PHẢN BIỆN DỰ ÁN CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG NƯỚC KHU VỰC PHÍA ĐÔNG QUẬN SƠN TRÀ

Cần giải quyết hợp lý và hiệu quả lâu dài

.

Chiều 13-5, tại hội nghị phản biện xã hội báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía đông quận Sơn Trà do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức, các nhà khoa học và chuyên gia, nhà quản lý đã đề nghị nghiên cứu cải tạo, nâng cấp để sử dụng hệ thống cống bao cũ và có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước ở âu thuyền Thọ Quang.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dự án có quy mô đầu tư xây dựng hệ thống cống bao bằng bê-tông cốt thép cường độ cao (thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm) nhằm mục tiêu thu gom toàn bộ nước thải của lưu vực có diện tích đến 498ha thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ và An Hải Bắc, quận Sơn Trà đưa về Trạm xử lý nước thải (XLNT) Sơn Trà để xử lý; đồng thời, chuyển hướng thoát nước mưa cho toàn bộ khu vực đưa về âu thuyền Thọ Quang (ứng với trận mưa có cường độ từ 10mm/giờ trở xuống) để bảo vệ môi trường biển phía đông.

Xây dựng Trạm XLNT (giai đoạn 2) có công nghệ xử lý nước thải sinh học theo mẻ SBR cải tiến đáp ứng công suất xử lý khi không có nước mưa là 40.000m3/ngày và khi có mưa là gấp 2,5 lần lưu lượng khi không có mưa (100.000m3/ngày) để bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải của khu vực đến năm 2030. Cải tạo các cửa xả nhằm ngăn không cho nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống thoát nước. Giải pháp thi công chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm bảo đảm chất lượng xây dựng bền vững lâu dài, hạn chế rủi ro, duy trì môi trường hoạt động du lịch, giao thông cũng như hoạt động khác của thành phố.

PGS.TS Trần Văn Quang, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chỉ ra, một trong những nguyên nhân làm nước thải thường xuyên tràn ra bãi biển ở khu vực ven biển phía đông quận Sơn Trà là do công tác quản lý Nhà nước về xả thải chưa tốt. Mặt khác, việc nạo vét bùn đất và thu gom rác ở trong cống vẫn đang thực hiện thủ công bằng sức người, hiệu quả thấp…Hệ thống thu gom, thoát nước được xây dựng cách đây 15 năm do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hiện nay, lại lập thêm dự án đầu tư xây dựng hệ thống cống bao mới và hệ thống XLNT mới, nhưng cũng chỉ đáp ứng thu gom được nước thải lẫn nước mưa cho trận mưa có cường độ từ 10mm/giờ trở xuống với kinh phí đầu tư rất lớn (1.448 tỷ đồng).

“Thực chất của việc đầu tư dự án là chuyển nước thải từ bãi biển về âu thuyền Thọ Quang nên ô nhiễm môi trường nước tại âu thuyền là vấn đề cần quan tâm. Cũng cần nghiên cứu mối quan hệ giữa hệ thống cống bao cũ và cống bao mới, nếu được thì cải tạo, nâng cấp hệ thống cống bao cũ để sử dụng sao cho hợp lý nhằm giảm bớt tình trạng nước thải theo nước mưa lớn chảy ra bãi biển; đồng thời, áp dụng các công nghệ hiện đại về lược rác để bảo đảm hiệu quả thu gom nước thải”, PGS.TS Trần Văn Quang đề nghị.

Trong khi đó, GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ các dự án về môi trường trước đây, dự án này cần phải mang hiệu quả lâu dài, xứng với số tiền đầu tư. GS.TS Trần Văn Nam lưu ý, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu làm lượng mưa lớn hơn, nên cũng cần chú ý để tính toán, thiết kế cống bao mới cho phù hợp; cần nghiên cứu thiết kế các cửa xả ra biển bảo đảm mỹ quan cho bãi biển du lịch…

Theo ông Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, việc không đưa nước mưa lẫn nước thải ra biển là khó lòng thực hiện được. Dự án này đưa nước thải và nước mưa của trận mưa đầu về âu thuyền Thọ Quang thì phải nghiên cứu cách xử lý ô nhiễm môi trường ở âu thuyền Thọ Quang. “Cần nghiên cứu phương án đường ống hoặc kênh đẩy nước từ sông Hàn vào âu thuyền Thọ Quang để hòa tan nước thải đã qua xử lý hoặc nước mưa lẫn nước thải, nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước ở âu thuyền Thọ Quang. Qua đó, cần nghiên cứu thêm một số phương án khác để so sánh, lựa chọn phương án tối ưu”, ông Hồ Duy Diệm nói.

Bên cạnh đó, tại hội thảo phản biện, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã giải trình một số ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và cam kết tiếp thu, nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia.

Ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố bày tỏ, dự án này rất quan trọng và cấp thiết với thành phố cho nên kết quả của hội nghị sẽ được tổng hợp để lãnh đạo thành phố có những chỉ đạo bổ sung, thay thế, điều chỉnh phù hợp để triển khai thực hiện nhằm bảo đảm khả thi.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.