ĐNO - Chất lượng quy hoạch thấp, một số quy hoạch đã dự báo chưa đúng tình hình, khả năng tăng trưởng đô thị dẫn đến việc tính toán sai cấu trúc không gian đô thị. Đây là nguyên nhân mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu ra khi trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về tình trạng quy hoạch các khu đô thị bị phá vỡ, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, diễn ra chiều 4-6.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, ngành Xây dựng và Bộ Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng; đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã-hội, bảo đảm an sinh, an ninh quốc phòng... Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận ngành còn nhiều hạn chế tồn tại và đang đưa ra các biện pháp nhằm sớm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó sớm khắc phục các mặt hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vào chiều 4-6. (Ảnh chụ qua màn hình) |
Mở đầu chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nêu vấn đề: hiện có tình trạng khu đô thị "ma", khu đô thị bị phá vỡ quy hoạch, không có nhà trẻ, khuôn viên công cộng và yêu cầu Bộ trưởng nêu giải pháp xử lý cũng như cho biết người dân phải chờ đợi bao lâu nữa để được giải quyết.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là công tác quy hoạch, kiểm soát phát triển đô thị còn chưa theo kịp sự phát triển. Chất lượng quy hoạch đã bộc lộ những hạn chế, trong đó chất lượng quy hoạch thấp, một số quy hoạch đã dự báo chưa đúng tình hình, khả năng tăng trưởng đô thị dẫn đến việc tính toán sai cấu trúc không gian đô thị. Điều này dẫn tới các dự án đầu tư thiếu một số căn cứ.
Nguyên nhân thứ hai là đồ án quy hoạch cũng thiếu một số điều kiện cụ thể, ví dụ vẽ ra nhiều hạng mục nhưng nguồn lực để thực hiện thì vướng, thiếu. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm, việc cắm mốc thực địa, công khai quy hoạch, thực hiện quy chế quản lý sau đồ án còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao. “Hiện nay, trách nhiệm xử lý một số công trình sai phép thuộc về các địa phương, tuy nhiên trong thời gian đến bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổng rà soát các công trình xây dựng sai phép để cùng các địa phường xử lý dứt điểm tình trạng này”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Việt Nam đã có khung pháp luật tương đối đầy đủ các quy định để xử lý hiệu quả các vấn đề về trật tự xây dựng. Trong thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng để kiểm soát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Số lượng vi phạm đã giảm dần so với những năm trước nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là những hành vi xây dựng không phép, sai phép.
Trả lời câu hỏi "Vì sao bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam vốn là trọng tâm của kiến trúc và xây dựng được xem là lạc hậu nhưng chậm thay đổi bổ sung?" do ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu ra, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…) và quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị đó là: Quy chuẩn quy hoạch đô thị, nhà ở, cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy; đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ rà soát 62 quy chuẩn nữa để áp dụng trong thời gian đến.
TRỌNG HÙNG