Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường: Hướng đến xây dựng thành phố sinh thái- Bài 1: Huy động nguồn lực bảo vệ môi trường bền vững

.

Sau 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, thành phố đã có những thay đổi lớn, phát triển vượt bậc. Việc tiếp tục thực hiện đề án này trong thời gian tới được UBND thành phố xác định là cơ hội để Đà Nẵng thực thi tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường, tiếp cận nhiều nguồn lực hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Đồng thời, việc tiếp tục xây dựng mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường” còn nhằm hướng đến xây dựng thành phố sinh thái, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong hơn 10 năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường với tổng số tiền khoảng 14.000 tỷ đồng. TRONG ẢNH: Một góc thành phố xanh, sạch tại quận Sơn Trà.														       Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trong hơn 10 năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường với tổng số tiền khoảng 14.000 tỷ đồng. TRONG ẢNH: Một góc thành phố xanh, sạch tại quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong công tác quản lý, phát triển đô thị Đà Nẵng với quan điểm phát triển kinh tế, xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường. Chính vì thế, trong hơn 10 năm qua và giai đoạn sắp đến, song hành với sự phát triển kinh tế, thành phố dành khoản ngân sách, kinh phí sự nghiệp cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực môi trường và hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời tranh thủ, huy động nguồn lực lớn từ “những người bạn Đà Nẵng” để đầu tư các dự án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tự nhận mình là một “big fan” (người hâm mộ lớn) của Đà Nẵng, ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ, ông rất thích cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Đà Nẵng, nhất là bãi biển Mỹ Khê-được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Mỗi lần đến Đà Nẵng, ông đều thức dậy sớm để đi bộ ra bãi biển để ngắm và tắm biển.

Ông Axel Van Trotsenburg cũng chia sẻ sự phấn khích khi một hạng mục dự án do WB tài trợ giúp thu gom, xử lý nước thải ven biển và hạn chế nước thải chảy tràn ra bãi biển. “Thật tuyệt vời khi đi bộ trên bãi biển Đà Nẵng lúc 6 giờ sáng. Không chỉ có tôi mà nhiều người khác cũng rất thích Đà Nẵng với địa thế, cảnh quan tươi đẹp. Bản thân tôi và WB rất ủng hộ Đà Nẵng. Chúng tôi đã triển khai nhiều dự án ở Đà Nẵng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường. Nhìn chung, các dự án đã giúp thành phố tươi đẹp hơn, phát triển bền vững”, ông Axel Van Trotsenburg nói.

WB là nhà tài trợ lớn của nhiều dự án quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng hơn 10 năm qua, trong đó có dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng. Các công trình, hạng mục đã hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng của 2 dự án đã góp phần quan trọng nâng cấp và đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, phát triển bền vững…

Nói về hướng hỗ trợ Đà Nẵng trong thời gian đến, ông Axel Van Trotsenburg cho hay: “Tôi mong Đà Nẵng sớm trở thành thành viên của Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững (GPSC) do WB tài trợ để thành phố tận dụng nguồn lực từ GPSC nhằm thúc đẩy các lợi ích về môi trường. Giữa WB và Đà Nẵng cũng có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng”.

TS. Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Chúng tôi đang hỗ trợ và đề xuất để Đà Nẵng trở thành thành phố thành viên của GPSC nhằm tận dụng các nguồn lực, tài trợ của WB và các thành phố thành viên giúp đỡ cho Đà Nẵng. Trong những năm qua, thành phố Yokohama (Nhật Bản) đã giúp đỡ Đà Nẵng thực hiện một số dự án, nhất là dự án Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Khi Đà Nẵng trở thành thành viên của GPSC, Đà Nẵng sẽ nhận được nhiều nguồn lực giúp đỡ của thành phố Yokohama, một thành viên của GPSC”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong hơn 10 năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường với tổng số tiền khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn ODA là 511,4 triệu USD, tổng vốn tư nhân là 131 tỷ đồng, tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách thành phố cho các dự án thuộc lĩnh vực môi trường khoảng 1.300 tỷ đồng (chiếm 9% tổng nguồn vốn ngân sách tập trung). Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện cũng huy động hơn 1.400 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp môi trường để triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường…

Trong hơn 10 năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường với tổng số tiền khoảng 14.000 tỷ đồng.
Trong hơn 10 năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường với tổng số tiền khoảng 14.000 tỷ đồng.

Thành phố đã huy động nguồn hỗ trợ từ các bộ, ngành trong nghiên cứu khoa học, thực hiện các công trình, giải pháp về xử lý môi trường, phòng chống thiên tai (trên 48 tỷ đồng). Đà Nẵng hợp tác chặt chẽ với chính quyền các thành phố (Boras - Thụy Điển, Yokohama - Nhật Bản, Daegu - Hàn Quốc) và nhiều tổ chức tài chính - kỹ thuật trong khu vực và thế giới để hỗ trợ, giúp đỡ về công nghệ, nguồn lực về bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường nói riêng và phát triển đô thị nói chung. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng tham gia đóng góp, xây dựng thành phố môi trường (xử lý nước thải, trồng cây xanh, trồng rừng, hỏa táng, nhà vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường bãi biển)...

Nhằm tiếp tục xây dựng thành phố môi trường, hướng đến xây dựng thành phố sinh thái, trong những năm đến, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2020 và bảo đảm tiến độ triển khai các hạng mục thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng. Cạnh đó, thành phố rà soát, phân kỳ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu vực nông thôn, khu vực đô thị mới phát triển, đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn.

Thành phố sẽ chi đạt 2% tổng chi ngân sách thành phố cho lĩnh vực môi trường; đồng thời sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước; huy động sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các giải pháp về bảo vệ môi trường.

Chính quyền thành phố sẽ chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình hợp tác chuyên sâu, lâu dài với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu…

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị: “Để tiếp tục thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” và hướng đến mục tiêu thành phố sinh thái, thành phố cần huy động rất nhiều nguồn lực. Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ban, ngành Trung ương cần hỗ trợ thành phố tham gia GPSC; kết nối các tổ chức, đối tác hỗ trợ, tài trợ về công nghệ, giải pháp tiên tiến; hỗ trợ thành phố xây dựng mô hình điểm cấp quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị, quản lý lưu vực sông, quản lý môi trường biển…”.

"Trong 10 năm qua, thành phố đã tập trung nhiều chương trình, nguồn lực như: vốn ODA, ngân sách Nhà nước, vốn xã hội hóa... để thực hiện đầu tư các công trình mang tính chất căn cơ, dài hạn để giải quyết những vấn đề về môi trường.
 
Những kết quả, thành tựu trong hơn 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” là sự nỗ lực rất lớn, không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị và các nhà tài trợ, đặc biệt là những hiến kế, đóng góp, hỗ trợ của những người bạn Đà Nẵng, những người yêu thành phố này.
 
Chúng tôi xin được ghi nhận, bày tỏ sự biết ơn, hoan nghênh và mong có sự đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp môi trường của thành phố Đà Nẵng thời gian đến”.
 
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (2008-2018)

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.