Ngày 22-4 vừa qua, UBND thành phố thông báo chủ trương nâng cấp Khu xử lý chất thải Khánh Sơn 2007 thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố và đưa phương án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố từng được dự kiến đặt tại xã Hòa Nhơn vào quy hoạch dự phòng tương lai.
Trước hết cần nói ngay rằng đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đương nhiên vẫn quyết tâm xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố ngay tại Khánh Sơn, bên cạnh những thuận lợi như có thể tận dụng một số hạ tầng kỹ thuật sẵn có, thì Đà Nẵng còn phải đương đầu với không ít khó khăn, bất cập đang nảy sinh trong quá trình vận hành Khu xử lý chất thải Khánh Sơn 2007, thậm chí trong quá trình đóng cửa bãi rác Khánh Sơn 1992, trong đó có việc giải quyết sinh kế cho hàng ngàn dân nghèo hằng ngày mưu sinh kiếm sống trên bãi rác này.
Để dự án nâng cấp Khu xử lý chất thải Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố có thể được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao, theo tôi, mấu chốt là chuyển đổi cho bằng được nhận thức về rác của người dân Đà Nẵng! Có thể thấy vấn đề người lao động vào nhặt rác, tiến hành hoạt động thu mua phế liệu ngay trên bãi chôn lấp là nguyên nhân dẫn đến khó khăn, bất cập trong quá trình vận hành bãi rác Khánh Sơn 1992 và Khu xử lý chất thải Khánh Sơn 2007, bởi đã làm cho việc thực hiện chôn lấp rác không thể thực hiện bảo đảm đúng quy trình, quy chuẩn vì phải tạo điều kiện cho người lao động thu nhặt các loại phế liệu, đã tạo ra một khoảng hở rất lớn phần rác tươi, ngay cả việc phun chế phẩm, lấp đất ngay sau khi đổ rác cũng không được thực hiện kịp thời và chu đáo khiến mùi hôi phát tán. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết rốt ráo khi việc phân loại rác tại nguồn được triển khai triệt để trong toàn thành phố.
Và cũng chỉ khi việc phân loại rác tại nguồn được triển khai triệt để trong toàn thành phố thì mới có thể triển khai được dự án đốt rác phát điện. Đây là điều mà tôi từng thu hoạch được khi đi nghiên cứu về vấn đề xử lý rác thải rắn ở Nhật Bản. Còn nhớ ngày 7-8-2013, đoàn đại biểu cấp cao của Đà Nẵng - trong đó có tôi - đang công tác ở Nhật Bản, đã dành cả ngày làm việc thứ hai để đến tham quan học tập tại một số cơ sở xử lý rác thải của thành phố Yokohama: buổi sáng tại Nhà máy Kanazawa là nhà máy xử lý rác thải tiên tiến nhất Yokohama và Trung tâm Phân loại tài nguyên Kanazawa nằm ngay trong khuôn viên Nhà máy Kanazawa; buổi chiều tại Công ty CP Mansei Recycle Systems Yokohama chuyên tái chế rác thải từ gỗ và nhựa. Từ năm 2010 cho đến năm 2025, Nhà máy Kanazawa đề ra kế hoạch “Giấc mơ Yokohama 3R” với ba mục tiêu cùng bắt đầu bằng mẫu tự R trong tiếng Anh: Reduce - giảm thiểu, Reuse - tận dụng và Recycling - tái chế.
Đây thực sự là một triết lý mới trong xử lý rác thải đang rất phổ biến ở nhiều nước phát triển chứ không riêng gì Nhật Bản, bởi một khi quan niệm Rác chỉ là Chất thải thì chỉ cần xử lý sao cho lượng rác đã thải ra không góp phần làm ô nhiễm môi trường sống của cư dân, đi đôi với nỗ lực giảm thiểu lượng rác trên địa bàn; còn một khi quan niệm Rác cũng chính là Tài nguyên thì đòi hỏi phải tính đến 2R sau: tận dụng và tái chế.
Thực chất tái chế cũng là một cách tận dụng gián tiếp sau khi đã tạo ra những hàng hóa tiêu dùng mới rất đa dạng và những công năng mới vượt qua thậm chí vượt xa tầm nhìn hạn hẹp của những ai đang quan niệm Rác chỉ là Chất thải thôi. Chẳng hạn trong công nghệ tái chế rác thải sinh hoạt của Nhà máy Kanazawa, nguồn nhiệt sinh ra từ quá trình đốt rác được thu lại trong nồi hơi nhằm phục vụ hồ bơi nước nóng hoặc dùng để phát điện dựa vào tuabin hơi nước cung cấp nguồn năng lượng cho các nhà máy cũng như trung tâm xử lý bùn ở phía nam thành phố, cho bể-bơi-trong-nhà Rinetsu Kanazawa, lượng điện còn thừa được bán cho các công ty điện lực; tro sau khi đốt rác nóng chảy ở nhiệt độ 1.500 độ C sẽ thành dạng xỉ dùng làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa tái chế hoặc làm đường.
Trung tâm Phân loại tài nguyên Kanazawa chuyên tiếp nhận rác thải sinh hoạt là các chai nhựa, lon nhôm, lon thép, chai thủy tinh không màu, chai thủy tinh màu trà và chai thủy tinh các màu khác đã được thu gom để tiến hành phân loại bằng một máy phân loại theo trọng lượng, một máy phân loại nhôm, một máy phân tách quặng và bằng cả hai băng chuyền phân loại theo kiểu thủ công. Chai nhựa, lon nhôm, lon thép sau khi được dập nén và đóng thành kiện sẽ được bán đi như là tài nguyên tái chế, được ủy thác cho các đơn vị kinh doanh có tư cách pháp nhân để tổ chức buôn bán theo đúng Luật Đồ tái chế đóng gói và hàng hóa tái chế.
Được khởi công xây dựng từ tháng 3-2002, Trung tâm Phân loại tài nguyên Kanazawa đã sớm đi vào hoạt động với công suất xử lý 30 tấn/ngày. Riêng Công ty Cổ phần Mansei Recycle Systems Yokohama thì chuyên ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc thu gom, xử lý, tái chế rác thải từ gỗ và nhựa. Điều đáng chú ý là công ty này hướng đến cấu trúc một xã hội tái chế được hình thành từ cơ sở chế biến vỏ bào - có nguồn gốc gỗ thu gom ở các công trình xây dựng dân dụng bị phá dỡ hoặc có nguồn gốc từ số cây xanh đô thị bị gãy đổ - thành bột giấy và dăm nhiên liệu; cũng như từ cơ sở chế biến nhựa đã qua sử dụng thành RPF/bụi xơ giấy (1).
Nhắc lại câu chuyện 6 năm trước là để khẳng định việc dự án nâng cấp Khu xử lý chất thải Khánh Sơn 2007 thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố tích hợp với dự án Đốt rác sinh hoạt phát điện Đà Nẵng do Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty Everbright International ở Hồng Kông với công suất đốt rác 650 tấn/ngày dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2021, là rất cần thiết; đồng thời cũng để khẳng định yếu tố cốt lõi nhất là phải triệt để triển khai việc phân loại rác tại nguồn trong toàn thành phố - mà muốn vậy thì phải chuyển biến cho được nhận thức của người dân Đà Nẵng từ quan niệm Rác chỉ là Chất thải đến quan niệm Rác chính là Tài nguyên.
Theo tôi trong việc đầu tư thay đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, cần chú trọng đầu tư cho công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức như vừa nêu. Nếu Liên doanh Công ty CP Môi trường Việt Nam và Công ty Everbright International có ý tưởng tổ chức đưa người dân Đà Nẵng đi tham quan Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ (2) thì cái chính không phải là cho họ được tận mục sở thị rác được đốt như thế nào mà cái chính là làm cho họ mắt thấy tai nghe người dân Cần Thơ chuyển đổi nhận thức về rác ra sao…
Có lẽ bên cạnh phương án chung và phương án kỹ thuật của hai dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và đốt rác sinh hoạt phát điện ở Khánh Sơn, nên có phương án truyền thông! Việc nâng cấp Khu xử lý chất thải Khánh Sơn 2007 thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố được bắt đầu không phải bằng cái Đầu tiên/ bằng yếu tố tài chính Tiền đâu, mà là bằng cái Đầu/ bằng yếu tố tư duy đổi mới!
Bùi Văn Tiếng
(1) Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Trăm nghe không bằng một thấy ở Hoành Tân, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 9-8-2013.
(2) Theo nguồn tin từ Báo Đà Nẵng điện tử ngày 10-6-2019.