Quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á (*)

.

Ngày 10-5-2019, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa ký ban hành Chương trình số 29-CTr/TU về triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu toàn văn chương trình này.

Ngày 24-01-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 43-NQ/TW). Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 43-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Chương trình triển khai thực hiện như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
Quán triệt quan điểm và mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, có lộ trình và giải pháp quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Thiết kế chiến lược phát triển, xây dựng mô hình, kịch bản tăng trưởng chung của thành phố và cụ thể cho từng ngành nhằm đảm bảo tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn 2021-2030 trên 12%/năm theo Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra; các lĩnh vực công nghệ cao đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2% của cả nước; thu ngân sách trên địa bàn tăng trên 15%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn bình quân tăng trên 10%/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD; tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn so với cả nước đạt trên 2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: ngành dịch vụ 62-65%, công nghiệp và xây dựng 28-30%, nông nghiệp 1-2%; quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người.

Đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và là thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Tập trung phát triển 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và phát huy các động lực tăng trưởng mới

1.1. Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh, bền vững; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách; tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, chuyên nghiệp nhằm đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu, có thương hiệu du lịch mạnh trong cả nước, khu vực và quốc tế.

- Có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, hiện đại, tiện ích và thời thượng; ưu tiên phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch tạo nguồn thu nhập, giá trị gia tăng cao.

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của Đà Nẵng, tạo nguồn cung và sản phẩm du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách và các nhà đầu tư.

- Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đăng cai tổ chức các hội nghị, sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế, nhằm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế, đô thị du lịch ven biển mang tầm quốc tế.

1.2. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển cảng biển, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics

- Triển khai hiệu quả Chương trình số 28-CTr/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước trên cơ sở khai thác lợi thế và phát triển mạnh các lĩnh vực: dịch vụ du lịch biển, cảng biển, hàng không, dịch vụ logistics…; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đáp ứng công suất 28 - 30 triệu khách/năm vào năm 2030.

- Đầu tư xây dựng các tuyến đường thủy trung chuyển container, phát triển Đà Nẵng trở thành điểm trung chuyển, phân luồng hàng hóa của vùng, khu vực; hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung với hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển, kết nối giao thông giữa Đà Nẵng với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

- Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng hóa tham gia vào chuỗi cung cấp của các nhà phân phối trong khu vực, cả nước và thế giới. Tiếp tục hình thành các trung tâm thương mại lớn; kêu gọi đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực - giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, cửa hàng miễn thuế nhằm phục vụ phát triển du lịch.

1.3. Phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp

- Tập trung xây dựng, thực thi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tăng cường thu hút các dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao theo định hướng phát triển và quy hoạch ngành nghề kêu gọi đầu tư của thành phố.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng một số khu, cụm công nghiệp mới theo hướng khu, cụm công nghiệp sinh thái, vừa đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư, vừa đảm bảo phát triển các ngành công nghiệp sạch, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao... Chú trọng hình thành các liên kết, hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp trong từng khu, cụm công nghiệp và giữa các khu, cụm công nghiệp với nhau.

- Triển khai hiệu quả Đề án tổng thể phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030, Đề án thí điểm nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân có sự hỗ trợ từ Nhà nước; liên kết hoạt động sáng tạo khởi nghiệp các tỉnh/thành phố trong vùng, khu vực và quốc tế; hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo, ươm tạo, khởi nghiệp trên địa bàn thành phố; nghiên cứu, xây dựng Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia tại thành phố Đà Nẵng với vai trò là hạt nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

- Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, trở thành 1 trong 3 trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ lớn cả nước; xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại thành phố Đà Nẵng theo hướng hội nhập, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực; khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và công nghệ mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, sinh học…

1.4. Đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số

- Tận dụng và khai thác tốt nhất những ưu điểm của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại để tập trung đầu tư phát triển, ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, nhất là ưu tiên sản phẩm đóng gói hoàn chỉnh và sản phẩm phục vụ nền Công nghiệp 4.0.

- Xây dựng hạ tầng viễn thông tốc độ cao, liên vùng, hiện đại, an toàn thông tin, bảo đảm kết nối cho nền kinh tế số, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

1.5. Đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực thi các chính sách phát triển kinh tế biển

- Quy hoạch hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, vùng sản xuất hữu cơ; hoàn thiện quy hoạch, đầu tư hạ tầng các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

- Tiếp tục tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao phục vụ đô thị và du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.

- Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động khai thác, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, hiện đại hóa nghề khai thác; chú trọng hỗ trợ thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác và trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại trên biển. Đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển, đảo quốc gia.

- Hoàn thiện hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại và chuyên nghiệp; khôi phục làng nghề truyền thống, phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với dịch vụ sinh thái nông nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa và đô thị hiện đại, chú trọng xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới, kiểu mẫu, vườn mẫu.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; quản lý có hiệu quả rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; phát huy hiệu quả trồng rừng kinh tế, rừng cây gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và nâng cao độ che phủ rừng.

1.6. Thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực tăng trưởng mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện mô hình cơ quan xúc tiến, tham mưu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Xây dựng kịch bản tăng trưởng chung cho thành phố và cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW. Có cơ chế huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm trên các lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của thành phố; đẩy mạnh công tác xã hội hoá, thu hút đầu tư theo nhiều hình thức phù hợp như đối tác công - tư (PPP, BOT, BT).

- Phát triển mạnh các dịch vụ thương mại, vận tải, thông tin truyền thông, tài chính - ngân hàng, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới; kêu gọi, thu hút một số tập đoàn tài chính lớn đặt trụ sở tại Đà Nẵng.

- Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, duy trì và đưa các mối quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương của các nước trong khu vực và trên thế giới đi vào chiều sâu; đồng thời mở rộng, phát triển các quan hệ hợp tác mới thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tăng cường các nguồn lực cho phát triển thành phố Đà Nẵng.

- Tập trung tháo gỡ, xử lý quyết liệt các vướng mắc liên quan đến thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 02-11-2012 của Thanh tra Chính phủ nhằm khơi thông các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội thành phố, bảo đảm quyền lợi của các tổ chức, cá nhân và nguồn thu ngân sách nhà nước.

2. Hoàn thiện quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường, thành phố thông minh

2.1. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị

- Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng; trong đó, thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn. Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian đô thị đối với khu vực trung tâm, vùng phụ cận, khu vực phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam thành phố.

- Xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu số về quy hoạch xây dựng toàn thành phố và chuyển giao thông tin quy hoạch trên địa bàn thành phố.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo sự thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện vận tải công cộng.

2.2. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đầu tư các công trình trọng điểm có tính chất liên kết vùng kết nối khu vực miền Trung - Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng

- Tập trung đầu tư kết nối hệ thống giao thông thành phố với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không như: đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của vùng; nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; kết nối giao thông ngầm hướng Đông - Tây qua sân bay quốc tế Đà Nẵng; phối hợp với tỉnh Quảng Nam mở rộng cửa khẩu Nam Giang (cửa khẩu Đắc Ốc) thành cửa khẩu quốc tế, khơi thông sông Cổ Cò; phối hợp các bộ, ngành Trung ương đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, mở rộng Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; triển khai dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố (1) và phát triển đô thị, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B, 14G, 14D (Hành lang kinh tế Đông Tây 2), một số nút giao thông khác mức (nút Túy Loan, Liên Chiểu, Hòa Hiệp…).

- Tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố như: Đường vành đai phía Tây (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh); dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID (đường và cầu qua sông Cổ Cò, tuyến đường Vành đai phía Tây 2); cải tạo, nâng cấp mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch quy mô lớn, tiếp nhận tàu khách 5 sao (sau khi hoàn thành cảng Liên Chiểu); nghiên cứu cải tạo sông Hàn trở thành cảng đón tàu biển du lịch (sau khi phê duyệt quy hoạch tổng thể cảnh quan 02 bên bờ sông Hàn).

2.3. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sinh thái, xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”; xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố; đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn.

- Chủ động thực hiện các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm đối với các dự án có nguồn thải lớn; kiên quyết không tiếp nhận các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn thành phố.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn; xây dựng hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn thành phố; tổ chức các chương trình nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

2.4. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án thành phố thông minh và Nghị quyết về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0, trên cơ sở đó, hoàn thiện Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử, nâng cao số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ công qua mạng; bảo đảm đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

3. Tiếp tục đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội giàu tính nhân văn, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”

- Mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô giáo dục - đào tạo theo hướng đa dạng hóa loại hình, kêu gọi đầu tư xây dựng các trường học quốc tế; xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa”. Hình thành Khu đô thị Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch, các trường đại học quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực ngoại ngữ đảm bảo hội nhập quốc tế, nhất là nhân lực trên lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao; phát triển các trường nghề theo hướng đào tạo mũi nhọn, có trọng điểm; xây dựng và triển khai các chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Có các giải pháp quyết liệt hơn về công tác cán bộ, đề xuất cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, thi tuyển, chế độ đãi ngộ thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện cho y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thành tựu y tế mới vào khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cấp, hiện đại hóa theo hướng chuyên sâu các bệnh viện trên địa bàn, hình thành bệnh viện vệ tinh; chú trọng đầu tư, phát triển kỹ thuật y tế theo hướng đa khoa rộng, chuyên khoa sâu; thu hút đầu tư xây dựng các bệnh viện quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân và khách du lịch; đầu tư để Đà Nẵng trở thành một trong bốn trung tâm dịch vụ y tế chuyên sâu của cả nước. Tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

- Duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, đảm bảo 100% các đối tượng yếu thế được trợ giúp với các dịch vụ xã hội cơ bản. Đầu tư quy hoạch lại mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, xây dựng 1 - 2 Trung tâm dưỡng lão dành cho người cao tuổi. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1% trở lên; năm 2030 nâng mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo thành phố tăng từ 1,5 - 2 lần so với giai đoạn 2016-2020. Quan tâm công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng bị ảnh hưởng của giải tỏa đền bù.

- Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển văn hóa theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc, xây dựng phong cách văn hóa người Đà Nẵng, giảm sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng; xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm văn hóa, thể thao lớn nhất của cả nước. Phát triển toàn diện các loại hình văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống. Phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan. Đẩy mạnh việc tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, đồng thời di dời Bảo tàng Đà Nẵng đến vị trí phù hợp; Quy hoạch và quản lý chặt chẽ di tích quốc gia, đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn; hoàn thành hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Thư tịch cổ và văn khắc ở Ngũ Hành Sơn là Di sản ký ức Châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Bảo tàng biển Việt Nam tại Đà Nẵng; các thiết chế trung tâm văn hóa đa năng, thư viện, điểm chiếu phim và cơ sở biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn các quận, huyện và tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

- Khuyến khích phát triển phong trào luyện tập thể thao trong các tầng lớp dân cư (trên 40% vào năm 2030), phát triển thể thao đều khắp trong trường học, chú trọng phát triển thể thao biển, đẩy mạnh thể thao thành tích cao, đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố.

4. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc

- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữa xây dựng các công trình dân sinh, dân sự với công trình phòng thủ bảo đảm đáp ứng yêu cầu chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp yêu cầu tình hình; đảm bảo Đà Nẵng là điểm đến tin cậy, an toàn của bạn bè trong và ngoài nước.

- Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, kinh tế, thông tin và truyền thông. Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng, an ninh xã hội; không để xảy ra khủng bố, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự, khiếu kiện kéo dài phức tạp trở thành điểm nóng. Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các loại tội phạm mới; kiểm soát tình hình, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Thực hiện các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nâng cao văn hóa tham gia giao thông đảm bảo phù hợp với mô hình, phương án phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Xây dựng, thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy phù hợp với phát triển các khu đô thị mới.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các đề án, chương trình cải cách tư pháp, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và các luật mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tham nhũng; thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý dứt điểm các vụ, việc theo đúng quy định của pháp luật, tạo lòng tin cho nhân dân.

- Xây dựng lực lượng vũ trang thành phố ngày càng lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chủ động bảo đảm tài chính, phương tiện, công tác hậu cần, kỹ thuật đáp ứng kịp thời yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

5. Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội

- Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất về ý thức và hành động trong toàn Đảng bộ. Chăm lo xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận của nhân dân. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Thành ủy. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Trung ương và Thành ủy về công tác cán bộ, quan tâm đến Đề án cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Tiếp tục đổi mới trong công tác đánh giá và bổ nhiệm cán bộ theo hướng chú trọng đến năng lực, phẩm chất đạo đức, hiệu quả và sản phẩm công việc của cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là trong trường học, doanh nghiệp, địa bàn khu dân cư. Rà soát, sàng lọc và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chú trọng công tác nội chính và phòng chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, cải cách lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý triệt để các biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức công vụ.

-  Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, chú trọng thực hiện phân cấp cho các địa phương, đơn vị; triển khai Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố quản lý; từng bước xã hội hóa và tách các dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước.

- Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tiếp tục củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.

6. Chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, phát huy hiệu quả hợp tác, liên kết vùng

- Phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; chủ động tham gia, phối hợp trong việc rà soát, lập Quy hoạch vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, lâu dài nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương bạn và nhân dân thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW.

- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, nhất là xây dựng, tổ chức thực hiện và xúc tiến, huy động nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch, nội dung liên kết, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển; xúc tiến, quảng bá du lịch của vùng duyên hải miền Trung đến thị trường quốc tế. Phối hợp thực hiện tốt các nội dung hợp tác đã ký kết giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương trong khu vực; kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương.

7. Triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước

- Tập trung triển khai ngay những cơ chế, chính sách đã được thực tế chứng minh là hiệu quả; đồng thời nghiên cứu, đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách mới, phức tạp nhưng cấp thiết cho sự phát triển của thành phố để thí điểm thực hiện.

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành các văn bản pháp luật về thí điểm thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào thành phố.
- Nghiên cứu xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật; đề xuất thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở Chương trình của Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chương trình của Thành ủy, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể trên từng lĩnh vực, phù hợp với tình hình, điều kiện của từng ngành, địa phương, đơn vị, phân công trách nhiệm rõ ràng cho lãnh đạo phụ trách, thời gian hoàn thành, đảm bảo kinh phí thực hiện và định kỳ hằng năm có đánh giá kết quả thực hiện cụ thể.

2. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt Nghị quyết số 43-NQ/TW và Chương trình này; phối hợp với các cơ quan Trung ương và các địa phương bạn đẩy mạnh công tác tuyên truyền lâu dài và chuyên sâu Nghị quyết số 43-NQ/TW.

3. Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ, giúp Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Chương trình này; định kỳ báo cáo để Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo.

----------------------------------------

(*) Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt

(1 ) Ngoài ra: Cải tạo nâng cấp ga hàng hóa Lệ Trạch, Kim Liên; Phối hợp nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị (tramway/monorail/metro) kết nối từ Đà Nẵng đến Hội An; Đầu tư tuyến đường sắt nhánh nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics và cảng cạn theo quy hoạch; Đầu tư xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân; xây dựng đường sắt tốc độ cao…

 

;
;
.
.
.
.
.