Bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Hoạt động Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân

.

Chiều 14-6, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đã bế mạc sau 20 ngày làm việc
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: Lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).      	                    Ảnh: TTXVN
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Các dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua xem xét Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019, Quốc hội nhận định, trong thời gian qua, nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

Tuy nhiên, nền kinh tế hiện còn không ít khó khăn, hạn chế, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành để giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Về việc giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, bên cạnh ghi nhận nhiều kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, tồn tại; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian tới, phát huy tối đa giá trị đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua mỗi Kỳ họp lại khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn của đời sống. Quốc hội bày tỏ lòng cảm ơn đối với sự tin tưởng, quan tâm, chia sẻ của đồng bào, cử tri cả nước và mong muốn tiếp tục nhận được sự giám sát chặt chẽ, sự đóng góp ý kiến thẳng thắn, xây dựng để Quốc hội nói riêng, bộ máy nhà nước nói chung hoạt động thực sự có hiệu quả.

Quốc hội chọn chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” để tiến hành giám sát tối cao trong năm 2020.

Luật Phòng, chống tác hại rượu bia thể hiện quyết tâm cao của cả Quốc hội và Chính phủ

Tại cuộc Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 14-6, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giải thích rõ hơn về việc Quốc hội thông qua quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được phép uống rượu, bia. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ban đầu, khi Quốc hội xin ý kiến về 2 phương án trong dự thảo luận, các đại biểu Quốc hội có thể chưa rõ nên biểu quyết chưa chính xác.

Sau khi họp tổ giải thích rõ hơn việc lấy ý kiến này, với mục đích là tăng nặng hơn chế tài với những người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, các đại biểu đã đồng tình cao. Vào phiên họp buổi sáng 14-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 408 trong tổng số 450 đại biểu có mặt tại hội trường tán thành (đạt tỷ lệ 84,3%). Trong đó, quy định tại Khoản 6, Điều 5 cấm “Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, đã được Quốc hội biểu quyết riêng với tỷ lệ 77,2% số đại biểu có mặt tán thành.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo luật, cho biết:  Trong Nghị quyết cuối kỳ họp đã nêu rất rõ “giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó nâng chế tài xử phạt nghiêm việc sử dụng ma túy, rượu bia, chất kích thích khác khi tham gia giao thông”. “Chắc chắn Chính phủ sẽ sửa đổi quy định theo hướng tăng hình phạt. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của cả Quốc hội và Chính phủ”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Theo TTXVN
 

;
;
.
.
.
.
.