Cần xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành về 'tham nhũng vặt'

.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để ra giải pháp phòng, chống phù hợp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo (tóm tắt) về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo (tóm tắt) về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trong phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”, với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2019, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 là sự tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn. “Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 1.081.235 người; đạt tỷ lệ 99,9% so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai là 1.075.277 bản; đạt tỷ lệ 99,4% so với số bản đã kê khai; có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước); xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp cho rằng theo phản ánh của báo chí, cử tri thì còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý đã cho thấy việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, nhiều hạn chế

Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt”

Nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Quan điểm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề làm thế nào để đẩy lùi tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” trong thời gian tới, nhất là khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…

Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi. Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình tế. Quá trình xử lý cần chú trọng đến việc điều tra chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi trong các vụ án kinh tế.

Theo Ủy ban Tư pháp, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua (năm 2019, có 21 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, giảm 8 người so với cùng kỳ năm 2018). Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện, nên hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao.

Trước phản ánh của cử tri về tình trạng tham nhũng, tiêu cực của cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, các đoàn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng các bộ có chức năng thanh tra chuyên ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần đánh giá thực trạng tình hình và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới; đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong chương trình công tác của năm 2020, cần chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, trong đó có chuyện một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng còn chậm được hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn hiệu quả chưa cao; việc thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ còn hạn chế….

Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2020, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện…

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.