Công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số 2019: Cả nước có hơn 96,2 triệu người, Đà Nẵng có 1.134.310 người

.

Sáng 11-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị trực tuyến công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng điều tra 2019).

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm 2 bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm). Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Nam Trung thông tin về kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra 2019 tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, tổng số dân thành phố là 1.134.310 người, trong đó dân số nam là 576.000 người (chiếm 50,7%) và dân số nữ là hơn 558.000 người (chiếm 49,3%). Sau 10 năm, quy mô dân số tăng thêm hơn 250.000 người, tốc độ tăng trưởng bình quân 2,54% ; mật độ dân số là 883 người/km2  với dân số thành thị là gần 990.000 người; nhân khẩu thực tế thường trú là 3,6 người/hộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, quá trình tổ chức thực hiện Tổng điều tra 2019 đã áp dụng triệt để, rộng rãi công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, sớm cho ra kết quả, số liệu. Với cách làm này, có thể cập nhật dữ liệu hằng năm và 10 năm sau có thể không cần tổ chức cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở nữa, hạn chế tốn kém thời gian, kinh phí. Từ nay đến khi công bố số liệu chính thức,

Tổng cục Thống kê cần có những bảng phân tích, đánh giá số liệu để có kiến giải chính sách phù hợp, bởi kết quả Tổng điều tra không chỉ là những con số. Công việc tiếp theo của Tổng điều tra là phân tích, đánh giá chi tiết số liệu để đưa ra báo cáo chính thức và sẽ công bố báo cáo này vào tháng 12-2019 tới”.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.