Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV:

Cử tri bức xúc về tính minh bạch của dự án BOT

.

ĐNO - Sáng nay (5-6), sau khi kết thúc phần chất và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, các đại biểu (ĐB) Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều ĐB Quốc hội nêu ý kiến bức xúc về tính minh bạch của các dự án BOT. 

Đề cập việc thu phí tại các trạm BOT, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, mặc dù Bộ GTVT có nhiều công văn giải trình việc thu phí dự án BOT, nhưng cử tri vẫn lo lắng và bức xúc về tính minh bạch của các dự án này. ĐB Phúc đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ cách tính định mức giá thu phí và đặc biệt là cách thức công khai lưu lượng xe đi lại qua các trạm BOT. “Việc công khai thông tin này được tiến hành ở đâu, bằng phương thức nào để người dân dễ tiếp cận, theo dõi và giám sát”, ĐB Phúc chất vấn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thế
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại kỳ họp. (ảnh chụp từ màn hình)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc quyết toán dự án BOT phải bảo đảm công khai minh bạch. Ở thời điểm này, có 62 trạm BOT được quyết toán xong. Số trạm BOT còn lại chưa quyết toán xong thường liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các địa phương. “Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để làm rõ hơn chi phí GPMB. Riêng công tác xây dựng đã quyết toán, kiểm toán cơ bản. Bộ có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét công tác quyết toán từng dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm toán việc thu phí, xem xét, rà soát việc thu phí của trạm BOT. Theo đó, đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí không dừng sẽ hoạt động ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới toàn bộ việc thu phí của trạm BOT sẽ tự động. Ngoài ra, mỗi trạm có 1-2 làn thu phí thủ công để phục vụ xe ưu tiên, xe nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy sẽ phát sinh thêm một số lượng ít về doanh thu liên quan đến thu phí thủ công. “Cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí đều được trang bị hệ thống camera có thể tua lại, xem xét lưu lượng xe qua lại từng giờ, từng ngày. Đồng thời, Bộ GVTVT sẽ lấy số liệu này, kiểm tra trong một ngày, một tuần để đối chiếu doanh thu doanh nghiệp cung cấp. Việc thu phí, xác định hoàn vốn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

ĐB
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đề nghị  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ cách tính định mức giá thu phí và đặc biệt là cách thức công khai lưu lượng xe đi lại qua các trạm BOT.

Liên quan đến các dự án giao thông chậm triển khai, đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ nhận trách nhiệm và kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những dự án chậm do yếu tố khách quan, như công tác GPMB, bố trí vốn không kịp thời. Nhưng với trách nhiệm có nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư hay doanh nghiệp thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, kể cả chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đa số các dự án đội vốn đều rơi vào các dự án đường sắt đô thị và đây là công nghệ mới, chủ yếu được phê duyệt trước giai đoạn 2008. Theo thống kê, giai đoạn 2009-2013 trượt giá đến 49%. “Như vậy có yếu tố công nghệ mới, có yếu tố trượt giá và thay đổi quy mô, chủ trương đầu tư nên có dự án đội vốn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích. 

Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) yêu cầu Bộ trưởng phải trả lời rõ trách nhiệm của bộ trong nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ. “Không phải chỉ có 5 dự án đường sắt như Bộ trưởng nói là đội vốn đâu. Trong tài liệu kiểm toán mà chúng tôi nghiên cứu thì có nhiều dự án đội vốn rất lớn, đề nghị Bộ trưởng phải xem lại”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói và nêu tên những dự án đội vốn như: dự án đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh với 6 lần điều chỉnh, tăng mức đầu tư lên 3.956 tỷ đồng; dự án thủy điện Tân Mỹ của Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần tăng 2.687 tỷ đồng...

ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị trong vấn đề này cần phải quy trách nhiệm đến cùng những cá nhân nào để gây ra tình trạng thất thoát lãng phí này để xử lý nghiêm.

Giải trình về xe đã hết niên hạn, xe quá hạn kiểm định, chất lượng đào tạo lái xe tại các trung tâm chưa bảo đảm yêu cầu theo chất vấn của ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, hàng năm, Cục Đăng kiểm đều có thông báo về các tỉnh, các sở GTVT địa phương số lượng xe hết niên hạn sử dụng, kể cả xe vận tải hành khách và xe vận chuyển hàng hoá.

Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) liên quan đến hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trung tâm sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận hiện nay có mâu thuẫn giữa lợi nhuận và chất lượng của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Bộ GTVT cho rằng để bảo đảm hài hòa, bộ đã kết nối các trung tâm kiểm định xe với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cam kết sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trung tâm vi phạm quy định pháp luật. 

Về công tác đào tạo lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã cập nhật thông tin các nước có liên quan, tăng bộ đề thi lên 600 câu. Loại xe 4 bánh tăng lên 36 câu, xe tải tăng lên 40 câu, xe hạng F tăng lên 45 câu. Số lượng câu hỏi tăng lên. Trong 45 câu, chỉ 2-3 câu không đạt thì coi như không đạt lý thuyết. Cùng với đó còn có những tình huống, tập sa hình, tập trong buồng mô phỏng…

TRỌNG HÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.