'Cuộc chiến' với rác thải nhựa

.

Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” của UBND thành phố, từ đầu năm đến nay, UBND quận Thanh Khê triển khai nhiều hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của người dân về rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Các ngành chức năng, hội, đoàn thể trên địa bàn quận Thanh Khê thời gian qua phát động, tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân về chống rác thải nhựa.
Các ngành chức năng, hội, đoàn thể trên địa bàn quận Thanh Khê thời gian qua phát động, tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân về chống rác thải nhựa.

Thời gian gần đây, hình ảnh bình nước thủy tinh được thay thế cho chai nước suối, nước khoáng tại những cuộc họp, hội nghị, hội thảo… của các đơn vị hành chính quận Thanh Khê và UBND 10 phường, các hội, đoàn thể trên địa bàn quận là một hành động đi đầu hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh; băng-rôn, phướn tuyên truyền về túi tự hủy sinh học, chống rác thải nhựa được treo tại các chợ trên địa bàn quận Thanh Khê.

Bà Ngô Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Thuận, quận Thanh Khê nhận xét việc tuyên truyền trực quan rất đã và đang phát huy hiệu quả. “Ngay tại chợ Tam Thuận, chúng tôi treo 2 băng-rôn lớn. Hằng ngày, các bà, các chị đi chợ đều nhìn thấy, tin là dần sẽ đi vào nhận thức của họ. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều chị em cho biết sẽ thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông thông thường, vận động các thành viên trong gia đình sử dụng bình thủy tinh đựng nước uống…”, bà Liên nói.

Bà Lê Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN các phường phát các bình thủy tinh, túi đựng rác tài nguyên, giỏ đi chợ, thùng rác có nắp đậy… trong các cấp Hội với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng.

Ngoài ra, các chi hội phụ nữ, tổ dân phố, các tổ chức, cá nhân ở KDC hưởng ứng mạnh mẽ như KDC Thuận An 5 (phường Xuân Hà) hỗ trợ hơn 120 thùng sơn có dán hình ảnh “thùng rác môi trường” cho từng hộ dân tận dụng đựng rác có nắm đậy hay KDC Thuận An 4 (phường Xuân Hà) tận dụng vải bạt đã qua sử dụng may 50 túi vải trao tặng cho chị em đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni-lông; hay 40 “thùng rác môi trường” sơn màu xanh được các ngành chức năng phát cho những điểm buôn bán văn minh đường Hải Phòng.

Theo Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thanh Khê, UBND quận chỉ đạo tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình sử dụng túi ni-lông thân thiện môi trường đang được triển khai tại các chợ trên toàn địa bàn quận Thanh Khê. Tại 4 phường triển khai dự án “Đại dương không nhựa”, mỗi phường chọn 1 đến 2 khu dân cư làm điểm mô hình giảm thiểu phân loại và thu gom túi ni-lông như: Vĩnh Trung (khu dân cư Tân Lập B3); Tân Chính (khu dân cư 2 Tân Ninh A); Xuân Hà (KDC Xuân Đán 4); Thanh Khê Đông (KDC Thanh Minh và Thanh Tân 2).

Một tuần sẽ tiến hành thu gom 2 lần, thời gian qua đã thu gom được 200 kg túi ni-lông để bán lại cho cơ sở thu mua. Trên địa bàn quận hiện đã có 8/10 phường triển khai tổ chức thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn và tiếp tục nhân rộng toàn quận. Trong năm 2019, quận phấn đấu có 70% tổng số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn 10 phường thực hiện thường xuyên việc phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm đạt được tỉ lệ 10% chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế; hình thành được sơ đồ mạng lưới các điểm thu gom, tập kết chất thải rắn tái chế và nguy hại tại từng phường của 10 phường, bảo đảm vệ sinh môi trường và hiệu quả.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thanh Khê cho biết, một trong những vấn đề được UBND quận đặc biệt quan tâm trong cuộc chiến chống rác thải nhựa là giảm thiểu rác thải nhựa tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú du lịch. Vì vậy, UBND quận tổ chức tập huấn cho các đối tượng là các nhà hàng, khách sạn, các cở sở kinh doanh dịch vụ về giảm thiểu túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần, phân loại rác tài nguyên, giảm thiểu xả rác thải ra môi trường.

“Đã có 45 cơ sở đồng ý ký cam kết hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần (hộp xốp, ly nhựa, ống hút, túi ni-lông…); sử dụng những đồ dùng khác thay thế làm từ nguyên liệu thân thiện môi trường; thực hiện thu gom, phân loại rác hữu cơ (thức ăn thừa, thực phẩm vụn, hoa quả…), rác tài nguyên (lon bia, chai nhựa, giấy báo) ở trong phạm vi hoạt động của cơ sở”, ông Lê Trung Minh Tân nói thêm.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.