Trường Sơn huyền thoại

Nỗi niềm của những nữ nhân "chân đồng vai sắt"

.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này, chỉ có gang thép mới trụ được” và đặt tên cho B3, Đoàn 559 là “Trung đội nữ công binh thép”.

những cô gái
Những "cô gái" bước ra từ tuyến đường Trường Sơn huyền thoại xúc động ngày gặp lại trong không gian triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn" vừa khai mạc sáng nay, tại Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội. Ảnh Xuân Mai/Vietnam+

“Mỗi khi chuẩn bị biểu diễn, son phấn không đủ, chúng tôi phải lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng giấy đỏ tô má hồng, thay cho môi son. Những ngày ‘đến tháng’ chị em trong đoàn ai cũng đeo lủng lẳng một vỏ ống bơ sữa để đi đến đâu dừng chân là mang ra luộc vải xô. Quần áo thì mang đi hong ở ‘bếp Hoàng Cầm’ cho đỡ ẩm ướt. Mùa khô thì càng hiếm nước nên ai cũng ghẻ lở và rụng hết cả tóc.”

Những hồi ức được kể lại nghe vừa như đùa mà lại thật đến xót xa của cựu nữ Đoàn Văn công “Tiếng hát át tiếng bom” Nguyễn Thị Bích Liên đã tái hiện lại quãng thời gian đầy gian khó mà hào hùng của những người lính bước ra từ con đường huyền thoại Trường Sơn năm nào.

Những nỗi niềm chôn giấu…

Dưới đại ngàn Tây Nguyên, những nữ chiến sỹ tham gia các lực lượng trên tuyến lửa Trường Sơn đã phải trải qua những cảm xúc cùng cực nhiều hơn cả một đời người có thể có: yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường…

Tất cả đã nén vào sâu trong tim của những đôi vai tưởng chừng bé nhỏ mà hóa ra sức mạnh lại thật khủng khiếp giữa chiến trận, góp phần nhào nặn nên một thế hệ nữ anh hùng bất khuất cho dân tộc.

Họ, đối diện với đạn bom, với cái chết thì không sợ. Thế nhưng, gác súng lại, bên trong lớp áo trắng blouse, hay phía sau vô lăng…, những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn ấy lại vẫn có những nỗi sợ rất “nhi nữ thường tình”: sợ vắt, sợ ma, sợ xấu, sợ rụng tóc…

Với nữ cựu binh này, tuyến đường huyền thoại Trường Sơn là cả trời bầu thanh xuân với nhiều hồi ức khó quên. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Với nữ cựu binh này, tuyến đường huyền thoại Trường Sơn là cả trời bầu thanh xuân với nhiều hồi ức khó quên. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

“Theo quy định, chị em khi làm nhiệm vụ là phải búi tóc để đảm bảo an toàn. Chúng tôi thường dùng cặp ba lá cặp 1/3 tóc giữa và 2 cặp ba lá búi hai bên thành trái đào. Nhiều khi chị em vừa gội đầu xong có máy bay ném bom cũng phải búi lên đi làm nhiệm vụ. Thêm nữa, ở chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra,” cô Nguyễn Thị Oanh (C22, E529, F472, Bộ đội Công binh Đoàn 559) bồi hồi nhớ lại.

Đâu chỉ có vậy, ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” trên đất Trường Sơn và cũng chỉ phụ nữ mới hiểu cái vất vả khi đến tháng mà điều kiện không đáp ứng: “Ở chiến trường, con gái đến tháng khổ vô cùng. Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suốt thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay xô và quấn lại cho vào balô, đợi ngày hôm sau hành quân ra suối mới được giặt.”

Những “kiện tướng chân đồng, vai sắt”

Run run xúc động khi được “chạm” lại những hồi ức hào hùng năm xưa, cô Nguyễn Thị Huấn (C2, Tiểu đoàn 232, Cục Hậu cần, Quân khu V) kể: “Mỗi năm tôi gùi khoảng 20 tấn hàng, gần 3 lần khối lượng trung bình của đồng đội nên khi mới 17, 18 tuổi được phong danh hiệu kiện tướng ‘chân đồng, vai sắt”.

“Năm 1969, có khẩu pháo nặng gần 100kg, cả bốn đại đội đều không dám nhận do nó cồng kềnh. Tôi đã xung phong đảm nhận, ngày đêm suy tính cách vận chuyển. Tôi lấy một tấm ván làm mặt phẳng cột khẩu pháo vào và nhờ đồng đội khiêng lên vai. Có hai đồng đội đi theo để phát quang đường rừng, làm chỗ vịn khi tôi leo dốc và khi nghỉ. Bốn ngày ròng gùi pháo, trừ lúc ngủ, tôi ăn, nghỉ ở tư thế đứng vì nếu ngồi phải tháo hàng ra sẽ rất khó để nâng lại lên vai”.

Những người lính Trường Sơn ngày ấy-bây giờ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Những người lính Trường Sơn ngày ấy-bây giờ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Vậy đó, những thiếu nữ đương độ “bẻ gãy sừng trâu” khi xung trận đã tận hiến đến cùng sức lực cho cuộc chiến bảo vệ đất nước. Sức mạnh tuổi trẻ cùng với sức mạnh tinh thần và ý chí chiến đấu ngoan cường đã tạo nên những nữ chiến binh bất bại khi Tổ quốc lâm nguy.

Trong lá thư viết ngày 25-2-1968 của liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuân gửi cho chị gái có kể lại hành trình gian nan của những cuộc hành quân nhưng vẫn ngời lên một tinh thần lạc quan về tương lai: “Cuộc hành quân vừa rồi thật là vất vả, cheo leo trên đỉnh núi, chỉ có một con đường độc đạo và chỉ một người đi vừa, hai người ngược chiều mà không khéo thì lăn xuống sông Long Đại chỉ còn xương không hoặc làm mồi cho cá.”

“Chúng em vai vác nặng phải leo những cái dốc rất cao, có cái dốc đi từ 6 giờ sáng cho tới 6 giờ tối lên tới đỉnh dốc và từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng mai mới tới chân dốc, như vậy là đi 24 tiếng đồng hồ mới hết dốc. Tháng Ba này chúng em lại lên đường hành quân và còn phải trèo qua một cái dốc cao 1.300 bậc lên tới đỉnh thì sẽ thấy được giữa lòng đất miền Nam, nhìn được Lào, nhìn thấy miền Bắc xã hội chủ nghĩa đẹp lắm chị ạ”.

Tuy cực là thế, nhưng trong ký ức của những “cô gái” năm ấy, ở chiến trường luôn ấm tình đồng chí, đồng đội và chính những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chị em cũng thường hát hò, động viên nhau khiến bước chân người lính hành quân ra trận cũng trở nên nhẹ nhàng, tâm hồn vui tươi, thanh thản.

 
Nghe cựu binh đường Trường Sơn hát "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây".
 
Tham gia lực lượng cầu đường, ngày mưa nước lớn, ngoài việc lấp những hố bom trên cao, trực barie, những người lính trẻ còn phải chuẩn bị đá để khi nước rút là lấp vào các hố bom dưới ngầm Tà Lê. Toàn tuyến đơn vị bảo vệ dài khoảng 8km lúc nào cũng phải đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống. Nơi đây chính là tọa độ địch bắn phá ác liệt nhất, ngầm phải xây đi xây lại nhiều lần.
 
Chẳng thế mà, tháng 3/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến đến thăm trung đội B3, Đoàn 559 đã phải thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này, chỉ có gang thép mới trụ được” và đặt tên cho B3 là “Trung đội nữ công binh thép.”
 
Có thể nói, hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra những anh hùng cho Tổ quốc hay những anh hùng đã kịp sinh thời để bảo vệ toàn vẹn quốc gia. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến vẫn tiếp tục góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm “Kiêu hãnh Trường Sơn” và vẫn không quên những nghĩa cử cao đẹp nhằm tri ân các đồng đội đã giữ mãi tuổi xuân ở lại chiến trường…
 
Hồi ức của một nữ chiến sĩ đường Trường Sơn huyền thoại.
 

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn…"

"Các nữ chiến sỹ Thanh niên xung phong, công binh đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng yêu nước của phụ nữ Việt Nam, mãi mãi đi vào lịch sử oanh liệt của dân tộc ta.”

Những con số biết nói:

* 20.000km đường Trường Sơn.

* 18.000 nữ giới tham gia trên tuyến đường Trường Sơn.
* 3.140km tuyến đường kín.
* 500km đường sông.
* 1.400 hệ thống đường dẫn xăng dầu.
* Đào đắp san lấp 29 triệu mét khối đất đá.
* San lấp 78.000 hố bom.
* Phá 12.600 bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, hơn 85.000 quả mìn.
* Đánh 2.500 trận, phá hủy 100 xe quân sự, hàng ngàn sung.
* Bắn rơi 2.450 máy bay địch.
* Vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vo chiến trường.
* Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, côn nhân giao thông đã hy sinh; hơn 30 triệu người bị thương…

Theo Vietnamplus

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.