Sáng 4-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các bộ trưởng không trình bày báo cáo mà phát biểu 5 phút trước khi trả lời chất vấn. Sẽ có 5 đại biểu chất vấn mỗi lần, mỗi đại biểu chỉ hỏi trong 1 phút, người trả lời có tối đa 3 phút để trả lời. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hoạt động chất vấn vừa qua đã giúp nâng cao hoạt động giám sát của Quốc hội, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
“Nóng” tình hình ma túy, tín dụng đen
Trả lời chất vấn về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt hết sức nghiêm khắc cho hành vi liên quan đến ma túy. Chính phủ cũng có kế hoạch triển khai và có sự phối hợp chặt chẽ. Các ngành đã ban hành nhiều chương trình phối hợp, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, có sự quyết liệt của cả hệ thống vào công tác phòng chống ma túy. Về mặt pháp luật, hiện không xử lý hình sự người sử dụng ma túy, do vậy, Bộ Công an đang nghiên cứu đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.
Từ tháng 10-2018, Bộ Công an được Thủ tướng cho phép tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về phòng, chống ma túy. Các nước ASEAN cũng đã có sự phối hợp và phát hiện đường dây, tổ chức ma túy với số lượng lớn. “Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn ma túy, không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm cam kết.
Về công tác đấu tranh với các băng nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất khẩn trương có hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen; ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, không cho tín dụng đen có đất hoạt động… Để ngăn chặn tội phạm này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian tới, ngành Công an sẽ tăng cường công tác nghiệp vụ, phát hiện và kịp thời triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự ngay từ khi mới manh nha hình thành, không để hoạt động theo kiểu xã hội đen; không để tội phạm liên quan đến tín dụng đen phức tạp trở lại.
Tăng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, giết người, tai nạn giao thông do sử dụng ma túy, rượu bia, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, muốn khắc phục và giải quyết trật tự an toàn giao thông cần có nhiều giải pháp phối hợp với ngành Giao thông để phát triển về cơ sở hạ tầng, bảo đảm đường sá thông thoáng. Bên cạnh đó, ngành Công an sẽ quyết liệt tổ chức giao thông, bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian đến. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Chính phủ, các thành viên của Quốc hội nhận thức vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông rất nguy hiểm đối với toàn xã hội. “Tới đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với những hành vi vi phạm giao thông, vi phạm nồng độ cồn”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định.
Liên quan đến vấn đề tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian qua, Bộ Công an có nhiều chỉ đạo công an địa phương phát hiện, xử lý; phối hợp với Viện Kiểm soát và Tòa án có văn bản hướng dẫn giải quyết tin báo, kiến nghị, khởi tố hành vi xâm hại người dưới 16 tuổi. Nếu trước đây khó khăn trong xử lý thì nay đưa ra quy trình thống nhất trong cả nước.
Liên quan đến vấn nạn gian lận thi cử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an và công an các tỉnh đang điều tra 3 vụ, 16 bị can trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đến nay, kết quả điều tra đã đầy đủ căn cứ để kết luận hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khi thực hiện can thiệp, sửa chữa nâng điểm cho thí sinh. “Về việc phụ huynh đưa tiền nhờ nâng điểm cho con, trước mắt, cơ quan điều tra vẫn đang điều tra làm rõ, củng cố chứng cứ theo quy định của pháp luật. Khi có kết luận, Bộ Công an sẽ công bố ngay”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Chất lượng quy hoạch thấp
Chiều 4-6, mở đầu chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề: Hiện có tình trạng khu đô thị “ma”, khu đô thị bị phá vỡ quy hoạch, không có nhà trẻ, khuôn viên công cộng và yêu cầu bộ trưởng nêu giải pháp xử lý cũng như cho biết người dân phải chờ đợi bao lâu nữa để được giải quyết. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là công tác quy hoạch, kiểm soát phát triển đô thị còn chưa theo kịp sự phát triển.
Chất lượng quy hoạch đã bộc lộ những hạn chế, trong đó chất lượng quy hoạch thấp, một số quy hoạch đã dự báo chưa đúng tình hình, khả năng tăng trưởng đô thị dẫn đến việc tính toán sai cấu trúc không gian đô thị. Điều này dẫn tới các dự án đầu tư thiếu một số căn cứ. Nguyên nhân thứ hai là đồ án quy hoạch cũng thiếu một số điều kiện cụ thể, ví dụ vẽ ra nhiều hạng mục nhưng nguồn lực để thực hiện thì vướng, thiếu. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm, việc cắm mốc thực địa, công khai quy hoạch, thực hiện quy chế quản lý sau đồ án còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng; trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao. “Hiện nay, trách nhiệm xử lý một số công trình sai phép thuộc về các địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian đến, bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổng rà soát các công trình xây dựng sai phép để cùng các địa phường xử lý dứt điểm tình trạng này”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Việt Nam đã có khung pháp luật tương đối đầy đủ các quy định để xử lý hiệu quả các vấn đề về trật tự xây dựng.
Trả lời câu hỏi về việc chậm thay đổi, bổ sung bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…) và quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị đó là: quy hoạch đô thị, nhà ở, cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy; đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ rà soát 62 quy chuẩn nữa để áp dụng trong thời gian đến.
Về tình trạng người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng chưa có điều kiện thống kê đầy đủ. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ để xử lý trường hợp người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài. “Đây là vấn đề khó, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng quản lý và kiểm soát chặt chẽ”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh và khẳng định sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện tình trạng bôi trơn trong xây dựng.
Hôm nay (5-6), phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, tiếp đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
TRỌNG HÙNG