Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường: Hướng đến xây dựng thành phố sinh thái - Bài cuối: Triết lý xanh cho giai đoạn mới

.

Sau 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, hành trình xây dựng và bảo vệ môi trường thành phố trong thời gian tới phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Để có những giải pháp căn cơ, kịp thời và thực hiện hiệu quả, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức triển khai đề án theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm để đánh giá, cập nhật mục tiêu, các tiêu chí phù hợp với bối cảnh phát triển. Trong đó, để hướng đến xây dựng thành phố sinh thái trong giai đoạn sau năm 2030, thành phố đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là kiểm soát tốt chất lượng môi trường nước, không khí, đất và hoàn thành đến 40 nhiệm vụ cùng 30 tiêu chí đã được cập nhật.

Đà Nẵng cần đầu tư hơn nữa cho môi trường sống xanh theo triết lý xanh.
Đà Nẵng cần đầu tư hơn nữa cho môi trường sống xanh theo triết lý xanh.

Trong giai đoạn 2008-2018, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đưa ra 10 tiêu chí - được coi là 10 mục tiêu tối thiểu để xây dựng thành phố môi trường. Trong 10 chỉ tiêu đó, đến nay đã thực hiện hoàn thành 7 chỉ tiêu là: chỉ số ô nhiễm không khí (API) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 100; độ ồn tại khu dân cư nhỏ hơn 60dbA, đường phố nhỏ hơn 75dbA; diện tích không gian xanh đô thị bình quân đầu người từ 6-8m2/người; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại các quận nội thành là 97,83%, khu vực nông thôn là 76,81%; tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt hơn 95%, khu vực nông thôn là hơn 70%; tổng lượng nước thải sinh hoạt thu gom đạt trên 61%,tỷ lệ xử lý đạt yêu cầu hiện ở lớn hơn 42% (của 3 trạm).

Còn 3 tiêu chí chưa đánh giá được hoặc chưa đạt được theo mục tiêu đến năm 2020 là tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí; tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các khu vực: sông, ven biển, hồ, nước ngầm; tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp…

Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho rằng, trong thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, Đà Nẵng đưa ra 10 tiêu chí, trong đó có đến 9 tiêu chí trong lĩnh vực không khí, nước sạch, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn…; chỉ có duy nhất 1 tiêu chí về cây xanh đô thị. Phải nhìn nhận rằng, 10 tiêu chí nói trên là mục tiêu tối thiểu, một thành phố môi trường phải đáp ứng được những yêu cầu khác liên quan đến không gian đô thị, môi trường sống, những yếu tố mang tính bền vững khác. “Thành phố đang hướng tới những chỉ tiêu cao hơn.

Ngay đầu năm 2019, thành phố đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị kèm theo danh mục các dự án đầu tư theo từng giai đoạn phát triển, trong đó xác định các chỉ tiêu đô thị về cây xanh, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải... Các dự án đầu tư đó sẽ cải thiện phần nào sự thiếu hụt những chỉ tiêu đô thị còn đang thiếu.

Hiện nay thành phố đang tập trung chỉ đạo việc triển khai việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nên các hạn chế, bất cập về quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, khai thác khoáng sản, nguồn nước sinh hoạt, cây xanh đô thị… sẽ được mổ xẻ, phân tích và đưa ra giải pháp phù hợp nhất để hướng tới thành phố sinh thái”, ông Thái Ngọc Trung nói.

Theo đánh giá của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đà Nẵng rất thành công trong việc xây dựng một văn hóa đô thị mới; tuy nhiên Đà Nẵng vẫn còn thiếu một chút về môi trường sống xanh, chất xanh và triết lý xanh trong phát triển đô thị, đặc biệt là cây xanh tại đô thị. Hơn nữa, lượng phát thải CO2 nhiều do xây dựng đô thị gắn với bê-tông. Đà Nẵng được WB đánh giá là có thể tạo ra bước đột phá về sản xuất năng lượng tại chỗ là điện mặt trời, điện gió gắn vào hộ gia đình...

GS Đặng Hùng Võ phân tích thêm: “Tăng diện tích cây xanh, giảm phát thải CO2 và tăng sử dụng năng lượng tái tạo và sản xuất tại chỗ... là những triết lý xanh trong phát triển đô thị của các nước phát triển trên thế giới. Đà Nẵng chưa đạt được những tiêu chí đó, nhưng Đà Nẵng có cơ hội vượt lên trên các thành phố trong cả nước nếu chú trọng, tăng cường việc sử dụng năng lượng sản xuất tại hộ gia đình. Cạnh đó, cần bảo toàn môi trường sông và hồ trên địa bàn thành phố. Môi trường không khí đối với Đà Nẵng là chưa bị ô nhiễm, nhưng thực sự là chưa trong lành nên cần có giải pháp về cây xanh và mặt nước trong thành phố”.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, hiện nay và trong thời gian đến, sự phát triển của thành phố Đà Nẵng gặp nhiều thách thức do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh dẫn đến sự tăng nhanh dân số, tăng quy mô sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng phát thải ra môi trường. Điều đó đã, đang và sẽ tác động mạnh tới điều kiện sinh sống, làm việc của người dân, ảnh hưởng môi trường sinh thái đô thị..., nhất là xâm nhập mặn, thiếu hụt nguồn nước, gia tăng chất thải, thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật...

Thành phố đã đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2045 là trở thành thành phố sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về thành phố sinh thái của khu vực và quốc tế đến. Để thực hiện mục tiêu nói trên, trước mắt, từ nay đến năm 2045, thành phố đã đặt ra 40 nhiệm vụ kiểm soát tốt chất lượng môi trường của thành phố cùng 30 tiêu chí về chất lượng môi trường nước; môi trường không khí, không gian xanh; môi trường đất, chất thải rắn; quản lý tổng hợp liên quan đến môi trường.

Theo đó, về môi trường nước, quy hoạch và bảo vệ tốt các nguồn nước cấp phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn thải trên các sông, biển, hồ, đầm; xử lý các điểm nóng môi trường nước, không tái ô nhiễm ở các điểm nóng môi trường đã được xử lý giai đoạn trước. Kiểm soát toàn bộ chất lượng nước thải đô thị, công nghiệp ra môi trường, cải thiện vấn đề ngập úng trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở các khu vực nội thị. Nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị, vùng nông thôn, bảo đảm năng lực cấp nước dự phòng cao, có khả năng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Về môi trường không khí, không gian xanh, bảo đảm bảo chỉ số ô nhiễm chất lượng không khí luôn dưới 100, tiếng ồn, bụi được kiểm soát chặt chẽ. Chất lượng môi trường không khí, giao thông được cải thiện thông qua các biện pháp kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ, phát triển mạnh hệ thống giao thông vận tải công cộng, khuyến khích đầu tư các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, điện năng. Kiểm soát các nguồn khí thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư, đô thị. Tăng diện tích cây xanh công cộng đạt mức trên quy chuẩn quốc gia (12m2/người); bảo đảm mục tiêu trồng rừng, xã hội hóa công tác chăm sóc, trồng rừng.

Về môi trường đất, chất thải rắn, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường những nơi bị ô nhiễm. Quản lý chất thải rắn đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý; tăng chất lượng thu gom và xử lý đạt yêu cầu đối với chất thải rắn theo mục tiêu chiến lược quốc gia đã đề ra; chất thải nguy hại công nghiệp, y tế được kiểm soát nghiêm ngặt. Về quản lý tổng hợp liên quan đến môi trường, các kế hoạch phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp được lồng ghép theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường. Hệ thống quản lý môi trường được đầu tư, kiện toàn, đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu quản lý môi trường bền vững. Cộng đồng, doanh nghiệp được huy động, chủ động tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố môi trường…

“Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện đề án trong giai đoạn tới; hoàn thành các dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm về môi trường đã được UBND thành phố phê duyệt giai đoạn 2016-2020; ưu tiên các giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường nguồn lực quản lý, giám sát tuân thủ môi trường thuộc phân cấp; nghiên cứu, xây dựng các quy định về quản lý đô thị, quản lý môi trường đáp ứng với mục tiêu thành phố môi trường, thành phố sinh thái”, ông Tô Văn Hùng đề cập.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.