* 6 tháng, Thanh tra phát hiện vi phạm với số tiền 50.339 tỷ đồng
Ngày 18-7, phát biểu tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về hoạt động kiểm toán và vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian qua, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, nếu KTNN tiếp tục làm tốt hoạt động kiểm toán thì tiềm lực kinh tế của quốc gia sẽ được cải thiện.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, kết quả KTNN là cơ sở tin cậy để Quốc hội đưa ra những quyết định đúng trong việc phân bổ nguồn ngân sách; là căn cứ để Chính phủ điều hành nền kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... KTNN là cơ quan hoạt động theo cơ chế đặc thù, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, do đó những kết luận của Kiểm toán phải thực sự hiệu quả và chất lượng, từng bước xứng đáng với địa vị pháp lý của mình.
Nhấn mạnh, đối tượng của kiểm toán rất rộng và sắp tới sẽ còn rộng hơn, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, hoạt động KTNN muốn đạt được hiệu quả thì phải đi vào trọng tâm, luôn bám sát nghị quyết của Đảng; góp phần đấu tranh phòng, chống lãng phí, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Để kịp thời cung cấp thông tin có giá trị thực tế, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, cũng như việc quản lý, sử dụng tài sản công, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu, KTNN cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, biết lắng nghe, thận trọng, có phương pháp hoạt động khoa học và đạo đức nghề nghiệp; chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống lãng phí, tập trung vào những đối tượng có dấu hiệu vi phạm để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho biết: Năm 2018, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, cao nhất trong 25 năm hoạt động của KTNN; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 160 văn bản pháp luật; chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 146 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
6 tháng đầu năm 2019, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 37.513,4 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước là 19.105,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 31 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Qua kiểm toán cho thấy, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng còn bất cập, sai sót, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 1.678 tỷ đồng; hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến; nhiều dự án điều chỉnh quy mô trái thẩm quyền, sai khối lượng, đơn giá... KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.
Qua kiểm toán các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, KTNN kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước 10.896 tỷ đồng. Kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2017, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm và bất cập chính sách quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng; kiến nghị xem xét thu hồi hơn 7.500.000m2 đất tại các địa phương được kiểm toán. (Theo TTXVN)
* Ngày 18-7, phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Thanh tra đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019; khẳng định, trên các mặt công tác, ngành Thanh tra đều có sự chuyển biến tích cực như chú trọng xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra theo định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu thực hiện các giải pháp về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng...
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Thanh tra cần tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, trọng tâm là triển khai kế hoạch rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong chỉ đạo, điều hành triển khai công tác thanh tra, giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng...
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 3.550 cuộc thanh tra hành chính và hơn 84.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm với số tiền lên tới 50.339 tỷ đồng và liên quan tới 1.004ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 54.144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.587 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực…
Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra có nhiều đổi mới, trong đó đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra từ những năm trước đây như: Việc chậm ban hành kết luận thanh tra; việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là tại doanh nghiệp; công tác đôn đốc việc thực hiện kết luận chỉ đạo và xử lý về thanh tra nhất là về tiền, tài sản, đất đai và việc hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tình hình KNTC vẫn diễn biến phức tạp; công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư đã có chuyển biến nhưng chậm. Nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót; việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn có nơi chưa tốt. Kết quả triển khai thực hiện Luật Tố cáo năm 2018 chưa đồng đều, nhất là một số nội dung mới. (Trọng Hùng)