong những gia đình nghèo, cận nghèo, mồ côi cha mẹ, gia đình có vấn đề về xã hội... Đây thực sự là điều đáng lo ngại, bởi theo thống kê của các cơ quan chức năng, có gần 90% trẻ em bị lạm dụng, trẻ em vi phạm pháp luật là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Trương Thị Như Hoa cho biết, bên cạnh các chủ trương, chính sách của thành phố đang được triển khai, cần ưu tiên xây dựng đội ngũ những người làm công tác trẻ em, cộng tác viên trẻ em. Thực tế, thời gian qua, tại trung tâm, dù chỉ 6 nhân viên nhưng vẫn tiếp nhận và triển khai tốt các dự án trợ giúp từ trong và ngoài nước dành cho trẻ em thiệt thòi. Nguyên nhân là từ nhiều năm nay, trung tâm đã trở thành ngôi nhà chung của những người yêu trẻ em, năng động và nhiệt tình cùng tham gia.

Đặc biệt, trung tâm đã xây dựng được mạng lưới và đào tạo đội ngũ cộng tác viên trẻ em ở tất cả 56 phường, xã. Ngoài ra, trung tâm cũng đảm nhận tốt việc tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em tại cộng đồng và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở xã hội như Làng Hy Vọng, Làng SOS...; tạo một mạng lưới tương đối kín về lực lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên ở các địa phương cũng đã xây dựng mô hình chăm sóc trẻ em; Đoàn Thanh niên các trường đại học, cao đẳng tham gia tích cực công tác này bằng những CLB thiện nguyện với trọng tâm là chăm sóc, giúp đỡ trẻ em. Đây là một tín hiệu vui; tuy nhiên, việc kết nối các mô hình, CLB để tăng hiệu quả hoạt động vẫn còn thiếu và yếu.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.