Kể từ khi thành phố Đà Nẵng ra Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 7-5-2018 (gọi tắt là Quyết định 19) về việc ban hành quy định quản lý dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, trong đó có công tác thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn từ hộ gia đình đến địa điểm xử lý, một số địa phương đã hoàn thành công tác đấu thầu; đồng thời tăng cường giám sát, phối hợp với đơn vị trúng thầu lên phương án thu gom rác. Song, dù địa phương được phân cấp trong việc tổ chức thu gom rác thì đơn vị thực hiện qua đấu thầu vẫn là Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng.
Điểm tập kết rác tạm trở thành nơi ô nhiễm trên đường Chu Huy Mân, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. |
Một đơn vị trúng nhiều gói thầu
Ông Hà Ngọc Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận Hải Châu cho biết, đơn vị trúng gói thầu “Thực hiện dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hải Châu, giai đoạn 2019-2021” trị giá hơn 106 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách quận hằng năm là Công ty CP Môi trường đô thị (MTĐT) Đà Nẵng.
Con số này bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện công việc theo hợp đồng, lợi nhuận của nhà thầu và các loại thuế, phí liên quan công việc theo quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện hợp đồng 33 tháng.
Trên cơ sở đó, Phòng TN-MT quận Hải Châu đã tham mưu lãnh đạo, đề nghị Công ty CP MTĐT Đà Nẵng có hướng đầu tư, thay mới thùng rác, phương tiện thu gom, đẩy mạnh việc cơ giới hóa thu gom, trước mắt cần có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm nâng gắp rác.
Về lâu dài, công ty cần có giải pháp trung chuyển rác phù hợp, tiến đến xóa bỏ các điểm nâng gắp rác đang gây ô nhiễm, từng bước thu gom rác có sự phân công theo chủ trương của thành phố; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ của công nhân như thu gom rác đúng giờ, thu gom hết địa bàn phụ trách.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn quận Hải Châu phát sinh khoảng 250 tấn rác; quận Hải Châu có 1.010 kiệt, hẻm với tổng chiều dài 88,3km, việc thu gom rác phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ xe ba gác và xe tải trọng lượng 400kg-800kg, thời gian thu gom chủ yếu từ 14-17 giờ và từ 17-21 giờ.
Song, Hải Châu là quận trung tâm, tập trung nhiều nhà hàng, địa điểm tổ chức tiệc cưới, hàng quán nên tần suất thu gom rác thải sinh hoạt 1 lần/ngày là quá ít. Đây là một trong những nguyên nhân khiến rác thải vẫn ùn ứ ở các khu dân cư và các tuyến đường lớn.
Đối với địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Văn Tiên, Trưởng phòng TN-MT quận cho biết, địa phương đã hoàn thành công tác đấu thầu theo Quyết định 19. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP MTĐT Đà Nẵng. Với khoảng 80.000 hộ dân, trên 1.000 tuyến đường, kiệt, hẻm; diện tích tự nhiên hơn 4.000ha, cùng hàng trăm nhà hàng, khách sạn, lượng rác thải sinh hoạt ở quận Ngũ Hành Sơn cũng rất lớn.
BND quận đang tích cực phối hợp với đơn vị trúng thầu xây dựng phương án thu gom rác thải theo giờ, theo từng tuyến đường, kiệt, hẻm; đẩy mạnh phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp” để nâng cao ý thức, nhận thức của nhân dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường; đồng thời, đơn vị trúng thầu hợp đồng với Xí nghiệp Môi trường (XNMT) Ngũ Hành Sơn tăng tần suất quét dọn vệ sinh, thu gom rác trên các tuyến đường, đặc biệt tăng tần suất quét dọn các tuyến phố du lịch.
Công ty CP MTĐT Đà Nẵng cũng trúng nhiều gói thầu dịch vụ vệ sinh môi trường tại các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà… Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết: “Quận Sơn Trà đang đối mặt với lượng rác thải sinh hoạt ngày một tăng cao.
Ngoài tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, UBND quận yêu cầu các phường tăng cường giám sát công tác dọn dẹp vệ sinh của đơn vị trúng thầu, nhanh chóng báo cáo cấp trên cũng như chủ động xử lý các điểm nóng về môi trường. Chúng tôi yêu cầu đơn vị trúng thầu tăng cường phương tiện và nhân lực, từng bước cơ giới hóa công tác thu gom cũng như xóa bỏ các điểm tập kết rác tạm”, bà Tâm nhấn mạnh.
Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 1-10-2018 (gọi tắt là Quyết định 33) do UBND thành phố ban hành quy định về bảo vệ môi trường nêu rõ: Hằng năm, ngân sách thành phố bố trí chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% trong tổng chi ngân sách thành phố.
“Dựa trên Quyết định 33, chúng tôi đang đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính bảo đảm nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đạt 1% trong tổng chi ngân sách thành phố để phân bổ về các quận, phường, giúp địa phương có thêm kinh phí tổ chức thường xuyên các hoạt động dọn vệ sinh môi trường ở khu vực công cộng, khu dân cư, các lô đất trống bị bỏ hoang, ô nhiễm”, bà Tâm nói.
Địa phương xây dựng riêng phương án thu gom rác
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi ngày Công ty CP MTĐT Đà Nẵng thu gom gần 150 tấn rác tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, 200 tấn tại quận Sơn Trà, 150 tấn tại quận Liên Chiểu, 180 tấn tại quận Thanh Khê…
Song, trên nhiều tuyến đường, rác thải vẫn chất từng đống, lộ thiên, dưới thời tiết nắng nóng bị phân hủy, nước chảy lênh láng trên mặt đường, ruồi nhặng bay tứ phía, chẳng hạn trên tuyến đường Chu Huy Mân, Bùi Dương Lịch, Thành Vinh 4, Trần Nguyên Hãn, Vũ Ngọc Nhạ (quận Sơn Trà); Yên Thế, Bắc Sơn (quận Cẩm Lệ); Lê Văn Miến, Giáp Văn Cương, Trần Đình Tri, Nguyễn Tường Phổ (quận Liên Chiểu)…
Theo ông Hà Ngọc Đức, hiện công tác thu gom rác (bao gồm rác thải sinh hoạt, rác thải cồng kềnh…) ở quận Hải Châu cũng còn khá ngổn ngang. Năng lực của Công ty CP MTĐT Đà Nẵng chưa đáp ứng nhu cầu thu gom rác theo hướng cơ giới hóa, phương tiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm (thùng rác cũ, xe cuốn ép thường xuyên hư hỏng, ô-tô tải trọng 400kg-800kg số lượng ít), chưa có giải pháp trung chuyển phù hợp để tiến tới xóa các điểm nâng gắp rác trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, từ tháng 3-2019, quận đề nghị UBND 13 phường trực thuộc chủ động liên hệ, làm việc với XNMT Hải Châu thống nhất thời gian thu gom, vận chuyển rác thải theo quy định tại Quyết định số 100/QĐ-UBND của UBND quận ban hành ngày 1-4-2019; đồng thời thông báo thời gian thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường cho nhân dân nắm rõ.
“Chúng tôi thường xuyên đôn đốc, đề nghị XNMT Hải Châu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức và thời gian thu gom phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu gom rác, phối hợp với UBND 13 phường xóa bỏ các điểm tập kết thùng rác tạm thời trên địa bàn.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, khu chung cư, sân bay, chợ, trung tâm thương mại không thuộc phạm vi gói thầu, UBND quận đã có văn bản đề nghị UBND thành phố, Sở TN-MT có quy định cụ thể hơn về thời gian thu gom, biện pháp thu gom, vị trí tập kết rác thải để bảo đảm xử lý tốt lượng rác thải phát sinh trong ngày”, ông Huy nói.
Rác xả bừa bãi, không được thu dọn trên đường Thành Vinh 4, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. |
Thực tế, việc thu gom rác thải sinh hoạt diễn ra khá khó khăn do trên địa bàn thành phố có nhiều kiệt, hẻm rộng dưới 2 mét. Xe ba gác không thể vào nên cứ 1-2 ngày người dân tập kết rác ở đầu hẻm (chờ xe ba gác đến thu gom rác), gây cảnh nhếch nhác. Vì vậy, một số địa phương đã xây dựng riêng phương án thu gom, đề nghị đơn vị trúng thầu thực hiện theo lộ trình đã được phê duyệt.
Đơn cử, theo phương án thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quận Hải Châu năm 2019, đối với các kiệt, hẻm rộng trên 2 mét, công nhân sử dụng xe ba gác hoặc xe tải trọng lượng 400kg-800kg thu gom trực tiếp tại hộ gia đình, gõ kẻng báo hiệu, đợi người dân mang rác ra đổ.
Công nhân đẩy xe ba gác về điểm tập kết rác tạm thời hoặc trạm trung chuyển tạm Đa Phước, đợi xe nâng gắp (5-9 tấn) đến gom rác trực tiếp. Sau đó, rác được vận chuyển về trạm Lê Thanh Nghị để ép rác và đưa lên bãi xử lý. “Đối với kiệt, hẻm quá nhỏ, rộng dưới 2 mét, chúng tôi yêu cầu Công ty CP MTĐT Đà Nẵng bố trí xe ba gác đợi ở đầu kiệt.
Theo thời gian thu gom rác đã được thông báo, người dân chủ động mang rác ra đổ trực tiếp lên xe ba gác. Đối với lượng rác thải rơi vãi khi thực hiện chuyển giao rác thải từ xe ba gác sang xe nâng gắp, chúng tôi đề nghị đơn vị trúng thầu phải thu gom, vệ sinh sạch sẽ”, ông Hà Ngọc Đức cho biết.
Tương tự, trong văn bản gửi Công ty CP MTĐT Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn yêu cầu XNMT Ngũ Hành Sơn điều chỉnh phương án thu gom rác phù hợp với thực tế. “Chúng tôi nhận thấy XNMT Ngũ Hành Sơn thiếu xe chuyên dùng, thùng rác và cả công nhân tham gia trực tiếp công tác thu gom. Điều này khiến công tác vệ sinh chưa thật sự hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Tiên nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các địa phương không có quỹ đất quy hoạch điểm nâng gắp rác cụ thể, các điểm hiện nay đều tận dụng các lô đất trống, khá tạm bợ và nhếch nhác. Bên cạnh đó, các lãnh đạo một số địa phương cho rằng, các giải pháp, phương án thu gom hiện vẫn chưa hiệu quả do thiếu tính cạnh tranh giữa các đơn vị thu gom. Nếu có nhiều công ty môi trường tham gia đấu thầu thu gom rác thải thì sẽ tăng tính cạnh tranh, thay vì quy về một mối cho Công ty CP MTĐT Đà Nẵng, từ đó tăng hiệu quả thu gom rác.
Ông Hà Ngọc Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu: Mong người dân đổ rác văn minh hơn Hiện Xí nghiệp Môi trường Hải Châu có khoảng 250 nhân viên, người lao động nhưng không thể xử lý hết lượng rác đang tồn tại trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, có khá nhiều điểm ô nhiễm môi trường xuất phát từ sự thiếu ý thức và thói quen bạ đâu vứt rác đó của người dân. Chúng tôi mong muốn người dân đổ rác văn minh, lịch sự hơn. Chúng tôi đang xây dựng lộ trình cụ thể xóa bỏ hoàn toàn các điểm tập kết thùng rác tạm thời trên địa bàn quận, yêu cầu đơn vị môi trường tổng dọn vệ sinh trong thời gian tập kết thùng, phun chế phẩm sinh học khử mùi và diệt côn trùng phát sinh tại khu vực; che chắn, bố trí, sắp xếp thùng rác gọn gàng, không để thùng tràn ra đường gây mất mỹ quan... |
Bài và ảnh: H.LÊ