Xác định tầm quan trọng của Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết 43-NQ/TW) là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, tổng định hướng, tạo nền tảng và động lực phát triển kinh tế-xã hội thành phố, ngày 21-2-2019, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết này. Ngày 10-5-2019, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Chương trình số 29-CTr/TU nhằm triển khai thực hiện nghị quyết.
Đẩy mạnh tuyên truyền để đưa Nghị quyết số 43-NQ/TW vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ảnh: XUÂN SƠN |
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra một số chương trình cụ thể, đó là: Tập trung phát triển 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và phát huy tối đa các động lực tăng trưởng mới; hoàn thiện quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường, thành phố thông minh; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội giàu tính nhân văn, hướng đến xây dựng “Thành phố đáng sống”; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội...
Nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ngày 18-6-2019, Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành Kế hoạch số 95-KH/BTGTU tuyên truyền chuyên sâu Nghị quyết 43-NQ/TW với 11 nội dung trọng tâm, 11 hoạt động tuyên truyền cụ thể và 25 khẩu hiệu tuyên truyền.
Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy Đảng triển khai việc học tập, quán triệt Nghị quyết đến cơ sở kịp thời, nghiêm túc, thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, chỉ trong những tháng đầu năm 2019, việc triển khai học tập Nghị quyết 43-NQ/TW đã lan tỏa từ thành phố đến các sở, ban, ngành và các quận/huyện, phường/xã, chi bộ, tổ dân phố cùng nhiều hình thức phong phú, nội dung chất lượng với tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham dự đạt khá cao.
Từ khi Nghị quyết 43-NQ/TW được ban hành đến nay, những nội dung quan trọng cũng như yêu cầu bức thiết cần phải có nghị quyết này đã được các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố tập trung khai thác đậm nét, truyền tải thông tin kịp thời đến đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Qua rất nhiều tác phẩm báo chí được thể hiện trên các loại hình khác nhau, với những hiến kế và góp ý chân thành, có thể cảm nhận được ngòi bút nhiệt huyết, hết lòng vì sự phát triển chung thành phố Đà Nẵng của đội ngũ những người làm báo.
Chưa bao giờ lượng thông tin về thành phố bên sông Hàn được cập nhật nhiều, liên tục trên các trang báo, trong các thước phim phóng sự, không chỉ của riêng báo, đài thành phố mà còn có góp mặt của không ít báo chí Trung ương và địa phương khác. Qua những thông tin các cơ quan báo chí phản ánh, người dân mảnh đất Đà Nẵng được sống lại, hồi tưởng về những ký ức xa xưa của một thành phố với những mái nhà chồ cũ kỹ ven sông, những chuyến phà bấp bênh chở khách ngược xuôi trên sông Hàn, những đứa trẻ nghèo không được cắp sách đến trường…; để rồi từ đó cảm thấy tự hào, tự tin về một Đà Nẵng suốt 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW đã phát triển năng động và sáng tạo bậc nhất miền Trung.
Nhiều tác phẩm báo chí ví von rằng, Đà Nẵng sau khi cởi bỏ “tấm áo cũ” chật chội, khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của mình, đã có những bứt phá nhất định trong thời gian qua, đã hình thành đô thị tương đối hiện đại.
Cùng với đó, nhiều bài viết, phóng sự khai thác đa dạng, nhiều chiều các mặt tích cực của đời sống kinh tế-xã hội thành phố trong 6 tháng đầu năm 2019 đã làm bật lên được hiệu quả bước đầu mà Nghị quyết 43-NQ/TW mang lại. Nhiều bài báo cũng chỉ rõ “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của thành phố trong tương lai, đưa ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả 3 đột phá về phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2015-2020…
Nhờ đó, báo chí đã góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng thương hiệu về một thành phố đáng sống để Đà Nẵng ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và du khách thập phương. Có thể nói, nhờ sự đồng hành của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong việc nỗ lực truyền thông, tuyên truyền về Nghị quyết 43-NQ/TW mà về cơ bản người dân thành phố đã tiếp cận được với văn kiện quan trọng này.
Nghị quyết 43-NQ/TW ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ, tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố Đà Nẵng. Để văn kiện quan trọng này “tạo đà” cho thành phố “cất cánh” bay lên theo đúng hướng, đúng quỹ đạo phát triển chung của cả nước và khu vực, thì việc trước mắt cần phải làm ngay là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong thời gian tới với hình thức đa dạng, phong phú, thường xuyên và liên tục trong những năm tiếp theo; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của Nghị quyết 43-NQ/TW gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019 của thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố.
Hai là, tăng cường sự thống nhất về nhận thức, hành động ở mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW; phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường của người Đà Nẵng; tiếp tục phát huy sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, vững vàng đưa thành phố phát triển đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn.
Ba là, tuyên truyền và biểu dương kịp thời những nhân tố mới, cách làm hay, hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, các tổ chức Đảng và đảng viên trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; những tấm gương sáng trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… góp phần lan tỏa, cổ vũ, động viên tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, thu hẹp và xóa dần những hành động cản trở làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.
Đồng thời đấu tranh, phản bác luận điệu, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng sự kiện này xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; phê phán tư tưởng bè phái, cục bộ, gây mất đoàn kết nội bộ; thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức xây dựng Đảng bộ, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.
Bốn là, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước; tăng cường hơn nữa các chuyên trang, chuyên mục, thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình về Nghị quyết 43-NQ/TW; nhất là chú trọng phát huy ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, đa phương tiện, sử dụng có hiệu quả các hình thức tuyên truyền mới như Internet, mạng xã hội.
Năm là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phát huy vai trò tất cả các loại hình văn hóa-văn nghệ trong công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố góp phần đưa Nghị quyết 43-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Vận dụng các hình thức tuyên truyền có tính hấp dẫn, lôi cuốn, hiệu quả như: sân khấu hóa nội dung; tổ chức kể chuyện, tọa đàm, diễn đàn; tổ chức các cuộc thi; thông tin lưu động; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lồng ghép nội dung giáo dục tuyên truyền; tổ chức các buổi phát động, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt, hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW.
Với Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng thực sự đã đứng trước cánh cửa cho tầm phát triển mới nhưng vẫn cần thêm nhiều nỗ lực, sự gắn kết từ mỗi người dân thành phố với chính quyền để Đà Nẵng có thể bước qua cánh cửa vươn tầm châu lục. Nghị quyết này đã chỉ ra các quan điểm, các mục tiêu và giải pháp mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới. Thế nhưng nếu chỉ có giải pháp thôi vẫn chưa đủ mà cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản, cốt lõi của nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân ở các địa bàn dân cư.
Để từ đó, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, những đề xuất, ý tưởng mới của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp về xây dựng và phát triển Đà Nẵng; những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động, nhân dân về các mặt còn chưa được của thành phố sẽ giúp cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền sâu sát hơn trên từng lĩnh vực hoạt động.
Công tác tuyên truyền về Nghị quyết 43-NQ/TW là hết sức quan trọng, rộng lớn, đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và của cả hệ thống chính trị, của từng người dân thành phố.
Từ sự đồng thuận xã hội, Đà Nẵng sẽ có cách làm mới, sáng tạo nhằm thực sự khơi dậy và phát huy được ý chí và nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần xã hội, của cả hệ thống chính trị đưa Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mang tầm quốc tế, có bản sắc riêng và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045.
Trần Đình Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy