Cần vòng tay yêu thương cho người lầm lỡ...

Trở về từ Cơ sở xã hội Bầu Bàng với chứng chỉ nghề điện dân dụng, N.T.B ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) hy vọng sẽ có được việc làm ổn định để “cắt” đuôi đám bạn hư hỏng trước đây. Thế nhưng thực tế chẳng hề đơn giản, khi đi đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu từ chối khéo với lý do “không có nhu cầu tuyển dụng”.

Thất vọng trở về sau những lần bị từ chối, cũng là lúc đám bạn ngày xưa đến rủ “đi uống nước”… nhưng cũng thật may mắn là đúng vào thời điểm đó, B. nhận được điện thoại nhận việc làm ở quận Ngũ Hành Sơn. Bây giờ thì B. đã trở thành thợ chính, đi thi công nhiều công trình trong và ngoài thành phố, với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. B. tâm sự: “Người nghiện như tụi em dù có học nghề, dù có cố gắng, nhưng nếu không có người dang tay đón thì  nguy cơ... tái nghiện là rất cao!”.

Còn em L.T.H, ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) sau khi rời Cơ sở xã hội Bầu Bàng cũng với chứng chỉ nghề về sửa chữa xe gắn máy đã khá hào hứng với việc xin vào một chỗ làm thích hợp và may mắn là một tiệm sửa xe ở gần chợ Hòa Khánh đã nhận vô làm. Thế nhưng đến ngày thứ 3, khi chủ tiệm biết H. trước đây từng nghiện ngập nên đã nói khéo: “Dạo này ế quá, khi nào đông khách anh gọi lại”. Thế là H. tiếp tục những ngày lang thang đi xin việc, và cuối cùng H. chỉ dừng lại khi có người thân khuyên H.  tự mở một tiệm sửa xe, với lời hứa kêu gọi khách hàng ủng hộ... Đến bây giờ thì tiệm của H. đã khá đông khách, không những vậy mới đây H. còn nhận thêm một người bạn cũ từng cai nghiện ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Chia sẻ việc làm của mình, H. cho biết: “Với người nghiện đã hoàn lương, thì xin việc rất khó, nhưng cũng chính qua đây em mới thấy vẫn còn nhiều người tốt, sẵn sàng giúp mình. Vì vậy em sẽ cố gắng giúp những người cùng hoàn cảnh để tránh xa ma túy”.

Ông T.C. (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), người cha có đứa con rơi vào cảnh nghiện ngập, khiến đồ đạc trong nhà “không cánh mà bay”, giờ con trai đã cai nghiện thành công và đang có công ăn việc làm ổn định, xúc động tâm sự: “Trong lúc gia đình đang rối không biết làm gì với đứa con trai nghiện ngập, thì đại diện chính quyền đến động viên đưa cháu đi cai nghiện, sau khi con tôi về còn giới thiệu học nghề. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời này mà đến nay con tôi đã cai được, có được việc làm ổn định. Không những vậy, Công an xã còn thường xuyên tiến hành test máu kiểm tra ma túy đột xuất với con tôi, nhờ vậy đã răn đe cháu không dám quay trở lại con đường nghiện ngập trước đây nữa. Đây là điều may mắn cho gia đình tôi”.

Báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, tính đến giữa tháng 5-2019, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đang quản lý, cai nghiện  đào tạo nghề cho 520 học viên. Thời gian qua, cơ sở đã liên tục mở các lớp đào tạo nghề để giúp các học viên ra trường có công việc ổn định như nghề đan lưới, may giày, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, mộc và nghề trồng trọt. Điều đáng ghi nhận là bên cạnh các biện pháp cai nghiện như cắt cơn giải độc, châm cứu, các hoạt động thể chất... thì việc học nghề cũng đã giúp học viên  vừa có nghề mưu sinh sau khi cai nghiện xong.  Điều đáng mừng là trong số 752 người đang được quản lý sau cai tại nơi cư trú, có 62% người có việc làm. Trong số này, qua công tác phân loại đánh giá của chính quyền địa phương, có 67% người xếp loại có tiến bộ, 26% chưa tiến bộ và 7% có nguy cơ tái nghiện. Hầu hết số người rơi vào danh sách chưa tiến bộ và nguy cơ tái nghiện là những người không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định.

 Bà Phạm Thị Sen, Chi  cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho rằng, việc đào tạo nghề và có được việc làm sau khi hoàn thành cai nghiện trở về địa phương là rất quan trọng. Bên cạnh đó, những trường hợp thành công và có việc làm ổn định, không tái nghiện trở lại thì yếu tố tình cảm yêu thương giúp đỡ của người thân, cán bộ chuyên trách ở địa phương là rất quan trọng. Thậm chí ngay trong khâu kiểm tra đột xuất người sau cai, nếu địa phương nào làm với tinh thần giúp đỡ, yêu thương thì luôn nhận được sự phản hồi rất tích cực từ người sau cai. Họ không chỉ quyết tâm cai nghiện mà còn trở thành những tuyên truyền viên giúp cho những người cùng hoàn cảnh cai nghiện theo mình.

Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.