Lúng túng trong quản lý nguồn đất rẻo

.

Đất rẻo hiện nay còn rất nhiều trong các khu dân cư, là một nguồn tài nguyên không nhỏ của thành phố nhưng chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Chỉ khi nào người dân có đơn đề nghị hợp thửa đất rẻo, chính quyền quận, huyện mới biết. Cuối tháng 7-2016, Thường trực HĐND thành phố từng yêu cầu UBND thành phố giải trình và phải có giải pháp rà soát, quản lý đất rẻo, nhưng đến nay quản lý đất rẻo vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải cụ thể.

Mảnh đất rẻo tại số 229 đường Ngô Quyền (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà siêu mỏng trái phép làm nơi kinh doanh.
Mảnh đất rẻo tại số 229 đường Ngô Quyền (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà siêu mỏng trái phép làm nơi kinh doanh.

Dân nộp đơn, chính quyền mới biết có đất rẻo

Sau cuộc giải trình với Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3862/QĐ-UBND ngày 14-7-2017 về quy định quản lý, sử dụng đất rẻo trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND quận, huyện được phân cấp chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp để quản lý đất rẻo và giải quyết nhu cầu hợp thửa đất rẻo của hộ dân có nhu cầu. Hầu hết các Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) các quận, huyện đều phản ánh đã tiến hành rà soát nhưng không thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu mảnh đất rẻo trên địa bàn.

Chỉ đến khi người dân nộp hồ sơ đề nghị được hợp thửa đất rẻo, lúc đó Phòng TN&MT mới kiểm tra thực tế hiện trạng để tham mưu cho UBND quận, huyện phương án sử dụng mảnh đất rẻo này vào mục đích công cộng hay đồng ý cho hộ dân ở liền kề hợp thửa. Trưởng phòng TN&MT quận Liên Chiểu Lê Duy Hòa cho biết: “Địa bàn quận có rất nhiều dự án chỉnh trang đô thị. Do đó, đất rẻo sẽ rất nhiều nhưng các ban quản lý dự án không chuyển giao thì không thể biết để quản lý. Chỉ đến khi dân nộp hồ sơ, Phòng TN&MT mới biết và tiến hành các bước đưa vào quản lý mảnh đất rẻo này”.

Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố, qua 2 năm thực hiện Quyết định số 3862/QĐ-UBND, các quận, huyện tiếp nhận 220 trường hợp đất rẻo từ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các ban quản lý dự án có chức năng đền bù, giải tỏa, khai thác quỹ đất; 280 trường hợp đất rẻo do các phường, xã rà soát, thống kê và 665 trường hợp do người dân có đơn xin hợp thửa đất rẻo.

Trong khi đó, báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố đánh giá: Thực hiện Quyết định số 3862/QĐ-UBND, Trung tâm Phát triển quỹ đất và các ban quản lý dự án có bàn giao quỹ đất rẻo cho quận, huyện nhưng chưa triệt để, không kèm theo sơ đồ vị trí ranh giới, biên bản bàn giao từng khu đất, địa chỉ thửa đất nên còn bị động, lúng túng trong việc tổng hợp quỹ đất, chưa nắm cụ thể quỹ đất rẻo trên địa bàn mình quản lý.

Nhiều ban quản lý dự án thực hiện chức năng giải tỏa, đền bù đã giải thể và sáp nhập; do đó việc lưu trữ hồ sơ, phục vụ cho việc sao lục, truy xuất bàn giao quỹ đất rẻo khó thực hiện được. Rõ ràng việc không kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn đất rẻo đã gây nên tình trạng lấn chiếm sử dụng đất rẻo còn lại sau giải tỏa, đất rẻo sau khi dời mồ mả trong khu dân cư và đất rẻo do Nhà nước quản lý nhưng bỏ hoang, đồng thời gây lãng phí một nguồn tài nguyên không nhỏ của thành phố.

Phải sửa Quyết định số 3862/QĐ-UBND

Các ý kiến từ quận, huyện cho rằng không thể kiểm soát, quản lý đất rẻo trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả theo Quyết định số 3862/QĐ-UBND. Theo ông Lê Duy Hòa, công tác quản lý đất rẻo hiện nay không hề đơn giản. Thành phố cần tổ chức bài bản một cuộc tổng rà soát, đo đạc, quy chủ đất rẻo toàn thành phố mới có thể quản lý được.

Trưởng phòng TN&MT quận Sơn Trà Nguyễn Văn Thinh đề xuất nên giao việc tổng rà soát cho Viện Quy hoạch của Sở Xây dựng và Trung tâm Kỹ thuật TN&MT thuộc Sở TN&MT thực hiện theo cơ chế đặt hàng sẽ tốt hơn giao cho quận, huyện vì các đơn vị này có dữ liệu về quy hoạch và đất đai. Hiện nay, Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở TN&MT tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3862/QĐ-UBND nhằm quản lý, sử dụng đất rẻo có hiệu quả; giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân xin hợp thửa đất.

Để quản lý, sử dụng đất rẻo có hiệu quả, quận Hải Châu đề nghị UBND thành phố điều chỉnh Quyết định số 3862/QĐ-UBND theo hướng giao UBND quận, huyện xây dựng phương án, phê duyệt phương án sử dụng đất rẻo để hợp thửa và sử dụng vào mục đích công cộng mà không cần đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận, huyện. Đối với phương án đấu giá quyền sử dụng đất rẻo thì báo cáo UBND thành phố phê duyệt và phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận, huyện.

Quy định rõ nguồn đất rẻo

Theo Quyết định số 3862/QĐ-UBND, đất rẻo là phần diện tích đất còn lại sau khi thành phố bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị, nhưng trong thực tế có những mảnh đất rẻo hình thành không do giải tỏa. Đó là những mảnh đất rẻo trong khu dân cư thuộc Nhà nước quản lý nhưng chưa có ai sử dụng; đất rẻo hình thành sau khi dời mồ mả nằm xen lẫn trong khu dân cư, đất đường kiệt cơi nới sử dụng ổn định, đất còn thừa sau khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, các quận, huyện đề nghị trong nội dung sửa đổi Quyết định số 3862/QĐ-UBND của UBND thành phố cần bổ sung các loại đất rẻo này.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
;
.
.
.
.
.