GS Hoàng Tụy - Nhà khoa học, nhà giáo dục xuất sắc

.

Giáo sư (GS) Hoàng Tụy - người con của Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, là một nhà toán học lỗi lạc, nổi tiếng thế giới, nhà sư phạm xuất sắc và mẫu mực đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao tiếc thương cho mọi người, đặc biệt là những người làm công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học. Là người Việt Nam, từ những người yêu mến ông đến đa số những người bị ông phê bình gay gắt, tôi nghĩ ai cũng nể phục và kính trọng ông. Ông ra đi ở tuổi 92, tuổi thọ như vậy cũng là hiếm ở Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Tụy
Giáo sư Hoàng Tụy

Tuy nhiên những trăn trở về giáo dục nước nhà - nhân tố chính quyết định sự phát triển của một đất nước, tôi nghĩ rằng ông vẫn còn đau đáu vì chưa hoàn thành được ước nguyện nào đó của cuộc đời mình.

Ông xuất thân là một thầy giáo trung học ở Quảng Nam, rồi dần dần tự mày mò học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, được đào tạo từ trường đại học hàng đầu thế giới Lô-mô-nô-xôp ở Liên Xô (cũ), trưởng thành trong nghề và trở thành một nhà khoa học hàng đầu thế giới về toán học - làm rạng rỡ Tổ quốc Việt Nam.

Một người hết lòng với khoa học

GS Hoàng Tụy luôn suy nghĩ “Con người không có cảm xúc, không rung động, vô cảm trước mọi việc thì không thể làm được bất cứ việc gì” và “Hãy hết lòng với khoa học, trong khó khăn hãy vươn lên, người trí thức không thể sống hèn”. Hai quan niệm này đã theo ông suốt cuộc đời dạy học và làm khoa học với những tư duy phản biện, sắc sảo, bộc trực góp ý cho phát triển đất nước và lĩnh vực giáo dục. Với suy nghĩ đó, mặc dù rất ham mê Lý thuyết hàm số thực - lĩnh vực mà ông đã có những đóng góp đáng kể cho toán học, nhưng ông quyết định rời bỏ nó. Bởi vì tuy lĩnh vực nghiên cứu đó rất quan trọng đối với toán học, nhưng lại hầu như chưa tìm thấy ứng dụng nào trong thực tiễn.

Ông trăn trở để tìm kiếm một lĩnh vực nào đó khả dĩ cần thiết trước mắt và lâu dài cho thế giới, cho thực tiễn Việt Nam. Cuối cùng, ông đã chọn cho mình một hướng nghiên cứu mới: Vận trù học. Đó là bộ môn toán học, mà nói một cách nôm na, nghiên cứu các phương pháp tiến hành công việc sao cho hiệu quả nhất, tối ưu: hoặc là để tiết kiệm nhất (về thời gian, chi phí, đường đi...), hoặc để đạt được nhiều sản phẩm nhất. Thuật ngữ “vận trù học” hồi đó còn chưa có trong tiếng Việt. Chính ông là người đã đưa từ đó vào ngôn ngữ Việt Nam.

Cho đến ngày nay thì không chỉ các nhà toán học, mà hình như ai trong đời mình cũng đã từng có lần dùng chữ “vận trù” trong khi bàn bạc công chuyện hằng ngày. GS Hoàng Tụy là người đi tiên phong mở đường cho toán ứng dụng thể hiện qua những công trình khoa học, ông đã phát minh ra “Lát cắt Tụy” (tiếng Anh là “Tuy’s cut”). Chính công trình nghiên cứu của ông đã thúc đẩy việc hình thành một chuyên ngành mới trong toán học: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization). Các nhà toán học nước ngoài coi Hoàng Tụy là “cha đẻ của Tối ưu toàn cục”.

Ông có trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm,... và một số sách thuộc kinh điển trong toán học. Ông là tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980-1990), ủy viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế.

Năm 2007, ông cùng các cộng sự thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện. Viện chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan Nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội.

Chỉ ra chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển đất nước

Không chỉ là một nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam, ông còn có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Ông bắt đầu dạy học ở tuổi 20, cho đến khi đã ngoài 90, suốt hơn 70 năm qua, GS chưa lúc nào xa rời nghề dạy học. Đặc biệt, trong 2 thập niên gần đây, GS Hoàng Tụy thường xuyên tranh luận, lên tiếng trên các diễn đàn để thẳng thắn chỉ ra những điều bất cập, lệch lạc, gây trở ngại cho sự tiến bộ của khoa học, giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.

Trong phát biểu nhận giải thưởng Phan Châu Trinh, GS Hoàng Tụy phân tích “đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển. Từ lâu, giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống”.

Ông nhìn nhận, trong hiện tình đất nước có vô vàn khó khăn, đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và đáp ứng lợi ích tối cao của đất nước. Việt Nam không là một ngoại lệ. Nên dù trước mắt kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là các vấn đề giáo dục. Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10% năm chăng nữa, đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông.

Những vấn đề chính và cấp bách theo định hướng hội nhập tích cực vào trào lưu chung của thế giới văn minh cần phải giải quyết trong cuộc Cải cách giáo dục (CCGD) đã được GS Hoàng Tụy đề nghị với Chính phủ, với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng có thể đúc kết 4 ý chính gồm: 1. Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy. 2. Cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. 3. Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xóa bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả và 4. Chuyển giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

Giáo dục đã có lối ra?

4 vấn đề mà GS Hoàng Tụy nhiều lần đặt ra đã cho thấy đó là những nhân tố chủ yếu để cải tiến giáo dục nước nhà.

Thứ nhất là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Theo GS,  hầu hết mọi căn bệnh tàn phá giáo dục đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái chính sách bỏ mặc rồi khuyến khích thầy giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ”. Chính phủ cũng đã có nhiều nghiên cứu và đưa ra giải pháp nâng lương cho nhà giáo.

Thực tế nhà giáo mới chỉ được tăng thêm phần lương thâm niên và phụ cấp ưu đãi. Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi chính là một nguồn thu nhập, là một trong những động lực để những người “lái đò” gắn bó lâu dài với nghề. Tuy nhiên phần “tăng thêm” này không bù lại được với vật giá tăng, nên đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng ta chưa thể giải quyết được vấn đề thu nhập của đội ngũ giáo chức.

Thứ hai là chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo GS Hoàng Tụy, “chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm nay. Quá nhiều trường đào tạo về kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng... nhưng rất ít trường về công nghệ, kỹ thuật, khoa học. Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất ít trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi”. Đó là sự bất hợp lý và bất thường của một nước đang quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc phân chia dạy nghề về cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý và chuyển hệ cao đẳng thành cao đẳng nghề, bỏ trung học chuyên nghiệp đã góp phần làm cho sự phân tầng trong đào tạo càng khó khăn. Bên cạnh đó, việc cho thành lập quá nhiều đại học, trong khi cơ sở vật chất nghèo nàn, đặc biệt đội ngũ giảng viên không tăng theo kịp nhu cầu về số lượng và chất lượng nên đã góp phần làm đội ngũ người tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm hay không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng tăng.   

Thứ ba là chuyện học và thi.  “Thi thì mãi vẫn một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh”. Việt Nam đang đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, đã giảm tải so với chương trình hiện hành là giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành. Về giáo dục đại học, các trường đã theo mô hình CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành.), PBL (Problem Based Learning - học tập dựa theo giải quyết vấn đề) là phương pháp giảng dạy tiên tiến, chủ động và đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu và giải quyết các vấn đề thực tế là những cải tiến mà các đại học đang tích cực ứng dụng.

Vấn đề thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được liên tục cải tiến trong những năm qua: thi 3 chung, 2 trong 1 (1 kỳ thi với 2 mục đích: xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học), thi tốt nghiệp THPT quốc gia và làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh...  cũng đã cho thấy các trường phổ thông đã điều chỉnh việc dạy và học theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, qua tỷ lệ tốt nghiệp gần 100%, qua những hiện tượng gian lận trong thi cử mà đỉnh điểm là năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,... qua tỷ lệ đỗ, qua kết quả xếp hạng điểm trung bình 63 tỉnh thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cho thấy việc coi thi, chấm thi cũng chưa thể nghiêm túc như nhau. Cho đến bao giờ giáo dục Việt Nam mới thoát được lối học và thi này?

Thứ tư là xây dựng đại học. “Việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, đến nay chúng ta vẫn giữ nhiều tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, đại học của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến cách thực hiện chiến lược”. Hiện nay quy trình tuyển chọn nghiên cứu sinh và  đào tạo tiến sĩ, xét công nhận chức danh giáo sư của các đại học Việt Nam đã tiệm cận với các đại học trên thế giới thông qua đồng hướng dẫn (GS Việt Nam và thế giới), tiêu chuẩn ngoại ngữ, bài báo quốc tế ISI. Một số đại học Việt Nam, nhiều chương trình đào tạo cũng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá kiểm định chất lượng như HCERES, ABET, AUN,...

Tuy nhiên, do đầu tư cho trang thiết bị thí nghiệm, cơ sở vật chất cho đại học vẫn còn khoảng cách lớn với thực tế sản xuất, với đại học trên thế giới, nên công trình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học vẫn còn khó khăn manh mún, có quá ít sản phẩm đưa ra thị trường. Cần phải quy hoạch lại mạng lưới đại học, tổ chức lại mô hình đại học, tăng đầu tư cho giáo dục đại học, theo cơ chế tự chủ thực sự, theo đuổi định hướng hội nhập, chuẩn hóa và hiện đại hóa,... Có được như vậy mới mong Việt Nam chuyển giáo dục đại học theo như GS Hoàng Tụy mong muốn.

GS, TS TRẦN VĂN NAM

;
;
.
.
.
.
.